menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Vì sao đồng bạc xanh tăng giá chẳng phải chuyện hay ho?

Đồng USD liên tục tăng giá so với nhiều đồng tiền khác thời gian gần đây xuất phát từ nhiều lý do trong đó có sự khác biệt chính sách và vị thế của kinh tế Mỹ.

Có người nói đồng USD là “chiếc áo sạch sẽ nhất trong giỏ đồ bẩn”, là “thí sinh đỡ xấu nhất trong một cuộc thi sắc đẹp”, là “thằng chột làm vua xứ mù”. Dường như, không ai yêu mến đồng bạc xanh. Đơn giản, họ chỉ không thích những đồng tiền thay thế khác.

Quan điểm này ngày một trở nên phổ biến. DXY, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD với nhiều đồng tiền quan trọng khác trên thế giới, hiện ở đỉnh 20 năm. Và chiếu theo quan điểm trên, những “chiếc áo” của Nhật Bản, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu bị vấy bẩn nhiều nhất.

Mỗi lần đồng USD tăng giá lại khiến cho chúng ta đặt ra những câu hỏi. Đầu tiên, lý do lần này là gì?

Vì sao đồng bạc xanh tăng giá chẳng phải chuyện hay ho?

Chỉ số DXY cao nhất 20 năm qua. Ảnh: The Economist.

Đóng góp vào phần lớn đà tăng của đồng bạc xanh thời gian gần đây chính là sự khác biệt trong quan điểm chính sách tiền tệ. Bước sang năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tỏ rõ quyết tâm “đánh bại” lạm phát. Một loạt các bước tăng lãi suất đã được thực hiện trong vài tháng qua và sẽ được thực hiện trong thời gian tới, biến USD trở thành đồng tiền có lợi suất cao. Lãi suất cao biến Mỹ trở thành “thỏi nam châm” hút dòng vốn đầu tư toàn cầu. Dòng tiền liên tục đổ về nền kinh tế số một thế giới, giúp đẩy giá trị của đồng bạc xanh cao hơn. Bên cạnh đó, đồng USD cũng nổi lên là một nơi trú ẩn an toàn trong giai đoạn bất ổn kinh tế. Những nhà đầu tư “yếu bóng vía” liên tục gia tăng nắm giữ đồng tiền này.

Giá dầu và khí đốt, chủ yếu được giao dịch bằng đồng USD, tăng cao là thông tin không tốt đối với các quốc gia nhập khẩu, ví dụ châu Âu, nhưng lại là tin vui đối với các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Mỹ. Và những đồng tiền không bị mất giá hoặc tăng giá mạnh hơn so với đồng USD chủ yếu thuộc về các “đại gia” năng lượng.

Tựu chung lại, đồng USD trở nên “nóng” thời gian gần đây vì kinh tế Mỹ chứng minh được sức chống chọi tốt trong giai đoạn bất ổn. Và điều này chưa mất đi tính đúng đắn ở thời điểm hiện tại.

Châu Âu đã đặt một chân vào suy thoái với rủi ro khủng hoảng năng lượng đang “treo” trên đầu. Kinh tế châu Á cũng đang mất dần xung lực. Tăng trưởng xuất khẩu chính là mối lo mới nhất đối với Trung Quốc. Nền kinh tế số hai thế giới đồng thời phải đối mặt với một thị trường bất động sản “èo uột” trong khi hoạt động kinh tế đứng trước bất ổn lớn với những quy định phòng dịch khắt khe.

Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc có tác động lan tỏa ra toàn khu vực. Sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 7. Số lượng đơn hàng xuất khẩu tại các quốc gia này cũng đi xuống thời gian qua. Đồng won và yên liên tục bị đồng USD bỏ xa. Dù rất quyết tâm theo đuổi chính sách lãi suất siêu thấp, nhưng đứng trước việc đồng yên tuột dốc, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cuối cùng cũng phát đi tín hiệu về khả năng can thiệp thị trường. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đang nỗ lực chặn đứng đà giảm giá của đồng nhân dân tệ, hiện tiệm cận ngưỡng tâm lý 7 CNY đổi 1 USD.

Đồng USD mạnh là một vấn đề? Về nguyên tắc, USD tăng giá giúp các quốc gia xuất khẩu tại châu Á và châu Âu gia tăng lợi thế cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp tại Mỹ. Nhưng thực tế không phải màu hồng. Giá USD cao “bóp nghẹt” thị trường tín dụng toàn cầu vì các quốc gia và doanh nghiệp bên ngoài biên giới Mỹ thường thực hiện các khoản vay bằng đồng tiền này. Khi đồng USD lên giá, các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn, làm gia tăng gánh nặng thanh toán, tạo áp lực lên toàn bộ nền kinh tế.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, chi phí tài chính tăng thêm làm xói mòn lợi thế xuất khẩu khi đồng tiền nội địa suy yếu. Đồng bạc xanh tăng giá cũng không hẳn là một “đặc ân” với các quốc gia phát triển, theo Steve Englander tới từ Standard Chartered. Hoạt động của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại châu Âu bị gián đoạn do thiếu hụt khí đốt, do đó, họ không thể tận dụng lợi thế cạnh tranh từ chênh lệch tỷ giá.

Vì sao đồng bạc xanh tăng giá chẳng phải chuyện hay ho?

Không có nhiều đồng tiền tăng giá so với đồng USD. Ảnh: The Economist.

Liệu đồng USD có suy yếu? Để điều đó xảy ra, ba điều kiện cần được thỏa mãn.

Đầu tiên, chênh lệch tăng trưởng toàn cầu cần thu hẹp lại. Một cuộc hạ cánh cứng tại Mỹ sẽ phát huy tác dụng? Không hẳn. Nền kinh tế số một thế giới rơi vào suy thoái chắc chắn sẽ không có lợi cho kinh tế toàn cầu. Và nếu viễn cảnh xấu nhất xảy ra (kinh tế toàn cầu suy thoái), nhà đầu tư sẽ đổ xô tìm kiếm các loại hình tài sản an toàn, trong đó có đồng USD. Không còn cách nào khác, các nền kinh tế ngoài Mỹ phải mạnh lên.

Thứ hai, áp lực giá cả và tiền lương tại Mỹ cần giảm nhanh. Điều đó cho phép Fed sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo giảm động lực tăng giá đồng USD.

Cuối cùng, thị trường dầu mỏ toàn cầu cần bớt “căng thẳng”. Nếu như điều đó không xảy ra, châu Âu sẽ khó lòng thu hẹp khoảng cách với đối trọng kinh tế bên kia bờ Đại Tây Dương.

Nhưng, những điều kiện kể trên sẽ không sớm xảy ra. Cho tới lúc đó, đồng USD sẽ vẫn chiếm thế thượng phong trên bản đồ tiền tệ thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại