TP.HCM: Nhiều dự án giao thông sẽ được đầu tư bằng ngân sách
Để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp bách, lãnh đạo TP.HCM cân nhắc dùng vốn ngân sách để thực hiện
Trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang gặp ách tắc trong việc kêu gọi vốn đầu tư, làm việc với Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TP. HCM, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã thống nhất chủ trương đầu tư công cho một số dự án trọng điểm, cấp bách.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT TP. HCM cho biết thời gian qua, công tác huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô… Điển hình như tuyến Vành đai 2 có chiều dài 64 km với quy mô 6-10 làn xe, hiện còn 11 km chưa hoàn thiện nhưng do nhu cầu vốn quá cao nên khó tìm nhà đầu tư để có thể khép kín tuyến đường.
Trên thực tế, chi phí bồi thường đoạn 1 và 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) ước khoảng 5.100 tỷ đồng; chi phí xây lắp khoảng 2.700 tỷ đồng là quá lớn để thu hút nhà đầu tư.
Để gỡ "điểm nghẽn" này, Sở GT-VT TP. HCM cho biết đã cùng các sở, ngành chức năng kiến nghị chuyển dự án này sang hình thức đầu tư công và trình HĐND thành phố thông qua chủ trương. “Nếu được chấp thuận đầu tư theo hình thức này, toàn bộ dự án đường Vành đai 2 mới có thể được khép kín vào năm 2022”, ông Lâm nói.
Không chỉ thế, hàng loạt dự án giao thông ở các cửa ngõ như dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50… cũng được lãnh đạo Sở GT-VT đề xuất sử dụng vốn ngân sách. Điều này được lãnh đạo Sở GT-VT lý giải là do các dự án này thực hiện trên các tuyến đường hiện hữu, nhưng theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu.
Ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở GT-VT TP. HCM và các đơn vị liên quan cần tập trung ưu tiên cho những dự án bức bách, giải tỏa ùn tắc trên địa bàn. “Cần rà soát từng dự án để xác định cụ thể hình thức đầu tư, thời gian tiến độ cụ thể bởi vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng được hơn 20% nhu cầu”, ông Phong nói. Chính vì vậy, trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ tách dự án có bồi thường ra để thực hiện theo hình thức đầu tư công; đối với dự án xây lắp có thể vẫn triển khai hình thức PPP nhưng lùi thời điểm thực hiện.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng khẳng định: “Khi đã dùng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng để có đất sạch thì phải đấu thầu chọn nhà đầu tư và không giao cho bất kỳ ai". Chủ tịch UBND TP. HCM cũng cho biết, dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ đấu thầu theo hình thức BT bởi thành phố đã tạo quỹ đất sạch.
Để việc lập dự án được khả thi hơn, Chủ tịch UBND TP. HCM cũng đồng ý chủ trương thành lập quỹ với kinh phí ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng để phục vụ công tác nghiên cứu triển khai các dự án thay vì giao trực tiếp cho các nhà đầu tư như thời gian qua. Song song với đó, nhằm tăng cường vốn ngân sách, lãnh đạo TP.HCM cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu tận dụng khai thác quỹ đất “vàng” dọc theo tuyến đường sắt đô thị, cũng như các đường cao tốc, vành đai. Đầu tháng 6, lãnh đạo TP.HCM sẽ làm việc với các đơn vị có liên quan để thực hiện.
“Việc này phải do các sở chuyên ngành chủ trì, các quận - huyện phối hợp rà soát thực trạng thì mới hiệu quả và phải báo cáo việc nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường sắt đô thị và đường cao tốc, vành đai, vào cuối quý III/2019", ông Phong chỉ đạo.
Kêu gọi đầu tư hàng chục tỷ USD vào giao thông Bên cạnh việc chuyển đổi hình thức đầu tư cho các dự án giao thông cấp bách, đối với các dự án hạ tầng giao thông lớn, TP.HCM vẫn mời gọi các nhà đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 với 85 dự án, tổng nhu cầu vốn là 923.630 tỷ đồng (tương đương 41,98 tỷ USD), bao gồm: 55 dự án cầu - đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội đô. Cụ thể, TP.HCM kêu gọi vốn để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (metro) gồm dự án xây dựng tuyến Metro số 2 (giai đoạn 2) đoạn từ Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi tổng vốn 833 triệu USD, hình thức đầu tư hợp tác công tư PPP (BOT, BOT kết hợp BT). Dự án xây dựng tuyến Metro số 3A Bến Thành - ga Tân Kiên trên địa bàn quận 1, 3, 5, 6, huyện Bình Chánh, tổng vốn đầu tư 3,02 tỷ USD với hình thức đầu tư PPP… Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài mới đây, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại thành phố, làm hết sức để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận