Ảnh đại diện Pro
Nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên tục "gồng lỗ" là tình trạng chung kéo dài suốt một năm nay. Trong khi đại lý bán lẻ không nhập được hàng, Bộ Công Thương và doanh nghiệp đầu mối lại khẳng định không thiếu nguồn cung.
Nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên tục "gồng lỗ" là tình trạng chung kéo dài suốt một năm nay.  ...
Đồng loạt kêu gặp khó
Ông Nguyễn Bá Tùng, Kế toán trưởng - người được ủy quyền công bố thông tin của Petrolimex, cho biết, bức tranh kinh doanh của tập đoàn không đến mức quá tệ là nhờ các hoạt động kinh doanh có lãi ngoài xăng dầu như bảo hiểm, hoá chất, nhựa đường, ngân hàng… bù đắp lại. Tính chung, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm của tập đoàn ở mức 293 tỷ đồng, chỉ đạt 10% kế hoạch đề ra và bằng 10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chiếu theo báo cáo tài chính, mức lỗ của mảng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex mới chỉ là lỗ kỹ thuật do đang phải trích lập dự phòng giảm giá. Còn nếu được hoàn phần trích lập dự phòng trong các tháng cuối năm, Petrolimex sẽ có hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận bổ sung so với con số công bố.
“Do giá bán xăng dầu từ tháng 7 điều chỉnh giảm với biên độ lớn, Công ty mẹ đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6 lên tới 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2022 của Công ty mẹ là 295 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng 2022 của tập đoàn là 1.552 tỷ đồng”, đại diện Petrolimex cho hay.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn khu vực phía Nam nói rằng, tình trạng càng bán càng lỗ là có thật đối với hầu hết các đại lý và cửa hàng bán lẻ và kéo dài nhiều tháng qua.
“Có những doanh nghiệp dù sản lượng bán tăng rất lớn nhưng lợi nhuận không tương ứng trong các tháng đầu năm. Lợi nhuận đến từ các mảng kinh doanh khác cao hơn mảng kinh doanh xăng dầu”, vị này nói.
Theo các đại lý xăng dầu, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, từ quý 2 khi giá bắt đầu quay đầu giảm mạnh liên tục, mỗi tàu chở xăng dầu cập bến là doanh nghiệp lỗ hàng chục tỷ đồng vì giá giảm. Đầu mối bị lỗ nên có tình trạng nhập ít đi, bán nhỏ giọt cho các đại lý, cửa hàng xăng dầu cũng bắt đầu cắt phí hoa hồng cho đại lý.
“Giá dầu thô thế giới tăng từ 91,59 USD/thùng vào ngày 25/2 lên mức 120-122 USD/thùng (tăng trên 30%) vào đầu tháng 6, sau đó quay đầu giảm còn 105,76 USD/thùng vào ngày 30/6 và tiếp tục đà giảm mạnh về mức chỉ còn 96,42 USD/thùng vào ngày 28/7. Do bị Bộ Công Thương phân giao lượng nhập khẩu nên tất cả doanh nghiệp nhập khẩu đều bị lỗ giai đoạn này”, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nói.
Theo vị này, các đại lý và cửa hàng bán lẻ phải chịu khổ khi mức chiết khấu hoa hồng liên tục bị điều chỉnh xuống rất thấp, thậm chí gần đây rơi vào phải cảnh chiết khấu âm mới có hàng để bán. Tình trạng đại lý, cửa hàng xăng dầu bán lẻ bị lỗ kéo dài cả gần năm nay.
Tuy nhiên, việc bị cắt chiết khấu, cơ quan quản lý khó có thể can thiệp mà chỉ có thể vận động các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ cho các đại lý. “Bản thân doanh nghiệp đầu mối hiện tại cũng bị lỗ lớn thì làm sao có thể chia sẻ được hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ lúc này”, đại diện một doanh nghiệp đầu mối nói.
Âm lợi nhuận vẫn không có hàng bán?
Những ngày qua, không ít đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt khu vực phía Nam phản ánh, dù chiết khấu bị giảm về mức 0 đồng/lít nhưng để mua được hàng về bán cũng là cả chặng đường trần ai.
Về tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước đang có dấu hiệu bất ổn, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, đại lý không có thù lao, bán hàng bị lỗ kép do phải gánh một phần lỗ của giá xăng dầu bán thấp hơn giá thành và phải tự chịu toàn bộ chi phí bán hàng nên dẫn đến tình trạng nguồn hàng cạn kiệt.
“Khi đầu mối đứng đầu chuỗi cung ứng nếu bị lỗ thì chắc chắn sẽ chia lỗ cho tất cả các khâu còn lại trong chuỗi. Trong bối cảnh giá liên tục biến động mạnh như hiện nay, và qua mấy kỳ điều hành giá, doanh nghiệp vẫn bị lỗ nên sẽ có tình trạng doanh nghiệp đầu mối tiếp tục cắt lỗ cho đến khi hòa vốn trở lại. Phần lỗ này đại lý bán lẻ phải gánh một phần”, vị này nói.
Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, tình trạng các đại lý bán lẻ không được nhận thù lao đại lý, đồng thời phải chi tiền ngoài (còn gọi âm thù lao đại lý) đang diễn ra trên thị trường. Thực tế, để có hàng bán, không bị cơ quan quản lý sờ gáy vì để đứt nguồn hàng, nhiều cửa hàng bán lẻ phải chấp nhận tình trạng thù lao 0 đồng/lít, và trả tiền ngoài cho thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối để được nhập hàng về bán.
“Đại lý lúc này phải chấp nhận tình trạng mua hàng từ thương nhân phân phối với mức giá cao hơn giá bán lẻ. Thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối sẽ lách luật bằng cách xuất hóa đơn vận chuyển, hoặc chuyển khoản riêng trong khi giá trên hóa đơn vẫn bằng giá bán lẻ tại thời điểm đó. Đại lý muốn có hàng bán thì phải chấp nhận lỗ nặng mới có hàng”, vị đại diện doanh nghiệp tiết lộ.
Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, ngay cả khi giá tăng, đại lý vẫn lỗ là do thời hạn điều chỉnh là 10 ngày nhưng ngay những ngày đầu chu kỳ thù lao đã bắt đầu giảm từ 300 đồng xuống còn 80 đồng, rồi 0 đồng và âm thù lao. Vì thế, với mỗi ngày bán ra từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10 của chu kỳ, đại lý đã lỗ nặng. Đến ngày thứ 10 điều chỉnh giá tăng thì tồn kho không còn vì nhà cung cấp không bán hàng nữa do càng bán càng lỗ.
“Không ai muốn đóng cửa tự hủy hoại uy tín của mình, cực chẳng đã doanh nghiệp mới phải tạm dừng bán vì cầm cự không nổi. Người dân ai cũng nghĩ đại lý ôm hàng đầu cơ, nhưng thực sự đại lý có hàng đâu để mà đầu cơ khi thù lao 0 đồng, bán lít xăng dầu nào ra thì lỗ nặng từng đó”, vị này nói.
Nhà đầu tư lưu ý
2 Yêu thích
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ