menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lệ Xuân

VN-Index đang đắt hay rẻ?

"Mức P/E 16x hiện tại vẫn được đánh giá là khá hấp dẫn và TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới để thu hẹp dần khoảng các với các thị trường trong khu vực, trong bối cảnh tiềm năng được nâng hạng đang được cải thiện", KBSV cho hay.

Diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quý II/2019 có thể chia làm 2 giai đoạn chính.

Giai đoạn 1 kéo dài từ cuối quý I/2019 sang đầu tháng 6, TTCK Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh lớn đến từ những thông tin kém tích cực hơn so với kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý I/2019 của doanh nghiệp và từ diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại... Tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này chứng kiến sự chuyển hướng đột ngột, từ lạc quan tích cực của quý I/2019 sang tâm lý thận trọng về những rủi ro gia tăng.

Giai đoạn 2 là những tuần còn lại của tháng 6, đà giảm có phần chững lại nhờ yếu tố ngoại biên tích cực liên quan đến chính sách tiền tệ của FED. Nếu như trong quý I/2019, nhà đầu tư có thể tạm hài lòng với việc FED trì hoãn tiến trình nâng lãi suất thì trong quý II/2019, nhà đầu tư đã trở nên lạc quan khi chủ tịch FED, ông Powell, gợi ý FED có thể cắt giảm lãi suất ít nhất 1 lần trong năm nay. Tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này có phần ổn định hơn nhưng chưa cải thiện được nhiều do yếu tố khó lường của cuộc gặp Mỹ - Trung ở G20 diễn ra vào cuối tháng 6.

Tính chung trong quý II/2019, chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm 3,1% nhưng vẫn giữ được mức tăng 6,4% nếu tính từ đầu năm. Dù vậy, chỉ số VN-Index đang có diễn biến tiêu cực nhất so với các thị trường trong khu vực (ASEAN-4) và thấp hơn chỉ số tiêu chuẩn MSCI EM Index (benchmark index).

Mặc dù điều chỉnh giảm nhưng theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tại báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2019, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn tương đối so với các TTCK trong khu vực.

KBSV đưa ra một vài so sánh tương quan các chỉ số của VN-Index với quá khứ, cũng như các TTCK trong khu vực.

"So sánh P/E của các thị trường trong khu vực, có thể thấy P/E của VN-Index hiện đang thấp nhất và nằm dưới mức P/E trung bình ở 18x", KBSV cho hay.

Trong khi đó, nếu xét trong tương quan về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế (sử dụng tăng trưởng dự phóng GDP giai đoạn 2019-2023 của tổ chức OECD), Việt Nam có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất.

Việc TTCK Việt Nam bị định giá thấp, theo KBSV, xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là việc TTCK Việt Nam vẫn đang được xếp vào nhóm các thị trường cận biên; cùng với đó là việc tăng trưởng của nền kinh tế không thực sự bền vững với động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực FDI.

"Mặc dù vậy, mức P/E 16x hiện tại vẫn được đánh giá là khá hấp dẫn và TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới để thu hẹp dần khoảng các với các thị trường trong khu vực, trong bối cảnh tiềm năng được nâng hạng đang được cải thiện", công ty chứng khoán này cho hay.

VN-Index đang đắt hay rẻ?

P/E của VN-Index đang thấp hơn chỉ số của các nước trong khu vực

Còn xét theo hệ số P/B, dựa trên tương quan ROE – P/B với các nước châu Á (thêm S&P 500), KBSV nhận thấy ROE (thể hiện hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp niêm yết) của TTCK Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực châu Á, kéo theo chỉ số P/B cao.

"Mô hình định lượng của chúng tôi đánh giá P/B của VN-Index vẫn đang được chiết khấu xấp xỉ 8%, phản ánh tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong tương lai", công ty chứng khoán cho biết.

Về tổng thể, thông qua việc so sánh các chỉ số chính của chỉ số VN-Index với dữ liệu lịch sử và các thị trường trong khu vực, KBSV đánh giá vùng giá hiện tại của TTCK Việt Nam ở mức tương đối an toàn, trong bối cảnh tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế trong các năm tới có thể chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, cùng với hiệu quả hoạt động tốt của các doanh nghiệp niêm yết (thể hiện qua ROE).

"Trong các điều kiện khách quan thuận lợi, TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng lên các vùng giá cao hơn để thu hẹp dần khoảng các với các quốc gia trong khu vực. Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực, các yếu tố ngoại biên chuyển biến xấu, rủi ro điều chỉnh sâu của thị trường sẽ phần nào giảm bớt", báo cáo của KBSV nêu.

Công ty chứng khoán này nêu 3 kịch bản cơ sở cho mức điểm VN-Index ở trong nửa cuối năm 2019, dao động quanh 930-1000 điểm. Cụ thể, ở kịch bản tiêu cực, VN-Index về mốc 930 điểm, tương đương với P/E 15,5x; ở kịch bản cơ sở, VN-Index ở mức 965 điểm, tương đương P/E 16x; ở kịch bản tích cực, VN-Index đạt mức 1.000 điểm, tương đương P/E 16,5x.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm có thể kể đến như môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi và ổn định, xuất hiện sự thay đổi trong chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng hơn, việc hoàn tất ký kết EVFTA cùng các yếu tố khác như sửa Luật chứng khoán, xu hướng mua ròng của khối ngoại nhờ hiệu ứng từ việc tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam được nâng hạng trong rổ MSCI Frontier Index.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại