menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đậu Thế Vũ

Xung đột Nga-Ukraine, châu Âu có đặt cược vào nguồn cung năng lượng từ Iran? Sai lầm sẽ lặp lại?

Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, liệu Iran, nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới có thể thay thế Nga cung cấp năng lượng cho châu Âu?

Xung đột Nga-Ukraine, châu Âu có đặt cược vào nguồn cung năng lượng từ Iran? Sai lầm sẽ lặp lại? (Nguồn: IRNA)
Một khi các lệnh trừng phạt thương mại được dỡ bỏ, ngay lập tức, Iran có thể xuất xưởng hàng trăm nghìn tấn dầu mỗi ngày. (Nguồn: IRNA)

Mới đây, báo Die Welt của Đức có bài bình luận về khả năng thiết lập đối tác năng lượng mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran.

Theo bài viết, Iran có trữ lượng khí đốt khổng lồ. Một thỏa thuận hạt nhân mới với phương Tây có thể sắp được ký kết, điều đó giúp Tehran trở lại thành đối tác thương mại và nhà cung cấp năng lượng hợp pháp. Tuy nhiên, phương Tây có nguy cơ lặp lại một sai lầm với quốc gia này.

Iran có đủ năng lực thay thế Nga?

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, chủ đề cấm vận năng lượng đối với Nga ngày càng được tranh luận sôi nổi, cùng với đó là việc tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng thay thế.

Với Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu và cũng là quốc gia phụ thuộc rất lớn vào khí đốt và dầu mỏ từ Nga, vẫn chưa rõ quốc gia nào có thể là nhà cung cấp năng lượng thay thế Nga. Hiện nay, Berlin vẫn đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung với nhiều nhà cung cấp mới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã tới Qatar với mục đích đó. Quốc gia Trung Đông có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, được lưu trữ trong các mỏ khí dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Qatar. Tuy nhiên, không dễ để Qatar có thể đáp ứng ngay tất cả nhu cầu của Đức.

Iran cũng nhiều lần được nhắc đến như một nhà cung cấp năng lượng tiềm năng, nhất là khi tiến trình đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới giữa cộng đồng quốc tế với nước này có tiến triển tốt.

Theo thông báo chính thức từ cả hai bên, thỏa thuận hạt nhân mới sắp hoàn thành. Iran cam kết giảm việc làm giàu uranium, và phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo này.

Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai và là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới. Nếu thỏa thuận hạt nhân mới được ký kết, Tehran một lần nữa sẽ trở thành đối tác thương mại hợp pháp và nhà cung cấp năng lượng tiềm năng.

Điều này sẽ rất đáng chú ý, đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ. Chuyên gia kinh tế Ali Vaez thuộc tổ chức International Crisis Group cho rằng, việc công bố một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ có tác động ngay lập tức đến tâm lý thị trường dầu mỏ.

Hiện giá dầu trên thị trường thế giới đang ở mức hơn 100 USD/thùng, mức rất cao trong vòng 10 năm qua. Iran có thể giúp tăng nguồn cung và do đó làm giảm giá dầu.

Một khi các lệnh trừng phạt thương mại được dỡ bỏ, ngay lập tức, nước này có thể xuất xưởng hàng trăm nghìn tấn dầu mỗi ngày. Trong vòng vài tháng, Iran có thể tăng sản lượng lên từ 1 triệu đến 1,5 triệu tấn mỗi ngày.

Mặc dù khối lượng đó vẫn không thể thay thế năng lực giao hàng khoảng 7 triệu tấn mỗi ngày của Nga, nhưng đó sẽ là một bước khởi đầu mới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cũng nhấn mạnh, nước này có "năng lực cần thiết" để cung cấp cả khí đốt cho các quốc gia láng giềng và thậm chí cả châu Âu.

Với khối lượng khí đốt tự nhiên ước tính vào khoảng 34.000 tỷ m3, Iran là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, hầu hết trữ lượng đó chưa được khai thác. Iran xuất khẩu tối đa 25 tỷ m3 mỗi năm. Để so sánh, lượng khí đốt xuất khẩu của Nga lên tới khoảng 180 tỷ m3/năm.

Châu Âu sẽ chọn Iran?

Chuyên gia kinh tế Ali Vaez cho rằng, mặc dù Tehran có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt của nước này và cung cấp lượng khí dư thừa cho các nước láng giềng, nhưng hiện quốc gia này không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của châu Âu.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc vận chuyển khí đốt từ Iran tới châu Âu như các đường ống hoặc các cảng khí lỏng cũng không tồn tại.

Trước đây, đã có một số nỗ lực đưa khí đốt từ Iran đến châu Âu như nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đưa khí đốt từ Iran qua đường ống Nabucco (dự án đã thất bại) qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Dự án này nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và EU đã lên tiếng phản đối sự tham gia của Iran. Những tranh cãi về vấn đề hạt nhân với Iran và các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ngăn cản Tehran trở thành một nhà cung cấp khí đốt quan trọng của thế giới.

Hiện Iran không đủ tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực khai thác khí đốt. Theo các số liệu chính thức, cần tới 160 tỷ USD để có thể biến Iran thành một nhà cung cấp dầu, khí hàng đầu thế giới.

Với khoản đầu tư cần thiết, chuyên gia Ali Vaez nhận định, Iran có thể thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt trong 5 đến 7 năm.

Tuy nhiên, phương Tây đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Ukraine, rằng việc tự ràng buộc với một nhà cung cấp năng lượng không chia sẻ các giá trị chung với phương Tây là rất rủi ro. Châu Âu không sẵn sàng phạm sai lầm tương tự tại Iran.

Dưới góc độ địa chính trị, không có một giải pháp thực sự tốt nào ở Trung Đông để thay thế nguồn cung từ Nga. Nhưng chuyên gia Ali Vaez khẳng định, với phương Tây, các quốc gia vùng Vịnh khác đáng tin cậy hơn Iran, vì các quốc gia này hướng về phương Tây.

Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel đều cảnh báo về một khía cạnh liên quan đến bất ổn địa chính trị nếu lệnh trừng phạt kinh tế Iran được dỡ bỏ và Tehran có thể xuất khẩu dầu mỏ trở lại.

(theo Die Welt)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại