menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoa Thanh

Tổng thống mới của nước Mỹ tác động thế nào tới thương mại toàn cầu?

 Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, có một ứng viên nhấn mạnh tới cam kết đặt việc làm của người dân Mỹ lên hàng đầu, mua hàng hoá Mỹ cho mọi nhu cầu chi tiêu công và giữ thái độ rõ ràng với những “bất bình đẳng” trong thương mại với Trung Quốc.

Ứng cử viên đó là Joe Biden, không phải Donald Trump. Ngày 20/1, ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Chính sách thương mại của quốc gia này liệu có chuyển biến và sẽ tác động như thế nào tới dòng chảy thương mại toàn cầu?

3 trọng tâm trong chính sách thương mại của Tổng thống Biden

Từ những thông điệp trong chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden, cũng như góc nhìn từ những chuyên gia thân cận, nhiều khả năng sẽ không có những chuyển biến mang tính bước ngoặt trong chính sách thương mại Mỹ. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ sử dụng các chính sách thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của kinh tế Mỹ, thận trọng hơn trong việc gia tăng vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Biden được cấu thành bởi 3 yếu tố chính. Thứ nhất, cải thiện sức cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ, giảm bớt sự lệ thuộc vào các loại hàng hoá nhập khẩu. Thứ hai, khôi phục vai trò dẫn dắt trên thị trường toàn cầu bằng cách xây dựng lại lực lượng đồng minh và bắt tay với các tổ chức đa quốc gia. Thứ ba, có hành động mạnh mẽ về vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng không làm tổn hại tới sức cạnh tranh của các ngành sản xuất nội địa.

Những sắc thái mới này của chính sách thương mại sẽ tác động nhất định tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hoá trên toàn cầu, cũng như ảnh hưởng tới các quốc gia có mối quan hệ thương mại với Mỹ.

Không trông đợi thay đổi chính sách đột ngột

Trong những thông điệp được đưa ra, ông Biden đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, nền kinh tế Mỹ là ưu tiên hàng đầu của người giữ cương vị Tổng thống.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Biden, có thể các chính sách sẽ trở nên dịu nhẹ hơn nhiệm kỳ của ông Donald Trump, chẳng hạn thực hiện cam kết giai đoạn 1 đã đạt được với Trung Quốc vào tháng 1/2020, sửa đổi chính sách thuế với mặt hàng thép nhập khẩu từ EU và Canada, tiếp tục tham gia đàm phán một số hiệp định song phương như Hiệp định thương mại với Anh…

Tuy nhiên, các thoả thuận thương mại mới không phải vấn đề được ưu tiên. Chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa ra thông điệp sẽ không tham gia vào các thoả thuận thương mại mới cho tới khi đã thực hiện những hoạt động đầu tư đầy đủ, quy mô hợp lý tại quê nhà, bao gồm các lĩnh vực giáo dục, hạ tầng và sản xuất. Đây cũng là lý do khó có khả năng nước Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quay trở lại cách thức làm việc truyền thống

Ông Joe Biden từng không ngần ngại chỉ trích ông Donald Trump bởi cách hành xử kiểu “nước Mỹ chỉ làm việc đơn độc”, cũng như cách thức ứng xử trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế từ câu chuyện biến đổi khí hậu cho tới sức khoẻ cộng đồng và an ninh khu vực.

Đây là lý do các chuyên gia tin rằng, nước Mỹ sẽ quay trở lại ủng hộ cách thức làm việc truyền thống trong hệ thống thương mại quốc tế, đó là cùng đồng hành. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden có thể sẽ cùng sát cánh với WTO để giải quyết những đứt gãy thương mại, đồng lòng hỗ trợ các quốc gia khác giải quyết những vấn đề mới như kỹ thuật số, dịch vụ thương mại số…

Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn làm việc theo những nguyên tắc của riêng mình. Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ cố gắng gây dựng đội ngũ các quốc gia có cùng quan điểm để giải quyết những vấn đề nhức nhối, phức tạp như câu chuyện thương mại, công nghệ với Trung Quốc, đánh thuế các nền tảng điện tử, sự hỗ trợ của chính phủ với doanh nghiệp nhà nước…

“Tôi cho rằng, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tập trung hơn vào vấn đề với Trung Quốc và thân cận hơn với các đồng minh. Ông Biden cũng sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc sử dụng công cụ thuế, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hàng rào thuế hiện tại sẽ sớm được rời bỏ”, Edward Alden, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ quốc tế chia sẻ.

Tập trung sản xuất tại nước Mỹ

Một trong những mục tiêu trọng tâm của ông Joe Biden trong chiến dịch tranh cử chính là việc điều chỉnh hoạt động sản xuất quay trở lại nước Mỹ. Thực tế, ông đặt ra mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, cũng như việc phụ thuộc vào dược phẩm, hàng hoá, dịch vụ y tế từ nước ngoài.

Chính quyền của Tổng thống Biden cũng sẽ tập trung vào các sản phẩm công nghệ thế hệ mới như chất bán dẫn, pin chuyên dụng cho phương tiện dùng điện, thiết bị phục vụ mạng lưới viễn thông 5G… Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden cam kết “sử dụng toàn bộ nguồn lực của Chính phủ liên bang để tái xây dựng nền sản xuất nội địa Mỹ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chuỗi cung ứng các hàng hoá thiết yếu”.

Đáng chú ý, theo giới chuyên gia, Tổng thống Biden nhiều khả năng tiếp tục duy trì một số chính sách mà ông Trump đã thực thi, bao gồm hạn chế việc bán chất bán dẫn, cũng như chuyển giao công nghệ mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc, hạn chế nhập khẩu hàng hoá công nghệ cao từ Trung Quốc.

Dẫn con số các khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc tăng 30 lần trong giai đoạn 1991 - 2016, ông Biden cam kết sẽ đầu tư mạnh tay cho các công nghệ mới. Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD cho các lĩnh vực từ xe điện cho tới công nghệ vật liệu mới, 5G và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tốc độ phát triển.

Đấu tranh chống biến đổi khí hậu

Đội ngũ của Tổng thống Biden luôn đưa ra thông điệp nhất quán, đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Để làm được điều này, chính quyền mới sẽ “đảo ngược” quyết định rời khỏi Thoả thuận khí hậu Paris của ông Trump, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc giảm thiểu phát thải carbon tại Mỹ.

Việc theo đuổi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ có tác động đáng kể tới chính sách thương mại của Mỹ. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ ban hành một số biện pháp nhằm cổ vũ các ngành công nghiệp giảm phát thải carbon, thay đổi chính sách thuế môi trường để các doanh nghiệp Mỹ không lép vế trước các sản phẩm nhập khẩu tại quốc gia không có quy định nghiêm ngặt về môi trường. Có khả năng chính quyền của ông Biden cân nhắc đánh thuế lên hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia có phát thải carbon cao hơn so với hàng hoá sản xuất tại Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại