menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Tín dụng bị “siết”, đâu là cứu cánh của các NH?

Trong bối cảnh tín dụng đang ngày càng bị “siết” chặt, bancassurance chắc chắn sẽ trở thành ‘cứu cánh’ trong mảng thu dịch vụ của các ngân hàng, ít nhất là trong từ 1 - 3 năm tới.

Tổ chức tài chính UBS của Thụy Sỹ nhận định, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) tiếp tục là yếu tố thúc đẩy thu nhập từ phí lớn cho các ngân hàng Việt Nam trong 3 năm tới.

Có 3 cơ sở để UBS đưa ra nhận định này: Thứ nhất, mức độ thâm nhập bảo hiểm Việt Nam thấp nhất trong khu vực, Thái Lan chỉ mất 4 năm để đưa tỷ lệ doanh thu từ phí bảo hiểm/GDP từ 1,4% (năm 2007) lên 3% (năm 2011) nhờ yếu tố bancassurance, thời gian này với Việt Nam có thể rút ngắn hơn.

Thứ 2, các ngân hàng có lợi thế trong việc đàm phán phí hoa hồng cao từ các công ty bảo hiểm. Và thứ 3, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng mạnh, đặc biệt là phân khúc cho vay phương tiện đi lại, mảng bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Dư địa lớn từ bancassurance

Theo UBS, thu nhập tiềm năng từ bancassurance các ngân hàng có thể cao hơn 5 - 8 lần so với hiện tại nếu tỷ lệ thâm nhập bancassurance là 30% và doanh thu từ phí bảo hiểm/GDP đạt 3% trong 3 năm tới. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ 2021 đến 2025.

Đặc biệt, theo mục tiêu của Chính phủ, đến 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025, chỉ tiêu này là 15%. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến 2020 tối đa 3%, đến 2025 là 3,5%.

Còn theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, GDP của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ 6,0 - 6,2% mỗi năm cho đến năm 2025. Ngoài ra, hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 so với tỷ lệ 11% vào năm 2015. Theo đó, điều kiện kinh tế thuận lợi cùng với việc dân số trẻ với thu nhập tăng nhanh sẽ tạo ra dư địa phát triển mạnh cho mảng bảo hiểm. Nhu cầu tiết kiệm, đầu tư và sở hữu ô tô sẽ thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm cá nhân bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xe hơi.

Một báo cáo khác của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) gần đây cũng cho rằng, các công ty bảo hiểm đã cố gắng tiếp cận khách hàng thông qua việc mở rộng kênh phân phối bancassurance. Mặc dù không có dữ liệu chi tiết về bảo hiểm phi nhân thọ, VDSC nhận thấy phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đã tăng trưởng đáng kể với tốc độ hàng năm 84% trong giai đoạn 2016-2018.

“Tỷ trọng đóng góp của kênh ngân hàng vào tổng phí bảo hiểm nhân thọ đã liên tục mở rộng từ 5,9% trong năm 2016 lên 12% vào năm 2018 và 15,8% trong 9 tháng 2019. Trong khi đó, kênh này cũng chiếm 29% tổng phí bảo hiểm nhân thọ năm đầu tiên trong 9 tháng 2019, tăng từ 21% vào năm 2018 và 10% vào năm 2016”, VDSC đưa ra con số thống kê.

Cũng theo VDSC, hiện nay, do Việt Nam tỉ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp (chỉ 2,4% trong năm 2018), ngành bảo hiểm vẫn có cơ hội phát triển mạnh. Cùng với xu hướng tỷ trọng đóng góp của kênh bancassurance ngày càng tăng, thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của các ngân hàng sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Các ngân hàng khai thác bancassurance thế nào?

Có thể thấy, thời gian qua bancassurance đã trở thành một phần “trọng yếu” trong chiến lược tăng trưởng của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng định hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang bán lẻ. Theo đó, VIB và VPBank là hai ngân hàng có tăng trưởng thu nhập bancassurance so với cùng kỳ trên 100%, sau đó là TPBank, Vietinbank và MB.

Cụ thể, với VIB, sau khi ký hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential, thu nhập bancassurance đã tăng trưởng rất mạnh trong ba năm qua. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016. Tính đến 9 tháng đầu 2019, thu nhập bancassurance tại VIB tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ tới 145% so với cùng kỳ, chiếm trên 50% tổng thu nhập dịch vụ.

Trong khi đó, với VPBank, thu nhập dịch vụ tại ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu 2019 tăng trưởng tới 51,6% so với cùng kỳ, trong đó, thu nhập bancassurance tăng trưởng 32,3% so với cùng kỳ, chiếm 23% tổng thu nhập dịch vụ. Thu nhập bancassurance mở rộng chủ yếu nhờ việc phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên, theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA.

Ngoài VIB và VPBank, Vietcombank và ACB cũng là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm, nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019 (Vietcombank ký độc quyền với FWD vào tháng 11; ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9 và FWD vào tháng 12).

Cụ thể, đối với Vietcombank, trước đây hoạt động bancassurance chưa được đẩy mạnh tương xứng với vị thế và quy mô của nhà băng này. Tuy nhiên với hợp đồng độc quyền với FWD gần đây, Vietcombank có thể giải phóng tiềm năng tăng trưởng hoạt động này nhờ việc bán chéo cho tập khách hàng rộng lớn hiện nay của ngân hàng. Thương vụ ký kết hợp đồng hợp tác này nhiều khả năng cũng sẽ đem lại một khoản thu nhập bất thường lớn cho Vietcombank trong vài năm tới.

Trong khi đó, đối với ACB, thu nhập từ bảo hiểm đang dẫn dắt tăng trưởng thu nhập phí nói riêng và thu nhập hoạt động nói chung. Trong 9 tháng đầu năm 2019, ACB đã lọt vào top 7 các ngân hàng có thu nhập phí từ bancassurance cao nhất khi thu nhập từ mảng này tăng trưởng 250% so với cùng kỳ, lên 414 tỷ đồng, chiếm 29,3% thu nhập hoạt động…

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tín dụng đang ngày càng bị “siết” chặt, bancassurance chắc chắn sẽ trở thành ‘cứu cánh’ trong mảng thu dịch vụ của các ngân hàng, ít nhất là trong từ 1 - 3 năm tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại