menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Tiền không biết làm gì cứ đổ vào như thác, DN thua lỗ giá cổ phiếu vẫn tăng vun vút, điều gì đang xảy ra?

Thị trường chứng khoán “sôi sùng sục”.

Sau mấy phiên sụt giảm, 2 ngày qua thị trường chứng khoán chứng kiến phen “nổi sóng” khi dòng tiền đột ngột đổ vào khiến chỉ số VN-Index ngày 24/11 đạt mốc 1488 điểm và tiếp tục vượt đỉnh lịch sử tăng vượt mốc 1.500 điểm trong ngày 25/11

Thị trường sôi trào và liên tục biến động khó lường bởi nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn, lợi nhuận cao nhưng giá cổ phiếu lại giảm một cách bất thường, ngược lại có những doanh nghiệp kinh doanh bê bết nhưng giá cổ phiếu lại tăng mạnh khiến giới đầu tư trên thị trường đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán? Liệu hiện tượng này có lặp lại bong bóng chứng khoán giai đoạn 2007-2009 không?...

Thị trường bất thường: Doanh nghiệp càng lỗ giá cổ phiếu càng tăng…

Sau khi dòng tiền tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngày hôm qua, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng co lại khá nhanh.

Vào ngày giao dịch 24/11, trên cả ba sàn, toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá giúp chỉ số VN30 đóng cửa tăng tới 2,1%, mạnh hơn nhiều mức tăng 1,72% của VN-Index. Như TCB tăng 5,51%; STB tăng 6,84%; VPB tăng 2,9%; MBB tăng 6,92%; LPB tăng 6,29%....

Tuy nhiên chỉ sau 1 ngày, ngày hôm qua (25/11), dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng co lại khá nhanh, khối lượng nhà đầu tư chốt lời tăng. Theo đó, trong gần 30 mã ngân hàng trên cả 3 sàn, chỉ có 10 mã còn tăng, 14 mã giảm, trong đó 4 mã trên HoSE giảm khá sâu là BID giảm 0,98%, TPB giảm 1,02%, HDB giảm 1,49%, VIB giảm 1,34%.

Trái ngược với cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu ngành thép từ đầu tháng 11 này lại lao dốc mạnh, như: Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giảm 1,82%; HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 2,94%; NKG của Thép Nam Kim giảm gần 5%....

Điều đáng nói là, những doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp có vốn hóa lớn, có doanh nghiệp nằm trong rổ VN30-Index, như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, thế nhưng cả tháng nay, giá cổ phiếu này liên tục giảm.

Ngược đời nữa là vào tuần trước, bất chấp thị trường chung đỏ lửa, một số cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ lại có chuỗi mạnh mẽ.

Đơn cử như cổ phiếu PTC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng, từ một cổ phiếu gần như không có giao dịch, nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này tăng lên đến hàng trăm nghìn đơn vị, nhất là trong những phiên gần đây. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của PTC lâm vào bết bát khi 4 quý gần nhất doanh nghiệp này không ghi nhận bất cứ nguồn thu nào từ hoạt động kinh doanh chính.

Tương tự, cổ phiếu CMS của CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam cũng là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tháng vừa qua với 18 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 13 phiên tăng kịch trần. Mặc dù trước đó vào hồi tháng 4/2021, cổ phiếu CMS bị đưa vào diện bị cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 ghi nhận là con số số âm.

Rồi trường hợp cổ phiếu HUT của Tasco khi ghi nhận 7 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp, song cổ phiếu vẫn tăng gần gấp đôi chỉ sau ba tháng lên mức 15.300 đồng/cp vào phiên 19/11.

Tiếp nữa là cổ phiếu DIC của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng, mặc dù kết quả kinh doanh không khả quan, dòng tiền âm cộng với nhiều dự án bị dính thanh tra tuy nhiên giá cổ phiếu của doanh nghiệp này thời gian qua lại tăng mạnh, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2021, cổ phiếu DIC đã tăng 123% từ 30.700 đồng/cp lên 67.000 đồng/cp. Và trong tuần qua, cổ phiếu DIC cũng đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp.

Sẵn tiền không biết đầu tư vào đâu cứ "đổ" vào chứng khoán, cứ mua là thắng!

Lý giải hiện tượng doanh nghiệp càng lỗ giá thì cổ phiếu lại càng tăng, nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn dòng tiền đổ vào thị trường hiện nay hầu hết là đến từ các nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0).

Tiền không biết làm gì cứ đổ vào như thác, DN thua lỗ giá cổ phiếu vẫn tăng vun vút, điều gì đang xảy ra?
Sẵn tiền không biết đầu tư vào đâu, nhà đầu tư 'đổ' vào chứng khoán (ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư F0 tham gia thị trường ít để ý đến báo cáo tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ "ăn theo" tin đồn.

Các nhà đầu tư F0 chỉ đầu cơ theo kiểu “lướt sóng”, thường được “phím hàng” nên bất chấp xuống tiền mà không quan tâm đến việc cổ phiếu họ mua vào có dòng tiền tốt hay không, doanh nghiệp kinh doanh lời, lãi thế nào…

Hai tháng qua, tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm đầu cơ mặc dù được giới chuyên gia cảnh báo dòng tiền này khó bền. Điều đáng nói, không chỉ nhà đầu tư F0 mà cả những người có kiến thức cũng bị hiệu ứng chạy theo cơn sóng đầu cơ.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, chỉ trong 10 tháng năm 2021, có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, cao hơn tổng số tài khoản mở mới trong cả 4 năm từ 2017 - 2020. Trong 2 năm trở lại đây số lượng nhà đầu tư đã tăng từ 2,5 triệu lên 3,7 triệu. Đặc biệt, trong số hơn 3,86 triệu tài khoản được mở thì 99% tài khoản của nhà đầu tư trong nước còn khoảng 1% là của nhà đầu tư nước ngoài.

Không chỉ lượng nhà đầu tư trên thị trường tăng mà thanh khoản bình quân trong 10 tháng năm 2021 trên thị trường cũng đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020, ở mức gần 20.000 tỉ đồng/phiên. Thậm chí, đầu tháng 11 có những phiên phá sâu kỷ lục thanh khoản với mức 2 tỉ đô la/phiên.

Trước xu hướng đi lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư hiện nay có tâm lý cứ mua là chắc thắng, do đó rót tiền ồ ạt vào thị trường.

Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường khiến nhiều người phải thốt lên rằng, dòng tiền không biết để đi đâu cả, không biết để vào tài sản nào nên trước mắt sẽ đổ vào chứng khoán và sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.

Nhà đầu tư đang ném tiền vào canh bạc?

Trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trì trệ, thì việc thị trường chứng khoán tăng mạnh mẽ số lượng nhà đầu tư cộng với những phiên giao dịch “sốt sình sịch” bất chấp sự bất thường khiến các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cảnh báo rằng, thị trường đang khá hỗn loạn và đây là tín hiệu không tốt. Nhà đầu tư ném tiền vào thị trường khiến thị trường liên tục sôi trào chẳng khác nào nhà đầu tư đang mang tiền ném vào canh bạc với những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ sẽ khiến nhà đầu tư “ngã ngựa” khi nào không biết.

Tiền không biết làm gì cứ đổ vào như thác, DN thua lỗ giá cổ phiếu vẫn tăng vun vút, điều gì đang xảy ra?
Nhiều ý kiến lo ngại liệu thị trường có lặp lại kịch bản bong bóng chứng khoán thời 2007-2009 không?

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.

Theo ông Hiển, thị trường đang thiếu nền tảng cơ bản mà chủ yếu dựa trên quan hệ cung-cầu, người mua ở giá cao bán ra có lời thì sẽ kỳ vọng mua vào tiếp và bán ra với người mua khác ở giá cao hơn.

Cứ như vậy khiến giá sau cao hơn giá trước, nhà đầu tư chốt lời và mua tiếp cho đến một lúc nào đó giá đã quá cao đến mức phi lý, người mua chùn tay thì sẽ xuất hiện sự dao động, bán ra. Có người bán ra thì lại sẽ có nhiều người muốn bán ra, thị trường sẽ rớt mạnh vì không có nền tảng để người mua “bắt đáy”.

Dòng tiền đổ vào cuồn cuộn mua bán bất chấp khiến thị trường chứng khoán “sôi sùng sục”, nhiều ý kiến lo ngại liệu thị trường có lặp lại kịch bản bong bóng chứng khoán thời 2007-2009 không? Bởi vào đầu năm 2006, chỉ số VN-Index mới chỉ ở mức 300 điểm thì sau hơn 1 năm, vào tháng 3/2007, VN-Index đã gấp khoảng 3,9 lần. Lúc đó, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết thúc phiên ở mức 1.170,67 điểm. Và nếu như năm 2006, vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì năm 2007 đã lên tới hơn 40% GDP.

Theo chuyên gia tài chính chứng khoán Phan Dũng Khánh, tâm lý của nhà đầu tư đối với thị trường hiện này dường như đang lặp lại thời 2007 bởi giờ khắp nơi, ai ai cũng nói về chứng khoán. Và ông Khánh lưu ý nhà đầu tư rằng, những tài sản thường tăng dựng đứng đều dễ rớt cắm đầu.

Không riêng gì giới chuyên gia, đến cả lãnh đạo doanh nghiệp là ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC) và CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cũng phải thốt lên rằng, “khi đầu tư chứng khoán, ai chẳng muốn chọn doanh nghiệp tốt và thu được lãi vốn cao bởi vì doanh nghiệp tốt giống như tài sản đảm bảo cho khoản đầu tư của bạn. Bản thân tôi cũng mong muốn cổ phiếu và công ty có những bước tăng trưởng bền vững, đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho công ty và cổ đông. Nhà đầu tư nên nhìn vào giá trị bền vững của doanh nghiệp mà lựa chọn thay vì đầu cơ trong ngắn hạn”, ông Tùng đưa ra lời khuyên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
6 Bình luận 12 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại