Số ca mắc mới liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chưa dừng lại
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 3/10, hai trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới trên địa bàn thành phố liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gồm:
Bà V.T.Q., 46 tuổi, trú tại Minh Khai, Bắc Từ Liêm, làm việc tại Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngày 2/10, người này được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với nCoV.
Anh Đ.N.A., 28 tuổi, trọ tại thôn Tư Khoát, Ngũ Hiệp, Thanh Trì. Anh H. chăm sóc vợ ở tầng 7 tòa nhà D, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 19 đến 28/9. Tới ngày 2/10, anh có kết quả xét nghiệm dương tính.
Như vậy, liên quan chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội đã ghi nhận 25 ca nhiễm Covid-19 (13 người có địa chỉ tại Hà Nội, nhóm còn lại từ các địa phương khác).
Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp F1 nhiễm Covid-19 khác là ông N.B.T. (40 tuổi) và N.B.N.N. (11 tuổi). Họ đều trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông, có một lần âm tính trước đó và đã được cách ly tập trung.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.001 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Việt Nam tiếp nhận hơn 1 triệu liều vắc-xin Pfizer
1.499.940 liều vắc-xin Pfizer do Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX về tới sân bay Nội Bài. Đây là lô vắc-xin mới tiếp nối 3 đợt trao tặng trước đó Mỹ dành cho Việt Nam.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, lô vắc-xin được bàn giao thông qua cơ chế COVAX, được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy của Pfizer tại thành phố Kalamazoo, bang Michigan của Mỹ đến sân bay Nội Bài, Hà Nội vào tối ngày 2/10,
Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vắc-xin (3 đợt hỗ trợ trước đã bàn giao 6 triệu liều vắc-xin của Moderna và Pfizer) kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2
Bộ Y tế đề nghị với các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời), ưu tiên sử dụng xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.
Tại khu vực nguy cơ thực hiện xét nghiệm định kỳ 5-7 ngày/lần; tại vùng "bình thường mới" thực hiện xét nghiệm khi cơ quan, đơn vị, người dân có nhu cầu hoặc theo đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế.
Khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện tự lấy mẫu và xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.
Khi có kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh âm tính, cần tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Nếu kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và thông báo ngay kết quả dương tính xét nghiệm test kháng nguyên nhanh tới cơ sở y tế nơi sinh sống (trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh...), đường dây nóng do cơ quan y tế trên địa bàn công bố hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin khai báo Covid-19 để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở hệ thống sẵn có, thành lập, duy trì, công bố trên website của Sở Y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn;
Đồng thời công bố trên website của Sở Y tế, phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam và danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp các sinh phẩm này trên địa bàn để cơ quan, đơn vị và người dân dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào chiều tối 2/10, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn xét nghiệm để đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân và doanh nghiệp, đối tượng nào doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm, gộp mẫu xét nghiệm.
Về lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế có các văn bản hướng dẫn mẫu xét nghiệm PCR bằng cách gộp 5-10-15 mẫu, test nhanh kháng nguyên gộp 3-5 mẫu trong 1 ống để vừa phát hiện hiệu quả nhanh và giảm chi phí về kinh tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo công khai minh bạch tạo điều kiện cho đơn vị tiếp cận và đến nay cấp phép 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2 (trong đó 35 PCR và 62 test kháng nguyên).
Chia sẻ thông tin hữu ích