menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Anh Tuấn

Vì sao xuất khẩu thịt của Việt Nam còn khiêm tốn?

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt còn rất khiêm tốn

Mặc dù, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 26 thị trường nhưng giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn.

Năm 2021, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt đạt 81,68 triệu USD

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 19,52 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 81,68 triệu USD. Mặc dù, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 26 thị trường nhưng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt vẫn còn khiêm tốn.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 50,2% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 9,79 nghìn tấn, trị giá 50,92 triệu USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc chiếm 22% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 4,3 nghìn tấn, trị giá 9,85 triệu USD.

Năm 2021, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 10,75 nghìn tấn, trị giá 20,47 triệu USD. Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Thái Lan. Đứng thứ hai là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với 5,96 nghìn tấn, trị giá 43,58 triệu USD. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.

Có thể thấy, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Trong Chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đem về 1,2 – 1,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu thịt lợn 500 – 800 triệu USD/năm. Như vậy, mục tiêu trên đã thất bại.

Nguyên nhân do công tác chế biến yếu và thiếu. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) cho biết, đến hết năm 2020, cả nước có 104 cơ sở, nhà máy quy mô công nghiệp của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, số còn lại có quy mô nhỏ lẻ. Trong số các cơ sở quy mô công nghiệp, có 64 nhà máy và sản phẩm thịt chế biến khoảng trên 1,1 triệu tấn, chiếm 19-20% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước; 5 nhà máy và sản lượng trứng chế biến khoảng trên 100 triệu quả trứng/năm, chiếm khoảng 0,7% tổng sản lượng trứng sản xuất trong nước.

Mặt khác, công tác dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất cũng như phòng chống dịch bệnh còn yếu kém; giá thành sản xuất chăn nuôi lợn ở nước ta quá cao so với mức bình quân trên thế giới; giết mổ và chế biến được nhận định là khâu yếu nhất của ngành hàng thịt lợn Việt Nam.

Theo đại diện Công ty TNHH De Heus, doanh nghiệp cũng nắm được nhu cầu nhập khẩu thịt gà của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất lớn. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cung cấp thêm thông tin và hỗ trợ đàm phán xuất khẩu.

Giải pháp nào nâng giá trị xuất khẩu?

Năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ giữa De Heus và Masan, De Heus và Hùng Nhơn,... Ông Nguyễn Văn Trọng- Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) kỳ vọng rằng với những cái "bắt tay" của De Heus với Masan, De Heus với Hùng Nhơn và nhiều doanh nghiệp khác sẽ giúp ngành chăn nuôi nói chung, mảng chăn nuôi lợn nói riêng phát triển bền vững hơn. Cũng theo ông Trọng, việc các doanh nghiệp hợp tác chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học sẽ tạo ra những sản phẩm chăn nuôi có tính cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa và quốc tế. Khi sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường, rất có thể Việt Nam sẽ có chuỗi xuất khẩu thịt lợn chính ngạch trong tương lai.

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, có một số mục tiêu đáng chú ý: trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu. Sản lượng thịt các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm. Có nghĩa là đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải xuất khẩu được khoảng 600 nghìn tấn thịt lợn, tương đương giá trị 2,5-3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, trong thời gian quan, ngành chăn nuôi đã có những khởi sắc trong xuất khẩu. Cụ thể là sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thịt gà chế biến lúc trước mới xuất khẩu sang Nhật Bản, nay đã xuất sang được 7 nước, gồm cả một số nước châu Âu. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh.

Để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn, các doanh nghiệp cho rằng, cần xây dựng được 1 thương hiệu đủ lớn của doanh nghiệp Việt, trong đó phải chủ động trọn gói các khâu.

Khẳng định xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – nhận định, nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.

Việt Nam đứng 5 thế giới về sản lượng thịt lợn móc hàm. Thế nhưng, trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại