menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thủy Tiên

Tư nhân đầu tư truyền tải điện: Đại biểu nhiều băn khoăn, Bộ trưởng nói gì?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cần có cơ chế xã hội hóa ở lĩnh vực truyền tải điện, nhằm giải tỏa công suất nhà máy. Trên thực tế có những nhà máy điện mặt trời, gió mới chỉ giải tỏa được 30-40%.

Vì sao nhà đầu tư chấp nhận bàn giao 0 đồng khi đã bỏ rất nhiều tiền?

Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự án luật sửa đổi, bổ sung 8 luật, gồm: Đầu tư công, Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Điện lực, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự.

Riêng về sửa đổi Luật Điện lực, Chính phủ đề xuất sửa Khoản 2, Điều 4 theo hướng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, trừ các dự án do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch điện lực quốc gia. Nhà nước sẽ độc quyền trong vận hành lưới truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, các tổ chức hoạt động và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.

Thảo luận tại tổ chiều nay (6/1), ông Hoàng Thanh Tùng - đoàn đại biểu Sóc Trăng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết cần làm rõ cơ chế như thế nào để thu hút được đầu tư tư nhân vào truyền tải điện.

Qua thực tiễn, Bộ Công Thương cần tổng kết để thấy cái gì đã phù hợp, cái gì còn bất cập. Vấn đề này trong hồ sơ trình chưa thực sự rõ, ông Tùng nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Đắk Nông - nhận định, về xã hội hóa, trong dự thảo luật chỉ nêu "Nhà nước sẽ độc quyền trong vận hành lưới truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".

Tư nhân đầu tư truyền tải điện: Đại biểu nhiều băn khoăn, Bộ trưởng nói gì?
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Đắk Nông (Ảnh: Quốc Chính).

"Vấn đề ở chỗ luật phải quy định rõ cái gì thành phần kinh tế ngoài nhà nước được đầu tư xây dựng. Không nói chung chung được. Cái gì được xã hội hóa thì phải chỉ rõ ra", ông Giang nêu quan điểm.

Nhấn mạnh đến sự minh bạch, rõ ràng trong việc thu hút xã hội hóa, đại biểu Giang đề nghị cần làm rõ những gì nhà nước độc quyền. Chưa kể, báo cáo đánh giá tác động còn rất sơ sài.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ cho rằng, nếu chỉ sửa một điều để thu hút vốn đầu tư tư nhân mà không quan tâm tới vận hành an toàn lưới điện quốc gia thì chúng ta giải quyết nút thắt này dễ nảy sinh nút thắt khác.

Thực tế theo đại biểu, một số trạm đường dây truyền tải tư nhân đầu tư vừa qua đều cắt vào trục đường dây 500 kV Bắc Nam, vậy làm thế nào để rạch ròi vai trò điều hành, vận hành, đấu nối của tư nhân. Bà băn khoăn khi thấy điều này chưa thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi.

Về bàn giao tài sản cho ngành điện, bà Thủy cho rằng hiện thiếu phương pháp xác định giá trị hạch toán tài sản, nên nhà đầu tư tư nhân đầu tư nhiều, thậm chí bàn giao 0 đồng. Vì sao nhà đầu tư chấp nhận bàn giao 0 đồng khi đã bỏ rất nhiều tiền vào đây? Đây là những vấn đề cần lưu ý khi sửa đổi luật, theo quan điểm của bà Thủy.

Bộ trưởng Công Thương: Nhiều nhà máy điện mặt trời, gió mới giải tỏa được 30-40% công suất

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công Thương cũng đã nêu ý kiến trước các vấn đề đại biểu quan tâm.

Theo Bộ trưởng, mấy năm trở lại đây, việc xã hội hóa trong đầu tư về nguồn điện là rất mạnh. DNNN thì sở hữu khoảng chừng 48-49% tổng nguồn, còn 50-51% có yếu tố đầu tư xã hội. Sau khi có chủ trương khuyến khích năng lượng tái tạo, khu vực ngoài nhà nước quan tâm, đầu tư rất mạnh.

Tuy nhiên Bộ trưởng chỉ ra rằng, có sự bất hợp lý khi những nơi có tiềm năng để khai thác điện năng, nhất là năng lượng tái tạo thì lại là nơi có phụ tải rất thấp. Chẳng hạn khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận…

Theo ông Diên, có những dự án được cấp phép, tổng công suất rất lớn nhưng phụ tải tại chỗ rất thấp, 4-6%. Khoảng 94-96% sản xuất ra ở vùng này phải truyền tải đi nơi khác.

Nhấn mạnh lý do việc sửa đổi Khoản 2, Điều 4 của Luật Điện lực, ông Diên cho biết hiện cần có cơ chế xã hội hóa ở lĩnh vực truyền tải điện. Điều này nhằm giải tỏa công suất nhà máy đã đầu tư trong những năm qua. Trên thực tế có những nhà máy điện mặt trời, gió bây giờ mới chỉ giải tỏa được 30-40% công suất, không chỉ vì dịch mà ngay cả khi hết giãn cách thì cũng phải có hệ thống truyền tải tốt mới giải tỏa được công suất còn lại.

Ông Diên cho rằng, đây là một trong những thúc ép hiện nay đó là để không bị lãng phí nguồn lực xã hội. Đã đầu tư thì cần giải tỏa, trong khi điện chúng ta rất cần, ông Diên nói. Thêm nữa cũng là để khai thác được tiềm năng lợi thế ở những địa phương có khả năng phát triển năng lượng tái tạo.

Về vấn đề được quan tâm đó là phạm vi giao cho tư nhân đầu tư đến đâu, Bộ trưởng Diên cho biết, phạm vi chỉ đầu tư vào hệ thống đường dây và trạm biến áp từ 220 KV trở xuống.

"Còn đối với các trạm biến áp 220 KV ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, về quốc phòng cho đến các hệ thống truyền tải của cao áp 500 KV và siêu cao áp 500 KV đó là nhà nước đầu tư", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, dù là nhà nước hay tư nhân đầu tư đều phải tuân thủ các quy định về đầu tư, về xây dựng, về điều độ và vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn. Điều này Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là cơ quan quy định tiêu chuẩn đó.

Vấn đề về giá truyền tải điện, Bộ trưởng cho biết đó là giá áp dụng cho Tổng công ty truyền tải điện quốc gia. Do vậy dù Nhà nước hay tư nhân đầu tư lợi nhuận chỉ được phép từ 3% trong giới hạn theo quy định.

Doanh nghiệp nào bàn giao tài sản 0 đồng?

Trước vấn đề hoạt động quản lý nhà nước đặt ra trong tổ chức vận hành mà nhiều đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng lý giải: Nhà nước độc quyền trong điều độ điện qua Trung tâm điều độ A0 dưới sự điều hành trực tiếp là EVN nhưng trong tương lai thì hoạt động độc lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp là Bộ Công Thương.

"Chúng tôi đã nói là từng bước xóa độc quyền của EVN. Bây giờ EVN cũng chỉ còn chiếm mấy chục phần trăm về nguồn. Trung tâm điều độ A0 hiện nằm ở EVN thì ảnh hưởng EVN mới lớn, sau này tách độc lập là một thành viên và dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương thì câu chuyện này sẽ khác. Về nội dung này chúng tôi và Ủy ban quản lý vốn đã trình Chính phủ"- Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Nhà nước điều độ hệ thống điện cho nên sẽ bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, bảo đảm an ninh về năng lượng và thậm chí là an ninh quốc gia. Nói rõ hơn Nhà nước sẽ độc quyền hệ thống truyền tải những đường dây cao áp và siêu cao áp.

Về giá điện thì theo quy định của Chính phủ cho ngành điện, cho nên các doanh nghiệp sản xuất điện hoặc phải tham gia đấu giá để cung cấp điện. Áp dụng giá điện do cấp có thẩm quyền quyết định.

Về việc bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý, Bộ trưởng cho biết thực tế vừa qua có hai doanh nghiệp đầu tư và tự nguyện sẽ chuyển giao cho nhà nước với giá 0 đồng đó là PVN, Tập đoàn Trung Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại