menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Cẩn thận chúng ta đi trước nhưng lại về sau'

TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra cảnh báo rằng chúng ta có thể đi trước nhưng về sau trên cả mặt trận y tế và kinh tế nếu không sớm có những giải pháp quyết liệt để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân và có các giải pháp kịp thời để hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2020 Việt Nam là một trong những nước đạt tăng trưởng GDP dương (2,91%). Chính phủ đặt mục tiêu kép 'vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế' trên tinh thần 'chống dịch như chống giặc'.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đối mặt với dịch bệnh, với lần bùng phát thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 từ tháng 4 đến nay, có nhiều đánh giá cho rằng, nước ta cần nhanh hơn nữa trên cả mặt trận y tế và kinh tế. Đặc biệt trong các chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạm dừng hoạt động đã tăng tới trên 20%, có hiện tượng "cả doanh nghiệp lớn cũng không còn sức mà phải bỏ cuộc - hiện tượng chưa có tiền lệ trước đây" (theo báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT). Liệu có phải chúng ta đã "bỏ quên" chống dịch trên phương diện kinh tế? Để làm rõ những gì chúng ta đã làm được gì để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế và đề xuất hướng đi trong thời gian tới, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia.

Theo ông, những gì Chính phủ đã và đang làm trong thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó hỗ trợ nền kinh tế đã là đủ để người dân và doanh nghiệp "chống dịch", sẵn sàng với trạng thái bình thường mới?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thời gian qua, cơ bản hỗ trợ của Chính phủ vẫn là giãn, hoãn thuế, phí và nợ. Cùng với đó là một gói khoảng 62.000 tỷ cho người dân thất nghiệp, doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì năm 2020 đâu có nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận để phải nộp thuế, phí nên việc giãn hoãn thuế, nợ thực chất chỉ là liều thuốc giảm đau mà không có tác dụng trị bệnh hay phục hồi sức khoẻ sau đại dịch cho doanh nghiệp. Gói 62.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD) dùng tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân lại giải ngân rất chậm và thiếu hiệu quả. Và nếu có giải ngân hết thì gói này cũng chỉ mới tương đương khoảng 1% GDP là quá ít ỏi so với các nước trên thế giới.

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp rất mạnh mẽ, chưa có tiền lệ như Mỹ đã dùng khoảng 15% GDP (3.000 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế và đang tiếp tục đề xuất thêm gối 6.000 tỷ USD để làm việc này. Hỗ trợ doanh nghiệp có thể hiểu là để doanh nghiệp có thêm nguồn tiền mới để trước tiên là duy trì được lao động, thứ 2 là có nguồn lực tài chính mới để nối lại chuỗi sản xuất, cung ứng đã đứt gãy trước đó; có nguồn lực đầu tư thiết bị, công nghệ mới chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn sau dịch bệnh.

Chính phủ cần làm gì ngay để hỗ trợ doanh nghiệp và năm 2021 có thể đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Việc đầu tiên và quan trọng nhất mà Chính phủ phải làm được là đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân bằng nguồn lực nhà nước. Đặc biệt là người dân ở các tỉnh, thành lớn.

Tại sao nói chống dịch như chống giặc? Mua vaccine chỉ mất khoảng 1 tỷ USD và chúng ta không thiếu tiền để mua vaccine. Vì thế, Chính phủ cần đẩy nhanh việc dùng nguồn lực dự trữ của mình từ ngân sách hoặc Ngân hàng Nhà nước để mua vaccine giống như đã dùng nguồn dự trữ này để mua vũ khí. Đó mới là "chống dịch như chống giặc". Nếu chúng ta sớm đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine thì có lẽ nền kinh tế đã không phải đối mặt với đợt dịch bệnh lần thứ 4 và đã không phải quá lo ngại về mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Không cẩn thận, "chúng ta có thể đi trước nhưng lại về sau" trên cả lĩnh vực y tế và kinh tế. Khi các nước khác đã tiêm vaccine cho toàn dân và bắt đầu mở lại các hoạt động dịch vụ, sự kiện thì chúng ta vẫn loay hoay với bài toán nguồn tiền cho vaccine.

Song hành với phòng dịch, chống dịch COVID-19, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện để huy động nguồn lực hiện khá lớn từ đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Có nhiều quỹ đầu tư trên thế giới bày tỏ mong muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, họ vẫn không biết phải bằng cách nào để tham gia vì còn vướng rất nhiều các quy định pháp lý. Rồi một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm hiện nay là dịch vụ, viễn thông, hàng không, du lịch, chứng khoán. Tuy nhiên, muốn thu hút được cần có biện pháp khai thông nguồn vốn trên cả vấn đề về pháp lý và thể chế.

Tiếp theo là xúc tiến nhanh đầu tư công về cơ sở hạ tầng. Chúng ta đang giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Ngoài lý do tác động của dịch bệnh COVID-19 thì còn những lý do khác liên quan tới thể chế, con người rất cần được giải quyết. Không thể nói phát triển nhanh, bền vững mà các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng lại thấp. Chúng ta đang bị các nước bỏ xa về chỉ tiêu cơ sở hạ tầng khi số km đường cao tốc/đầu người quá thấp chưa nói tới chất lượng. Nếu chỉ trông cậy vào nguồn vốn nội địa để làm cơ sở hạ tầng lớn thì bao giờ mới xong? Vì vậy, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài ngân hàng thì nguồn lực lớn nhất phải là huy động từ nước ngoài để đẩy nhanh xây dựng các tuyến cao tốc và đường sắt. Chúng ta có thể vay ADB để phát triển hạ tầng và đấu thầu quốc tế để công khai, minh bạch.

Cuối cùng, để thúc đẩy tăng trưởng cần phải tăng tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng nội địa đang bị đình trệ trong giai đoạn dịch bệnh thì ngay bây giờ chúng ta phải có động thái đẩy tiêu dùng nội địa lên bằng công nghệ và truyền thông. Muốn làm được cần chuẩn bị sẵn các nguồn lực như là thúc đẩy cho vay tiêu dùng, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Việc khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa cần trở thành chiến lược mang tầm nhìn quốc gia, đi vào nhận thức và hành động của từng cơ quan bộ ngành, sau đó là doanh nghiệp và người dân. Từ mua ô tô đến điện thoại di động đến nông sản và tất cả những sản phẩm nào mà Việt Nam có thể làm được. Chương trình "người Việt dùng hàng Việt" đã có lâu nay nhưng chúng ta vẫn không làm được hoặc chưa làm được đáng kể. Cần biến nó thành nhận thức và hành động của mỗi bộ ngành, tới từng người dân trong nước.

Muốn thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng cần tăng cường kết nối trên không gian mạng, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng. Thông qua thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, văn hoá của người Việt với thế giới và người dân trong nước.

Cần hết sức lưu ý rằng, một mảng mà hiện nay nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm với thị trường Việt Nam là kinh tế số. Có thể coi đây là vấn đề cốt tử với sự phát triển của thị trường trong nước. Doanh nghiệp số của Việt Nam còn quá nhỏ bé, non yếu, hoạt động cầm chừng và không được xem trọng. Nếu kinh tế số không được đầu tư thoả đáng, rất có thể thời gian tới sẽ xảy ra kịch bản doanh nghiệp ngoại thâu tóm hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử và lũng đoạn thị trường Việt Nam. Khi đó sẽ không còn chỗ để hàng hoá nội địa đặt chân.

Tôi đề xuất Chính phủ nhất định phải có ngay chính sách để hỗ trợ kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam phát triển sớm chiếm lĩnh thị trường số và thông qua đó bảo vệ toàn bộ hệ thống bản lẻ ở các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử. Mất thị phần trên thương mại điện tử và bán lẻ là mất thị trường đầu ra cho hàng nội địa và doanh nghiệp Việt.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
39 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại