5 NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ
Chìa khóa thành công của đầu tư giá trị chính là tâm lý kiên nhẫn. Không chỉ đầu tư giá trị mà dù theo đuổi trường phái nào, bạn cũng nên áp dụng liều thuốc kiên nhẫn để khống chế lòng tham, tâm lý dễ lay động của mình. Nhất là thời điểm thị trường rung lắc như hiện nay, buộc phải kiên nhẫn để đủ tỉnh táo, sáng suốt khi đưa ra mọi quyết định.
1. Mỗi cổ phiếu đều có một giá trị nội tại (intrinsic value).
Khái niệm giá trị nội tại xuất phát từ việc mỗi cổ phiếu là đại diện cho một phần quyền sở hữu trong công ty. Với vị thế cổ đông – chủ sở hữu – của công ty, nhà đầu tư có quyền được phân chia lợi nhuận và hưởng những lợi ích khác mà hoạt động kinh doanh của công ty tạo ra. Do đó, nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu sẽ nhận được một dòng tiền (và các lợi ích khác) trong tương lai. Tổng giá trị của dòng tiền và lợi ích đó quy về hiện tại chính là giá trị nội tại của cổ phiếu.
2. Luôn mua cổ phiếu ở một mức biên an toàn (margin of safety).
Ai cũng ưa thích việc mua hàng khi đang giảm giá. Hoàn toàn tương tự trong việc mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư thông thái luôn là người muốn mua được cổ phiếu ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị của nó, thường chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng. Mức chênh lệch thấp hơn đó chính là biên an toàn, tức là một khoảng cách an toàn để phòng ngừa rủi ro giá trị nội tại của cổ phiếu bị sụt giảm so với giá trị tại thời điểm nhà đầu tư mua vào. Tùy vào mức độ thận trọng, mỗi nhà đầu tư chấp nhận một mức biên an toàn khác nhau. Benjamin Graham – cha đẻ của lý thuyết đầu tư giá trị - thậm chí chỉ mua cổ phiếu khi giá thị trường giảm còn một nửa so với giá trị nội tại.
3. Giả thuyết thị trường hiệu quả là không chính xác.
Lý thuyết này được đề cập lần đầu từ những năm 1900 bởi nhà toán học người Pháp và đặc biệt trở nên nổi bật vào thập niên 60 sau khi nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Samuelson hoàn thiện cơ sở lý luận về nó. Lý thuyết cho rằng giá cả thị trường của cổ phiếu luôn phản ánh đầy đủ những lợi ích hiện tại và tương lai mà những người nắm giữ cổ phiếu sẽ nhận được. Những người phản đối lý thuyết này cho rằng, nếu giá cả thực sự phản ánh đúng giá trị nội tại, thì tại sao lại xuất hiện những phiên giá sụt giảm mạnh, thậm chí cả thị trường mất tới hơn 20% giá trị vốn hóa (như đã từng xảy ra trong năm 1987). Liệu giá trị nội tại của doanh nghiệp có thể thay đổi nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy hay không? Gần đây, việc thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam diễn ra những biến động mạnh trong phiên cũng là những minh chứng cụ thể chống lại lý thuyết thị trường hiệu quả.
4. Không mua bán theo đám đông.
Như Warren Buffett từng nói "hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam". Nhà đầu tư giá trị chỉ quan tâm đến giá trị thực sự của cổ phiếu. Thay vì phán đoán tâm lý đám đông, họ cố gắng để hiểu hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.
5. Kiên nhẫn và cẩn trọng.
Nhà đầu tư giá trị chỉ hành động khi cơ hội xuất hiện. Họ sẵn sàng bỏ qua hàng loạt cơ hội và không có thêm một khoản đầu tư nào trong suốt thời gian dài, mặc dù thị trường diễn biến rất tốt. Chính vì thế, những nhà đầu tư giá trị vĩ đại như Warren Buffett rất ít khi giải ngân, nhưng mỗi lần giải ngân thường là những khoản đầu tư có giá trị lớn.
Chia sẻ thông tin hữu ích