menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Chung

Xã hội hóa xây dựng sân bay có dễ dàng?

Trước đề xuất của 9 địa phương về việc bổ sung quy hoạch sân bay, các chuyên gia cho rằng cần xem xét một cách thận trọng dựa trên nhiều tiêu chí cả về kỹ thuật, kinh tế, tính khả thi… để tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiến tới xã hội hóa các sân bay, kêu gọi đầu tư từ phía tư nhân để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Kinh doanh lãi hay lỗ?

Số liệu thống kê của ngành giao thông cho thấy, hiện cả nước chỉ có 6/23 sân bay kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi); 17 sân bay bị thua lỗ và phải lấy lợi nhuận các cảng có lãi bù qua. Trong số này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, đầu tư, khai thác hệ thống 22 sân bay và sân bay còn lại là Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư, xây dựng và quản lý.

Trên thực tế, việc kinh doanh, vận hành và quản lý 23 sân bay hiện hữu hiện ra sao? Tại thời điểm ACV tiến hành bán cổ phần lần đầu (IPO) cách đây 4 năm, bản cáo bạch cho biết: trong số các sân bay do ACV quản lý trên cả nước, chỉ có cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng có lãi. Tất cả các sân bay còn lại đều lỗ và phải lấy doanh thu, lợi nhuận từ các sân bay có lãi bù qua để duy trì hoạt động.

Mới đây, có thêm 3 cảng hàng không: Cam Ranh (Nha Trang), Liên Khương (Đà Lạt) và Phú Bài (Huế) bắt đầu có lãi. Trong đó, Liên Khương và Phú Bài mới chỉ cân đối được thu chi hơn một năm nay. Kể cả các sân bay nhộn nhịp như Phú Quốc, Phú Bài... đều báo lỗ từ 40-90 tỉ đồng/năm. Sân bay Côn Đảo được cho là có mức lỗ thấp, khoảng gần 10 tỉ đồng/năm. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) tại thời điểm không có Covid-19 đã khai thác vượt thiết kế nhưng cũng lỗ hơn 60 tỉ đồng/năm.

Sân bay Vân Đồn do nhà đầu tư tư nhân phát triển và khai thác đến thời điểm hiện nay chưa thể cân bằng thu chi vì mức đầu tư lớn và khả năng khai thác chưa đáng kể. Lãnh đạo sân bay Vân Đồn từng chia sẻ với báo chí rằng, sân bay địa phương hầu như rất ít sân bay có lãi nhưng việc đầu tư sân bay nhằm để lan tỏa sự phát triển cả khu vực đó (từ hạ tầng đến phát triển kinh tế...) nên họ làm.

Xã hội hóa hạ tầng sân bay

Chuyên gia quy hoạch giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc các địa phương đề xuất xây dựng sân bay là có cơ sở, nhưng phải cân nhắc rất kỹ các yếu tố tương quan, không chỉ với ngành hàng không mà còn với đường sắt, đường bộ tại địa phương cũng như tính hiệu quả.

Thực tế cho thấy nhiều cảng hàng không hiện tại đang ở trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. Khi thống kê cho thấy, một cảng hàng không phải phục vụ 2 triệu khách mỗi năm mới có thể kinh doanh có lãi. Cụ thể hơn là phải có 18 chuyến bay, mỗi chuyến 300 khách mỗi ngày mới cân đối được thu chi.

Nhìn sang kinh nghiệm của Nhật Bản, đã có giai đoạn phát triển sân bay ồ ạt, mỗi tỉnh thành có gần 2 sân bay, dẫn tới việc các sân bay thua lỗ và trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Bởi lẽ chi phí duy tu, bảo trì còn lớn hơn chi phí xây mới.

Cũng chung quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, không gian xây dựng sân bay là rất lớn, nếu không xác định đúng sẽ lãng phí nguồn lực đất đai. Chính vì vậy, cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn quy hoạch.

Ông cho rằng, nên mở rộng công khai, xã hội hóa, kêu gọi đầu tư đối với việc xây dựng hạ tầng sân bay chứ không phụ thuộc vào ngân sách quốc gia. Nhà nước chỉ tham gia một vài công đoạn nào đó còn lại phải xã hội hóa. Có thể phân chia cụ thể như: Nếu là sân bay mang tính chất chiến lược về quốc phòng, an ninh mà không đặt lợi ích kinh tế thì nhà nước phải đầu tư; còn nếu là sân bay thương mại thì có thể xã hội hóa để kêu gọi nguồn vốn từ tư nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Phan Lê Bình, nếu các địa phương đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay thì trong dài hạn, có thể nghĩ tới việc địa phương cũng tham gia vào việc xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, còn có thể kêu gọi nhà đầu tư tư nhân, từ đó đa dạng hóa nguồn đầu tư và bớt gánh nặng ngân sách cho quốc gia.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Bách Tùng, trong quy hoạch cũng đề xuất chính sách cụ thể, trong đó một số sân bay mới sẽ được xã hội hóa, do tư nhân đầu tư, giống như cảng hàng không Vân Đồn; hoặc như hướng đầu tư cảng hàng không Phan Thiết tới đây, khu bay thì do nhà nước đầu tư, còn khu hàng không dân dụng tức là sân đỗ, nhà bay, đường ra đường vào là tư nhân đầu tư. Tuy nhiên để xu hướng xã hội hóa hạ tầng hàng không phát triển một cách rõ ràng, cần có những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại