menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: “Dự án mới của Formosa còn quá nhiều lo ngại về môi trường thì người dân có thực sự an tâm?“

Dự án còn nhiều sự lo ngại về quy hoạch, môi trường... thì liệu người dân có thực sự an tâm? Sự cố môi trường do Formosa gây ra năm 2016 khiến Trung ương và người dân vất vả. Bài học này không cho phép lặp lại.

PV: Thưa ông, Dự án mới của Formosa Hà Tĩnh đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của báo chí và dư luận thời gian gần đây. Điều đáng nói là, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học bày tỏ băn khoăn và đề nghị làm rõ sự phù hợp của công trình lò đáy quay (RHF) đối với chiến lược quy hoạch được phê duyệt và khả năng ứng phó với sự cố môi trường của dự án. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Đây có thể coi là “siêu dự án” thứ 2 của Formosa với tổng mức đầu tư cả trăm triệu đô la. Đặc biệt, một số hạng mục dự án có liên quan tới môi trường (xử lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nguy hại) cần phải được đánh giá cụ thể, bài bản, khoa học về sự phù hợp với quy hoạch và mức độ tác động môi trường của dự án…

Do đó, tôi cho rằng các chuyên gia, nhà khoa học không bỗng dưng đặt ra hàng loạt quan ngại xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường đối với dự án trên. Tất cả những vấn đề mà hội đồng thẩm định đã nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đều có lý do của nó.

Điều quan trọng là, cơ quan có thẩm quyền, đơn vị có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đó ra sao, để nếu dự án được chấp thuận triển khai và đi vào vận hành đảm bảo mức độ an toàn cao nhất. Vậy thì, cơ quan có thẩm quyền càng không thể chủ quan, hay làm qua loa khi thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với một dự án lớn như của Formosa. Sự cố môi trường do Formosa gây ra năm 2016 khiến Trung ương và người dân vất vả quá nhiều. Bài học đắt giá đó không cho phép chúng ta lặp lại sai lầm này một lần nữa.

Do vậy, trong vấn đề quy hoạch dự án mới của Formosa, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét ba vấn đề cơ bản.

Thứ nhất: Khi có ý kiến cho rằng, một số dự án công trình lò đáy quay RHF không phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 thì cần phải xem xét, đánh giá lại một cách nghiêm túc và trả lời công luận một cách công khai.

Thứ 2: Nếu lò đáy quay RHF có chức năng xử lý chất thải rắn (chất thải rắn bao gồm cả chất thải công nghiệp nguy hại - PV) nhưng trong quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì dự án xử lý chất thải của Formosa không được đề cập trong quy hoạch, thì lấy căn cứ nào cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/500 công trình lò đáy quay?

Thứ 3: Cần đánh giá cụ thể tác động của dự án đối với môi trường sống xung quanh, đặc biệt là công nghệ và khả năng ứng phó với sự cố môi trường đã được các chuyên gia cảnh báo.

Nếu cả vấn đề quy hoạch dự án, xử lý chất thải của Formosa và khả năng ứng phó với sự cố đều không đáp ứng được quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn mang tính khoa học thì nên cân nhắc việc chấp thuận chủ trương dự án cũng như việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Vấn đề này UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan cần làm rõ. Sự việc thu hút rộng rãi sự quan tâm của dư luận xã hội thì càng phải công khai, minh bạch.

Một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, theo điểm e, khoản 6, điều 1, Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thị xã Kỳ Anh đến năm 2035, Khu công nghiệp Formosa chỉ bao gồm bãi xỉ, nhà máy xử lý tái chế xỉ lò cao, không bao gồm dự án công trình lò đáy quay (RHF).

PV: Trong khi các chuyên gia, nhà khoa học vẫn còn quan điểm khác nhau về nội dung nêu trên, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án không lâu sau đó. Câu hỏi đặt ra là, liệu cơ quan này có vội vàng khi thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường khi đơn vị có trách nhiệm chưa giải trình một cách cụ thể ý kiến nhận xét của chuyên gia xung quanh các nội dung về quy hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Tôi chưa bàn câu chuyện nhanh hay chậm ở đây. Nhưng điều rất khó hiểu ở chỗ, tại sao khi dự án còn nhiều vấn đề băn khoăn về quy hoạch, công nghệ, ứng phó với sự cố môi trường, đặc biệt là có 02/14 ý kiến không đồng ý thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án … nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn thông qua báo cáo?

Các ý kiến phản biện của chuyên gia, nhà khoa học đã được tiếp thu và giải trình cụ thể ra sao? Việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong vùng ảnh hưởng của dự án được thực hiện như thế nào? Lãnh đạo bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường được Bộ trưởng giao trực tiếp phụ trách lĩnh vực này có dám cam kết về trách nhiệm quản lý, rằng nếu dự án đi vào vận hành sẽ đảm bảo an toàn về môi trường?

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: “Dự án mới của Formosa còn quá nhiều lo ngại về môi trường thì người dân có thực sự an tâm?“
Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Do vậy, cơ quan có trách nhiệm cần thận trọng khi phê duyệt dự án đặc biết đối với những dự án lớn có tác động tới môi trường, trên cơ sở tiếp thu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh đó, việc giải trình các vấn đề băn khoăn về quy hoạch đặc biệt là công nghệ và khả năng ứng phó với sự cố môi trường của dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án, nhưng nếu dự án đó không phù hợp với quy hoạch và không có biện pháp đảm bảo môi trường một cách tối ưu thì cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc việc có nên tiếp tục cho phép doanh nghiệp thực hiện các bước tiếp theo dự án này hay không.

PV: Sự cố môi trường biển năm 2016 đã gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường biển tại nhiều tỉnh Miền Trung, mà "thủ phạm" gây ra không ai khác chính là Formosa. Theo ông, đây có phải là bài học đắt giá trong vấn đề quản lý nhà nước giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, cẩn trọng hơn về dự án mới của doanh nghiệp này, thưa ông?

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Không ít lần lãnh đạo Chính phủ, nhất là Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rất rõ quan điểm rằng, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Điều này chứng tỏ rằng, vai trò của môi trường có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Sự cố xảy ra với môi trường biển năm 2016 từng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống ngư dân và các ngành nghề có liên quan và khiến xã hội bức xúc trở thành bài học đắt giá mà chúng ta – những thế hệ lãnh đạo kế cận không được phép chủ quan hoặc mắc sai lầm.

Do đó, đối với dự án của Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét, tiếp thu các ý kiến phản biện của chuyên gia, báo chí một cách khoa học, khách quan, toàn diện. Qua đó cũng để chứng minh cho người dân, cử tri thấy rằng, cơ quan có thẩm quyền đã làm hết trách nhiệm của mình theo quy định.

Hay nói cách khác, việc làm rõ sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch chung; các phương án ứng phó sự cố môi trường; công nghệ dự án… cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm rõ. Dự án mới của Formosa còn quá nhiều nhiều sự lo ngại về quy hoạch, môi trường thì liệu người dân có thực sự an tâm?

Với tư cách là Phó Ban dân nguyện Quốc hội (cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ông sẽ có ý kiến với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc này?

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng trước mắt, Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Formosa nên làm rõ các vấn đề còn băn khoăn nêu trên. Trường hợp những thắc mắc về quy hoạch và các vấn đề liên quan tới môi trường xung quanh dự án này không được cơ quan có trách nhiệm làm rõ, thì Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cần lưu ý vấn đề này. Trường hợp có kiến nghị của cử tri thì sớm gửi về Ban Dân nguyện để chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này./.

Sự im lặng khó hiểu!

Xung quanh vấn đề quy hoạch dự án mới của Formosa, đặc biệt là hạng mục lò đáy quay (RHF), BBT Tạp chí Bất động sản Việt Nam đã gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị làm rõ những vấn đề còn băn khoăn nêu trên, nhưng chưa nhận được phản hồi. Đại diện một số cơ quan có liên quan tới việc đánh giá tác động môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng không có phản hồi khi phóng viên liên hệ làm việc về vấn đề quy hoạch dự án này.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới dự án này, mặc dù trước đó phóng viên đã gửi câu hỏi và tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí. Trong khi đó, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho hay sẽ chỉ đạo rà soát lại quy hoạch theo thông tin phản ánh của phóng viên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3,570.00

-13.00 (-0.36%)

Biểu đồ mã Steel
4 Yêu thích
4 Bình luận 9 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại