"Cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán" Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5 !
Chủ tịch nước nhấn mạnh chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này.
Không thỏa mãn với thành tích bước đầu
Thảo luận ở tổ sáng 25/5 về kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng, dấu hiệu tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp... Khẩu hiệu luôn được quán triệt là giữ vững kinh tế vĩ mô và là điểm nổi trội trong điều hành. Về vấn đề dịch Covid-19, dịch bệnh ngày một kiểm soát tốt với tỉ lệ tiêm vắc-xin thuộc nhóm đầu trên thế giới.
“Thành công tại SEA Games 31 rất vang dội. SEA Games không chỉ là thể thao mà còn là bộ mặt quốc gia, khả năng tổ chức và trình độ chuyên môn vừa rồi chúng ta làm khá hoàn thiện chương trình thể thao khu vực rất tốt”, Chủ tịch nước nói.
Lưu ý "đó mới chỉ là kết quả bước đầu" nên không được chủ quan, thoả mãn, Chủ tịch nước chỉ rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp là không thể bàn cãi do tác động của đại dịch trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
Trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế chúng ta.
“Các yếu tố đầu vào tăng lên, kéo theo các ngành kinh tế có thể rơi vào tình trạng khó khăn chung. Tôi đã chứng kiến vòng xoáy năm 2007-2008 về lạm phát, giá sản xuất trong kinh tế, sản xuất hàng hóa phải lưu ý”, Chủ tịch nước nói.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, là điều kiện thuận lợi để chấn chỉnh về dự trữ.
Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra là Hội nghị chuyên đề nói về lương thực trên thế giới, Liên Hiệp Quốc đã có nghị quyết về vấn đề lương thực, chúng ta thường hay nói “xoài không thể thay được gạo”, Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam may mắn là đất nước nông nghiệp chỉ có 3 tháng một lần thu hoạch, đây là điều kiện thuận lợi mà chúng ta phải chấn chỉnh về dự trữ.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước đánh giá năm nay, khu vực Miền Trung thời tiết thất thường, thu hoạch năng suất rất thấp, coi chừng khó khăn, cần nâng cơ chế dự phòng cao hơn, đừng để bất ngờ xảy ra.
Thêm nữa, Chủ tịch nước chỉ ra hiện tượng rút bảo hiểm xã hội hàng loạt, trong 2 tháng mấy trăm nghìn người rút một lần.
“Rút một lần thì hậu quả sao? Nhà nước phải gánh. Nhất là khi về già thì càng khó khăn cho xã hội. Người ta cũng không muốn rút đâu nhưng bởi vì có khó khăn. Những việc như vậy làm ta suy nghĩ phải thấy được bản chất vấn đề là người lao động đang gặp trở ngại, phải có những chính sách phù hợp”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trái phiếu bản chất không phải là xấu nhưng điều tiết như thế nào cho tốt.
Chủ tịch nước cho hay, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây "bốc hơi" hàng tỷ USD. Do đó, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.
"Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo"
Lưu ý về gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.
Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em...
Chủ tịch nước chia sẻ, bản thân ông thấy mừng vì Việt Nam đã đạt được một quy mô nền kinh tế khoảng 340 tỷ USD, vươn lên thứ 4 của ASEAN; tốc độ tăng trưởng thời gian qua lên đến 6, 7% liên tục trong nhiều năm, trừ năm 2020 là 2,91 và 2,58% ảnh hưởng của dịch bệnh tăng trưởng.
Mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc nêu đến năm 2025 nước ta thoát ra khỏi các nước có thu nhập trung bình thấp, 2030 là trung bình cao và 2045 trở thành nước hùng cường, phát triển, thu nhập cao.
“Để đạt được chúng ta phải có sự tăng trưởng cao liên tục thì mới đạt được mục tiêu, trách nhiệm này rất nặng nề. Vì với tốc độ tăng trưởng (6-7%) thì đến năm 2045 chúng ta mới bằng quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay.
Chúng ta đã mất hẳn 2 năm không đạt mục tiêu tăng trưởng, do đó để đạt được mục tiêu hùng cường, phát triển, thu nhập cao thì đó là vấn đề rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để có những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ với cơ chế chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng”, Chủ tịch nước cho hay.
Theo Chủ tịch nước thể chế, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng. Đề nghị đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng lớn, cần tháo gỡ từ từng cấp, từng ngành.
“Phát triển hướng về người dân để người dân đỡ khó khăn, vất vả hơn là nhiệm vụ của chúng ta. Khó khăn của người dân vẫn là vấn đề chúng ta tiếp tục quan tâm để mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp có sức sống, thu nhập, tích lũy.
Chính vì thế, chính sách, cơ chế phải sát, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện. Chính sách đưa ra phải làm sao tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần có sự đồng bộ trong quản lý, điều hành, chỉ đạo để các địa phương có sức sống mới”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đẩy nhanh các gói phục hồi kinh tế
Thảo luận tại tổ sáng 25/5, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn Chính phủ, Quốc hội thời gian tới sẽ tập trung hơn nữa, đẩy nhanh các gói phục hồi kinh tế đi vào cuộc sống để phát huy tác dụng. Tiếp theo đó, các bộ, ngành,Trung ương, tháo gỡ hơn nữa các khó khăn vướng mắc của các địa phương, các doanh nghiệp để làm sao cho doanh nghiệp thực sự phục hồi.
Từ đó, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai các công trình từ gói phục hồi kinh tế, công trình đầu tư công, đặc biệt là giao thông. Để cho nguồn vốn chảy vào, để công ăn việc làm được tạo ra, để cho kinh tế bền vững. Cùng với đó, cần hết sức quan tâm đến vấn đề xã hội và các gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội.
Chia sẻ thông tin hữu ích