Theo báo cáo triển vọng quý 2/2023 của Chứng khoán BIDV (BSC), các chuyên gia cho rằng khó có thể kỳ vọng một sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng huy động của toàn hệ thống trong thời gian tới. Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công sẽ tiếp tục là điểm được kỳ vọng trong các quý tới.
Tình hình huy động vẫn chưa quá tích cực, đặc biệt là tiền gửi từ nhóm doanh nghiệp. BSC cho rằng các nguyên nhân đến từ triển vọng kinh tế suy yếu khiến các doanh nghiệp gặp áp lực thanh khoản và cần ưu tiên dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ hệ quả của việc lãi suất USD và tỷ giá USD-VND tăng mạnh trong năm 2022 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn để tiền gửi ở nước ngoài và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2023 có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng.
Về thanh khoản, trái ngược với tình trạng căng cứng thanh khoản vào cuối 2022, câu chuyện thanh khoản có lẽ không còn là chủ đề chính của ngành ngân hàng trong 2023.
Với Thông tư 26 được ban hành vào cuối 2022 sửa đổi cách tính tỷ lệ số dư tín dụng trên vốn huy động (LDR), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép hệ thống ngân hàng được sử dụng thêm 50% phần tiền gửi Kho bạc Nhà nước để tài trợ cho vay trong 2023. Điều này giúp hỗ trợ thanh khoản thị trường và các ngân hàng quốc doanh sẽ được hưởng lợi chính, bù đắp cho việc các ngân hàng quốc doanh đang đi đầu về hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu và ổn định hơn cũng tạo điều kiện để NHNN liên tục mua vào USD từ đầu 2023, bù đắp cho lượng dự trữ ngoại hối đã sụt giảm khá mạnh trong 2022. Ước tính NHNN đã mua vào được 5,8 tỷ USD đến tháng 4/2023. Việc này đã tạo dư địa cho NHNN hạ lãi suất điều hành tới 2 lần trong chưa đầy 1 tháng, trái ngược với tình hình thắt chặt chung vẫn diễn ra ở các NHTW trên thế giới. Theo đó, NHNN đã dừng việc hút thanh khoản qua kênh tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng có thời điểm giảm mạnh về gần 0%.
Việc lãi suất tiền gửi của hệ thống ngân hàng giảm thời gian qua sau khi NHNN hạ trần lãi suất khiến LDR thuần toàn ngành tăng trở lại lên 104% sau quý 1/2023 so với 103% từ đầu năm, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng quốc doanh được hưởng lợi chính với Thông tư 26.
Dù đã qua giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm như quý 3/2022, BSC giữ quan điểm thận trọng rằng cho đến khi LDR thị trường 1 được đưa về mức bền vững hơn thì áp lực từ việc cạnh tranh huy động tiền gửi giữa các ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ) vẫn còn hiện hữu, nhất là khi cầu tín dụng phục hồi.
Chia sẻ thông tin hữu ích