menu
Trung Quốc muốn “hãm” đà tăng của NDT
Hồng Phượng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc muốn “hãm” đà tăng của NDT

Sự tăng giá mạnh của đồng NDT là điều mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không mấy thích thú. Trên thực tế họ cũng có nhiều động thái để hãm lại đà tăng này.

Đồng nội tệ của Trung Quốc vừa có tháng tăng giá mạnh trong tháng 5 và hiện đang giao dịch ở gần mức cao nhất trong 3 năm so với đồng USD. Đồng NDT mạnh hơn khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đang đóng góp khá lớn trong tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Bởi vậy sự tăng giá mạnh của đồng NDT là điều mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không mấy thích thú. Trên thực tế họ cũng có nhiều động thái để hãm lại đà tăng này. Đơn cử trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 4/6), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu giữa NDT so với USD thêm 26 điểm cơ bản xuống mức 6,407 NDT/USD, phiên giảm thứ ba liên tiếp sau khi tỷ giá tham chiếu đã tăng liên tục trong 7 phiên trước đó.

Theo các nhà phân tích, mặc dù PBoC tuyên bố cho phép các yếu tố thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Nhưng cơ quan này vẫn giữ một số quyền kiểm soát thông qua việc xác định tỷ giá tham chiếu hàng ngày và chỉ cho phép tỷ giá giao dịch thực tế của đồng NDT được biến động trong biên độ +/-2% so với mức tỷ giá tham chiếu này.

Việc liên tiếp điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu đến sau khi PBoC đưa ra thông báo vào cuối ngày 31/5 rằng, kể từ ngày 15/6 tới các tổ chức tài chính phải tăng tỷ lệ tiền gửi ngoại hối của họ lên 7% từ mức 5% hiện tại. Động thái này sẽ buộc các ngân hàng phải giữ lại nhiều ngoại tệ hơn, từ đó làm giảm lượng ngoại tệ trong lưu thông, có thể được sử dụng để tác động đến tỷ giá hối đoái.

Đây là lần tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đầu tiên của PBoC trong vòng 14 năm, kể từ lần thay đổi trước đó vào tháng 5/2007 - trước nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà kinh tế ước tính, việc tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc lần này sẽ làm giảm lượng ngoại tệ có sẵn để giao dịch dài hạn khoảng 20 tỷ USD.

Tuy nhiên theo giới chuyên môn, con số này không quan trọng so với thông điệp mà PBoC muốn phát đi, đó là đồng NDT sẽ không di chuyển theo một hướng duy nhất là tiếp tục mạnh lên so với USD.

“Đó là một tín hiệu mạnh mẽ”, Xu Hongcai - Phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc cho biết. Ông chỉ ra rằng quy mô của việc điều chỉnh là tương đối lớn và cho biết nó thể hiện một hình thức thắt chặt chính sách tiền tệ có mục tiêu. Xu cũng cho biết, việc tăng tỷ lệ này sẽ hạn chế hoạt động đầu cơ vì các tổ chức tài chính cần phải giữ nhiều ngoại tệ hơn trong dự trữ của họ.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng giữ cho nền kinh tế phát triển ổn định khi thế giới đang nỗ lực phục hồi sau cú sốc của đại dịch coronavirus. Tuy nhiên chính sách tiền tệ của Trung Quốc hiện rất khác với chính sách tiền tệ của Mỹ và các nền kinh tế phát triển lớn, khiến tài sản của Trung Quốc đại lục trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Chẳng hạn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc hiện có lợi suất khoảng 3,07%, trong khi trái phiếu 10 năm của Kho bạc Mỹ có lợi suất thấp hơn nhiều, khoảng 1,62%. Chênh lệch về lợi suất đã tạo ra một vòng xoáy: Dòng tiền chảy vào các tài sản bằng đồng NDT và củng cố sức mạnh cho đồng tiền này, từ đó lại thu hút thêm vốn nước ngoài.

Ngoài việc thông báo tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc, các nhà hoạch định chính sách đã gửi đến công chúng một thông điệp khác nhằm ngăn chặn những biến động mạnh của đồng NDT. Các nhà quản lý cho biết tại cuộc họp ngày 27/5 với sự tham dự của Phó thống đốc PBoC Liu Guoqiang và Phó giám đốc cơ quan quản lý ngoại hối quốc gia Wang Chunying, đồng NDT có thể mạnh lên và cũng có thể suy yếu.

Theo một bài viết đăng trên trang web của PBoC, những người tham dự cuộc họp này cho biết, tỷ giá hối đoái không thể được sử dụng như một công cụ của chính sách tiền tệ chứ không phải là một giải pháp để kích thích xuất khẩu hoặc bù đắp tác động của giá hàng hóa tăng.

Trong khi đó, Sheng Songcheng - cựu Thống đốc PBoC nói với hãng thông tấn Tân Hoa xã hôm Chủ nhật rằng, đồng NDT đang bị đính giá quá cao so với đồng USD và mức tăng này không bền vững.

Với những phát biểu và động thái chính sách như vậy, các nhà phân tích không kỳ vọng NDT sẽ tăng giá mạnh trong năm nay. Theo đó, China Renaissance dự báo đồng NDT sẽ duy trì ở mức 6,4 NDT/USD trong năm nay và năm tới. Thậm chí Macquarie còn dự đoán đồng NDT sẽ suy yếu nhẹ xuống 6,55 NDT/USD do kỳ vọng ngày càng tăng về chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt hơn ở Mỹ. Vào tháng 5, các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng đã điều giảm dự báo về triển vọng của đồng NDT xuống mức 6,48 NDT/USD vào cuối năm nay thay vì mức 6,25 NDT/USD như dự báo trước đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả