24HMoney

Bài của Thanh Từ Chứng Khoán

menu
Ảnh đại diện Pro
BÍ MẬT ĐẰNG SAU GIẬM CHÂN TẠI CHỖ 1200 CỦA VNINDEX TRONG KHI THẾ GIỚI LIÊN TỤC PHÁ ĐỈNH?
Đã hơn 17 năm kể từ khi VN-Index lần đầu chạm ngưỡng 1.200 điểm, một cột mốc quen thuộc với nhà đầu tư Việt Nam. Dẫu vậy, chỉ số này vẫn "giậm chân tại chỗ", không có nhiều biến chuyển lớn. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới như Dow Jones và S&P 500 đã nhiều lần phá vỡ kỷ lục và tăng trưởng vượt bậc.
Vậy điều gì đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa thị trường Việt Nam và các thị trường quốc tế?
Sự khác biệt trong phương pháp tính chỉ số:
Một trong những yếu tố quan trọng khiến VN-Index có vẻ "ì ạch" hơn chính là cách tính toán. VN-Index sử dụng phương pháp Paasche, còn Dow Jones thì lại áp dụng phương pháp bình quân giản đơn. Điều này làm cho cách phản ánh thị trường của mỗi chỉ số khác nhau rõ rệt.
Thay vì phân tích sâu về các công thức phức tạp, bạn chỉ cần hiểu điểm mấu chốt sau: VN-Index sẽ được điều chỉnh ngay lập tức khi xảy ra các sự kiện như trả cổ tức hay mua lại cổ phiếu. Chỉ số sau đó vẫn giữ nguyên, ngay cả khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Điều này khiến cho dù nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng đáng kể, VN-Index có thể vẫn không thể hiện rõ mức tăng này.
Ngược lại, Dow Jones lại phản ánh trực tiếp giá đóng cửa của các cổ phiếu trong rổ chỉ số. Nếu các cổ phiếu trong rổ tăng giá, chỉ số chung cũng sẽ tăng theo.
Do vậy, sự khác biệt trong cách tính khiến VN-Index có vẻ "dậm chân tại chỗ" so với các thị trường khác, mặc dù thực tế đã có những cổ phiếu như VCB, VNM, hay HPG đem lại mức sinh lời ấn tượng cho nhà đầu tư.
Cấu trúc ngành nghề của VN-Index "rào cản tăng trưởng"
Bên cạnh đó, một yếu tố khác không thể bỏ qua là cấu trúc ngành nghề trong rổ VN-Index. Khác với các thị trường phát triển, nơi các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, VN-Index lại bị chi phối mạnh bởi các ngành bất động sản và tài chính.
Trong khi rổ Dow Jones có sự đa dạng với các ngành tăng trưởng dài hạn như công nghệ, bán lẻ, và viễn thông, thì tại Việt Nam, bất động sản và tài chính chiếm đến 60% tỷ trọng. Đây lại là hai ngành dễ bị tác động bởi chu kỳ kinh tế và chính sách tiền tệ, làm tăng tính biến động của thị trường.
Vì thế, sự tăng trưởng của VN-Index thường phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế và các yếu tố vĩ mô, hơn là vào sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài ra, thị trường Việt Nam chưa thực sự làm chủ được nhiều ngành nghề có biên lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc VN-Index "dậm chân tại chỗ" không có nghĩa là thị trường Việt Nam không có tiềm năng tăng trưởng. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần hiểu rõ cách thức tính chỉ số và cấu trúc ngành nghề, để từ đó có cái nhìn toàn diện hơn. Thay vì chỉ tập trung vào biến động chỉ số, hãy ưu tiên phân tích cơ bản và lựa chọn những cổ phiếu có tiềm năng bứt phá trong dài hạn.
Nhà đầu tư lưu ý
1 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ