menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lan

Tin thế giới 12/4: Tổng thống Nga khẳng định mục tiêu ở Ukraine là "cao cả"; Kiev hối EU phải quyết định ngay; New Delhi nói gì về Moscow?

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Nga-Pháp lại 'căng' vụ trục xuất, Đối thoại 2+2 Mỹ-Ấn Độ, Covid-19 ở Trung Quốc là một số tin thế giới nổi bật.

Tin thế giới 12/4: Tổng thống Nga khẳng định mục tiêu ở Ukraine là "cao cả"; Kiev hối EU phải quyết định ngay; New Delhi nói gì về Moscow?
Tổng thống Nga Putin đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Viễn Đông, vào ngày 12/4. (Nguồn: Kremlin)

Nga-Ukraine

* Tổng thống Nga tin sẽ đạt được mục tiêu “cao cả” ở Ukraine: Ngày 12/4, phát biểu tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Viễn Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi sự chiến đấu dũng cảm và hiệu quả của các lực lượng Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông khẳng định, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine chắc chắn sẽ đạt được "mục tiêu cao cả" là "giúp đỡ người dân ở Donbass" và các mục tiêu này là "hoàn toàn rõ ràng". (TASS, Reuters)

* Tổng thống Putin khẳng định mưu đồ cô lập Nga sẽ thất bại: Viện dẫn sự thành công của chương trình không gian vũ trụ của Liên Xô trước đây là bằng chứng cho thấy Nga có thể đạt được những bước tiến ngoạn mục trong điều kiện khó khăn, Tổng thống Putin tuyên bố, nước này sẽ không bao giờ phụ thuộc vào phương Tây.

Theo kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Putin nói: "Các lệnh trừng phạt đã diễn ra tổng thể, sự cô lập đã hoàn tất nhưng Liên Xô vẫn là nước đi đầu trong không gian vũ trụ... Chúng tôi không muốn bị cô lập. Không thể cô lập hoàn toàn bất cứ nước nào trong thế giới hiện đại - đặc biệt là một nước rất lớn như Nga".

Ông Putin nhấn mạnh, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là cần thiết vì Mỹ đang lợi dụng Ukraine để đe dọa Nga, bao gồm cả thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (Reuters)

* Nga sẽ kiên nhẫn và kiên định trong quá trình đàm phán với Ukraine, nhưng sẽ không chấp nhận đóng “vai phụ” trong trật tự quốc tế hiện nay, đó là lời khẳng định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc phỏng vấn với đài Rossiya 24 ngày 11/4.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng khẳng định, Moscow sẽ không dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine trước vòng đàm phán hòa bình tiếp theo với Kiev. (Reuters)

* Ukraine dự báo Nga sắp tấn công ở Donbass: Ngày 11/4, Kiev cho rằng, Nga hầu như đã hoàn thành việc tập trung lực lượng cho đợt hành động quân sự mới ở các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk thuộc Donbass, miền Đông của Ukraine.

Quan chức này khẳng định, quân đội Ukraine đã sẵn sàng đương đầu với đợt tấn công mới, nhưng không tiết lộ những bằng chứng cụ thể cho dự báo trên. (Reuters)

* Tổng thống Ukraine tìm kiếm ủng hộ ở châu Phi: Ngày 11/4, Tổng thống Senegal Macky Sall - đương kim Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) - cho biết, người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenksy đã yêu cầu được phát biểu trước AU.

Yêu cầu được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, trong đó thảo luận về tác động kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine và "sự cần thiết phải đối thoại để đạt được kết quả cho cuộc xung đột".

Châu Phi đang có phản ứng chia rẽ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/4 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền, trong số 58 quốc gia đã bỏ phiếu trắng bao gồm 24 nước châu Phi, trong đó có Senegal.

Ngoài ra, 9 nước châu Phi khác đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết và 9 quốc gia khác của châu lục này bỏ phiếu chống. (Africa Times)

* Ukraine hối thúc Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt ngành dầu mỏ và ngân hàng Nga: Ngày 12/4, trong bài phát biểu trước Quốc hội Lithuania, Tổng thống Ukraine Zelensky nêu rõ: "Chúng tôi không thể chờ đợi ... Chúng tôi cần những quyết định mạnh mẽ và EU phải quyết định ngay từ bây giờ".

Theo nhà lãnh đạo, EU cần phải trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ và toàn bộ ngân hàng Nga. Mỗi quốc gia thành viên EU phải đặt ra thời hạn từ chối hoặc hạn chế nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga như khí đốt.

Ông Zelensky cho rằng, chỉ như vậy, chính phủ Nga mới hiểu "họ cần tìm kiếm hòa bình, rằng chiến tranh đang trở thành một thảm họa cho chính nước này". (Reuters)

* EU chưa đạt đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga: Ngày 11/4, trong cuộc họp ở Luxembourg, ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga nhưng các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Hầu hết các bộ trưởng đều đề nghị các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Nga với việc ngừng mua dầu và khí đốt của quốc gia này. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được gói trừng phạt mới thì cần phải có sự thống nhất trong toàn liên minh.

Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng, điều này rất khó bởi một số nước như Đức, Áo, Italy hay Hungary vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga để vận hành nền kinh tế.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng cũng thông qua việc giải ngân thêm 500 triệu Eeuro để tiếp tục tài trợ cho Kiev. Trước đó, 27 quốc gia EU đã chấp thuận hỗ trợ cho Ukraine 1 tỷ Euro. (AFP)

* Trung Quốc tố Mỹ cố lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine: Ngày 12/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, vấn đề Ukraine diễn biến tới tình trạng hiện nay có mối liên quan nhân quả rất rõ ràng, đó là "các hành động của NATO, dẫn đầu là Mỹ, từng bước đẩy mâu thuẫn Nga-Ukraine đến 'miệng núi lửa'".

Ông lưu ý rằng, Washington không những không có những bước đi thiết thực giúp xoa dịu tình hình mà còn tích cực tiếp thêm dầu vào lửa, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn, buộc tất cả các nước phải chọn bên.

Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, Mỹ "nên lắng nghe dư luận quốc tế, bao gồm cả ý kiến của Trung Quốc, càng sớm càng tốt và từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh". (TASS)

Nga-Pháp lại căng đòn trục xuất

Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước này đang làm thủ tục để trục xuất "6 điệp viên của Nga hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao đã bị phát hiện có những hành động đi ngược với lợi ích quốc gia của Pháp".

Theo đó, sau một thời gian dài điều tra, cơ quan tình báo trong nước DGSI của Pháp đã phát hiện ra "một chiến dịch gián điệp được các lực lượng tình báo Nga thực hiện trên đất Pháp". Tuy nhiên, thông báo không cho biết thêm thông tin cụ thể về quá trình điều tra.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết DGSI "đã triệt phá được mạng lưới gián điệp của Nga".

Phản ứng trước thông tin này, ngày 12/4, Đại sứ quán Nga tại Paris thông báo đã gửi công hàm phản đối tới giới chức Pháp, đồng thời tuyên bố: "Phía Nga đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ liên quan hành động không thân thiện của các nhà chức trách Pháp và chắc chắn sẽ có phản ứng tương xứng". (AFP, Sputnik)

Mỹ-Ấn Độ

* Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng trong ngày 11/4, Mỹ-Ấn Độ đã hoàn tất ký kết thỏa thuận Nhận thức tình hình không gian mới (new Space Situational Awareness arrangement), tạo cơ hội cho mức độ hợp tác cao hơn giữa hai nước.

Hai nước đồng ý khởi động Đối thoại trí tuệ nhân tạo quốc phòng cũng như mở rộng các cuộc tập trận và huấn luyện chung về không gian mạng.

Các bộ trưởng cũng thảo luận về một loạt ưu tiên an ninh khu vực cũng như các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện song phương và khu vực. (PTI)

* Thủ tướng Ấn Độ hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ vào ngày 11/4, trước khi diễn ra Đối thoại 2+2.

Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ đóng một vai trò “không thể thiếu” đối với sự phát triển của Ấn Độ trong 25 năm tới.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, "quan hệ chặt chẽ" giữa hai nước có "gốc rễ là sự kết nối sâu sắc giữa người dân hai nước, mối quan hệ gia đình, tình bạn và những giá trị chung”.

* Ấn Độ khẳng định quan hệ với Nga là 'đồng minh tự nhiên', nhưng mối quan hệ này không ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác của New Delhi với Washington. Đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Hindustan Times.

Theo ông, "Mỹ biết rằng, Ấn Độ và Nga là mối quan hệ đồng minh tự nhiên và rất ổn định. New Delhi cũng sẽ rất thận trọng để đảm bảo lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ không bị tổn hại bởi quan hệ của Ấn Độ với bất kỳ nước nào khác trên thế giới". (TASS)

Tổng thống Mỹ có kế hoạch đến châu Á

* Tổng thống Mỹ thông báo kế hoạch thăm Nhật Bản vào khoảng ngày 24/5 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).

Hội nghị này được cho là nhằm thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa 4 nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Biden tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021. (Kyodo)

* Thượng đỉnh Mỹ-Hàn có thể diễn ra vào cuối tháng 5: Theo tờ nhật báo The Korea Herald, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thăm Hàn Quốc vào cuối tháng 5 sau khi thăm Nhật Bản và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk-yeol.

Nếu được xác nhận, ông Joe Biden có thể sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chính thức gặp ông Yoon Suk-yeol sau khi ông nhậm chức vào ngày 10/5 tới.

Điều này có nghĩa là tân Tổng thống Hàn Quốc có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ trong vòng chưa đầy 20 ngày sau khi bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm, sớm hơn bất kỳ chính quyền nào trước đây. (Yonhap)

Nhật Bản

* Thủ tướng Nhật Bản lên kế hoạch công du Đông Nam Á: Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang lên kế hoạch công du Đông Nam Á vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 với mục đích tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp.

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết, trong chuyến công du sắp tới, Thủ tướng Kishida dự định sẽ thăm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Ông dự định sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng cân nhắc thăm châu Âu, với ý định sẽ thảo luận về các biện pháp phản ứng trước tình hình xung đột tại Ukraine và hỗ trợ người Ukraine đi sơ tán.

* Bốn tàu tuần tra Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản: Ngày 12/4, kênh truyền hình NHK dẫn nguồn lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, bốn tàu tuần tra của Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Theo đó, các tàu của Trung Quốc bắt đầu đi vào lãnh hải Nhật Bản lúc 9h45 giờ địa phương (7h45 giờ Hà Nội) ngày 12/4. Vào thời điểm 10h30 giờ địa phương (8h30 giờ Hà Nội), các tàu này ở cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 16-19 km về phía Đông.

Như vậy, đây là lần thứ sáu kể từ đầu năm đến nay, tàu tuần tra Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản. Lần gần đây nhất ghi nhận vào ngày 16/3.

* Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ tiến vào Biển Nhật Bản: Các nguồn thạo tin ngày 12/4 cho biết, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Abraham Lincoln của Mỹ đã tiến vào vùng biển quốc tế thuộc Biển Nhật Bản.

Động thái này được cho là nhằm thể hiện sức mạnh quân sự giữa lúc xuất hiện nhiều quan ngại về những hành động khiêu khích tiềm tàng của Triều Tiên.

Dự kiến, nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ lưu lại Biển Nhật Bản từ 3-5 ngày. (Yonhap)

Covid-19 ở Trung Quốc

* Mỹ yêu cầu một số nhân viên rời khỏi lãnh sự quán tại Thượng Hải: Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhân viên chính phủ Mỹ đang đảm nhận những vị trí không khẩn cấp rời khỏi lãnh sự quán nước này tại thành phố Thượng Hải trong bối cảnh tăng mạnh số ca mắc mới Covid-19.

Chính quyền sở tại cho biết, Thượng Hải - thành phố được coi là trung tâm tài chính của Trung Quốc - đã ghi nhận 22.348 ca mắc mới Covid-19 không triệu chứng và 994 trường hợp có triệu chứng trong ngày 11/4. (Reuters)

* WHO theo dõi sát: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi làn sóng dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc đại lục, nơi chứng kiến số ca mắc mới đang ngày một gia tăng mà giới chức nước này cho là do sự lây lan của phiên bản BA.2 của biến thể Omicron.

Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Vũ Hán hơn 2 năm trước. Số ca bệnh ở Trung Quốc tương đối thấp so với hầu hết các nước, nhưng riêng trong ngày 10/4, nước này ghi nhận thêm 1.184 ca mắc mới có triệu chứng và 26.411 ca không triệu chứng - mức cao chưa từng thấy trong 1 ngày.

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc đã quyết định phong tỏa một số khu vực, áp dụng hình thức học trực tuyến, đặc biệt là tại Thượng Hải. Hiện 26 triệu người dân của thành phố này vẫn phải ở trong nhà trong khoảng 1 tuần.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại