menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Ngọc

Việt Nam sẽ 'công nghiệp hóa, hiện đại hóa' bằng công nghệ nào?

IoT, Big Data, AI, in 3D là... những công nghệ được chuyên gia khuyến nghị tập trung để Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển.

Chia sẻ nghiên cứu tại hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 28/7, Đại học Quốc gia TP HCM khuyến nghị, để đạt mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung vào các công nghệ sản xuất sử dụng kỹ thuật số tiên tiến (Advanced Digital Production – ADP).

Chúng bao gồm: Internet vạn vật, Phân tích dữ liệu lớn, robot tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, và chế tạo làm đầy (đại diện là công nghệ in 3D). "Việc tham gia vào các công nghệ này sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và tạo bước nhảy vọt trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa", nghiên cứu nhận định.

Theo nhóm chuyên gia, các nền kinh tế tích cực tương tác với công nghệ ADP được hưởng lợi nhiều hơn với KIBS (knowledge-intensive business services – Dịch vụ kinh doanh dựa trên tri thức). Nhóm quốc gia có thu nhập càng cao thì tỷ trọng KIBS trong giá trị gia tăng của sản xuất càng cao, cho thấy tầm quan trọng của đầu vào thâm dụng tri thức.

Tập trung vào các công nghệ trên còn giúp Việt Nam giải quyết việc bố trí không gian phát triển các khu cụm công nghiệp. Bởi lẽ, hiện theo kế hoạch phân bổ và sử dụng đất trên cả nước, tầm nhìn đến 2030, hầu hết tỉnh thành đều đã cạn đất dự trữ cho phát triển công nghiệp.

"Công nghiệp hóa, hiện đại hóa" là định hướng lần đầu tiên được đề cập từ năm 1960, tại Đại hội III của Đảng phát triển liên tục đến nay. Theo đó, đến 2030, Việt Nam muốn cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, và chính thức thành nước công nghiệp hiện đại vào 2045.

Theo Đại học Quốc gia TP HCM, thành viên của Tổ biên tập xây dựng đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa - nhờ quá trình này, GDP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao, trung bình 6,5% trong giai đoạn 2000-2019, cao hơn trung bình ASEAN (5,7%).

Cùng với đó, nền kinh tế dần tăng trưởng theo chiều sâu. Mức đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 45,42%, so với mức bình quân 32,84% trong giai đoạn 2011-2015. TFP càng cao cho biết hiệu quả sử dụng vốn và lao động càng tốt.

Các chỉ số khác như chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; mức độ hội nhập, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hạ tầng cơ sở và mức sống dân cư cũng cải thiện trong các thập niên qua. Đơn cử, thu nhập bình quân đầu người từ 42,6 triệu đồng một năm vào 2016 tăng lên 60,5 triệu đồng vào 2020.

Tuy nhiên, hạn chế là Việt Nam chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và các ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, chủ yếu dựa trên đầu tư vốn và tăng trưởng tín dụng.

So với các nước Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam có cùng các đặc điểm nhưng điểm số thấp hơn trong 12 trụ cột đánh giá khả năng cạnh tranh toàn cầu một quốc gia của WEF. Chỉ có quy mô thị trường được đánh giá cao hơn; sức khỏe và giáo dục tiểu học ngang mặt bằng chung. Trong khi, điểm số về sự sẵn sàng công nghệ của Việt Nam hụt nhiều nhất.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương, đánh giá dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian qua cao nhưng vẫn thấp hơn một số nền kinh tế xung quanh nếu tính theo giá cố định.

Quá trình công nghiệp hóa chủ yếu sử dụng khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động phổ thông, năng suất lao động còn thấp, phần lớn thiết bị đầu vào nhập khẩu, nhiều tác động đến môi trường. "Quy mô và năng lực nền công nghiệp quốc gia còn nhỏ", nếu tiếp tục như vậy thì sẽ vướng lại trong những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu, theo ông Thắng.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc phát triển sản xuất. 15 năm trước, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào hàng hóa. Ngày nay, rổ xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu sản xuất đa dạng, chiếm khoảng 80% xuất khẩu của Việt Nam.

"Trong tương lai, Việt Nam cần phải chuyển sang cấp độ tiếp theo, tập trung vào nâng cao năng suất và đổi mới, nâng cao chuỗi giá trị và từ đó tạo ra không chỉ nhiều việc làm hơn mà còn tốt hơn", bà khuyến nghị.

Đại diện World Bank khuyến nghị, Việt Nam cần chú ý đến 3 xu hướng toàn cầu đang nổi lên để hoạch định chiến lược công nghiệp hóa. Thứ nhất, đại dịch đã bộc lộ một số lỗ hổng của chuỗi sản xuất. Thứ hai, các nền kinh tế tiếp tục trải qua sự thay đổi công nghệ mang tính đột phá.

Một mặt, sự xuất hiện của các công nghệ sản xuất thông minh và tự động hóa đang thách thức lợi thế về chi phí lao động thấp của sản xuất truyền thống. Mặt khác, công nghệ kỹ thuật số đã thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ hiệu quả hơn.

Thứ ba, biến đổi khí hậu và tính bền vững về môi trường đã trở thành mối quan tâm lớn không chỉ với các nhà hoạch định chính sách mà còn với người tiêu dùng, các công ty. Do đó, sở thích của nhà đầu tư và người tiêu dùng có thể chuyển sang các sản phẩm và thực hành thân thiện với môi trường hơn.

Từ 3 xu hướng này, chuyên gia đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam, gồm: tiếp tục tận dụng và thực hiện các cam kết trong những FTA đã ký kết; phát triển công nghiệp đi đôi với phát triển dịch vụ hiện đại và thương mại dịch vụ; cấp thiết chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên kỹ năng và đổi mới; thúc đẩy sự phát triển của các cụm công nghiệp.

Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy khả năng cạnh tranh công nghiệp có xu hướng xuất hiện thông qua các cụm công ty liên quan tập trung về mặt địa lý, tạo ra mạng lưới sản xuất dày đặc, thị trường cung ứng và lao động sâu rộng.

"Cuối cùng, phát triển công nghiệp xanh không nên chỉ được coi là vấn đề thúc đẩy tính bền vững về môi trường mà ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của chiến lược tăng năng lực cạnh tranh công nghiệp", bà Carolyn Turk nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
1 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại