menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vicente Nguyễn (Quân Sư Cá Mập)

Thị trường liên tục vượt đỉnh, tài khoản thì âm, bạn làm sai điều gì?

Chỉ số VN-Index liên tục vượt đỉnh và phá vỡ các rào cản tâm lý để tăng chạm đỉnh lịch sử 1.312,10 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của VN-Index kể từ khi thành lập. Có thể nói, chỉ số này đã đem lại cho nhà đầu tư những khoản lợi nhuận béo bở.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được lợi nhuận này, có rất nhiều nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay cầu mong ngày “vào bờ”. Vậy tại sao trong khi nhiều người ngồi nhìn tài sản gia tăng từng ngày bạn lại đắm đuối trong cục lỗ không ngày quay đầu, bạn đã làm sai điều gì? Sau đây là chia sẻ của ông Vicente Nguyen, Fund Manager của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang quản lý khoảng hơn 55 triệu USD.

Đầu tư theo hệ tâm linh

Thật sự thị trường đang ở một giai đoạn cực tốt khi kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh trở lại sau đại dịch Covid 19 trong năm 2020 làm cho GDP tăng trưởng chỉ có 2.9% trong năm ngoái. Dự kiến năm nay, GDP có thể tăng trưởng tầm 6-7% theo các tổ chức tài chính kinh tế quốc tế dự báo.

Như vậy rõ ràng, kinh tế tăng trưởng cao thì thị trường chứng khoán sẽ hưởng lây và giá cổ phiếu sẽ tăng theo đó là một thực tế. Về trung và dài hạn, các công ty cũng sẽ tiếp tục ăn nên làm ra và dự báo lợi nhuận tăng trưởng tốt. Cụ thể quý 1.2021, lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng đến 80% so với cùng kỳ.

Như vậy có thể thấy vn-index hiện đang trong chu kỳ tăng trong cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng sẽ hưởng lợi khi kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh, có nhiều công ty sẽ bị ảnh hưởng và phải chờ thời gian dài mới có thể phục hồi. Do đó, chúng ta nên chọn các công ty được hưởng lợi thậm chí là động lực phát triển của cả nền kinh tế. Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường mà chủ yếu là nhà đầu tư F0 đang đầu tư vào thị trường theo “hệ tâm linh”.

Đây là kiểu đầu tư mua một cổ phiếu nào đó dựa vào phím hàng của đội, nhóm, thậm chí là môi giới yếu nghề. Chỉ cần xin “3 chữ cái” cùng các rỉ tai ngọt ngào và tương lai xán lạn của của cổ phiếu, chỉ nhiêu đó đã đủ là cho các tay mơ F0 lao vào lấy lao vào để và sau đó hàng ngày thắp nhang cầu nguyện cho cổ phiếu tăng lên. Đây thực chất không khác gì là một kiểu đầu tư mù, một kiểu đánh bạc đúng nghĩa như kiểu trứng chọi đá hay châu chấu đá xe.

Thiếu hiểu biết

Các bạn mua cổ phiếu nhưng không hề biết một chút xíu kiến thức nào về công ty mà mình mua, thứ duy nhất mà bạn biết là nó có… 3 chữ cái. Đầu tư chứng khoán nó không đơn giản mua 1 và bán 2 hay mua 10 và bán 12-13, mà cần phải hiểu được rất nhiều về doanh nghiệp mà bạn mua. Bạn cần hiểu được doanh nghiệp đó làm trong lĩnh vực gì, kinh doanh gì, hiệu quả ra sao, triển vọng kinh tế và công ty ra sao? Liệu rằng công ty có được quản lý bởi những nhà quản lý tốt hay không hay ít nhất đó là cổ phiếu rẻ hay mắc.

Cũng như khi mua một cái điện thoại Iphone thì bạn có thể biết rằng nó rẻ hay mắc hay mua một lô đất, một cái nhà, một chiếc xe thì chúng ta đều phải tìm hiểu xem nó rẻ hay mắc. Một lý thuyết cực kỳ đơn giản tưởng rằng ai cũng biết và ai cũng làm nhưng cuối cùng chả ai theo đó là “Mua rẻ và bán mắc”. Đơn giản, tinh gọn nhưng 99% nhà đầu tư trên thị trường từ F0 cho đến Fn đều làm ngược lại, chỉ một số rất ít là làm được điều này. Bạn cần biết cổ phiếu mình mua là rẻ và mua tại mức giá thật rẻ có thể thì khi bạn bán mắc mới sinh ra lợi nhuận được.

Vấn đề là làm sao để biết nó rẻ và biết nó mắc? Giá bao nhiêu là rẻ và giá bao nhiêu là mắc? Để có thể trả lời được câu hỏi này đòi hỏi một sự nghiên cứu tìm hiểu cực kỳ sâu và trải qua thao trường đẫm máu trong nhiều năm trời, thậm chí là cả một thập kỷ thì mới có thể trả lời được. Riêng đối với các bạn F0 thì tôi chỉ đưa ra lời khuyên rằng, các bạn có thể sử dụng các chỉ số tài chính cơ bản là P/E, P/B và Dividend yield. Nếu một công ty tốt, tăng trưởng đều và khá, trong khi chỉ số P/E thấp (dưới 10) thì đó là một công ty rẻ, nếu nó dưới 7 thì đó là siêu rẻ, còn dưới 5 thì tất tay mà mua.

Đương nhiên cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp để chắc chắn rằng lợi nhuận đó là lợi nhuận thật và là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bình thường. Vì cũng không ít doanh nghiệp biến hóa, xào nấu báo cáo kế toán hoặc đơn giản lợi nhuận bất thường của một năm không do hoạt động kinh doanh chính thì khi đó các chỉ số P/E hay P/B hay Dividend yield cần xem xét lại cẩn thận. Tốt nhất, các bạn phải trao dồi kỹ lưỡng kiến thức của mình, học cái cần học, học đủ và đúng chứ đừng học sai và thừa. Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia phân tích, môi giới và nhà đầu tư có kinh nghiệm ít nhất 14 năm trở lên, đó là những người đã kinh qua cơn bão 2007 và còn tồn tại đến tận bây giờ.

Thiếu kiên nhẫn

Một trong những lý do các bạn thua lỗ triền miên đó là sự thiếu kiên nhẫn. Mua cổ phiếu tầm 1-2 tuần mà chưa thấy nhúc nhích là nản lòng, bán vội mua cổ phiếu khác. Khi đó vừa bán xong cái nó tăng vèo, hay mới thấy cổ phiếu giảm 5-7% đã lo lắng sốt ruột, vội cắt lỗ, rồi khi nó tăng trở lại thì lại bu vào mua lấy mua để. Cắt lỗ là khái niệm rất ư là phản khoa học trong đầu tư nếu mã cổ phiếu bạn mua là một công ty thực sự tốt và tại một giá thật sự rẻ. Bạn chỉ nên cắt lỗ khi bạn đã xem xét sai lầm cổ phiếu/công ty đó dẫn đến các xét đoán đều sai thì khi đó mới nên cắt. Nhưng cho dù cắt thì bạn cũng phải tìm hiểu thật kỹ trước khi ra quyết định, chứ không phải vèo vèo tay nhanh hơn não, bấm enter bán rẹc rẹc. Khi cổ phiếu tăng cũng vậy, mới tăng 10-20% là vội vàng chốt lãi. Đúng, chốt lãi kiểu gì cũng tốt hơn cắt lỗ. Nhưng để ăn trọn con sóng cổ phiếu thì bạn nên bán vào thời điểm ít nhất giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị thực của nó hoặc cao hơn giá trị thực của nó. Chứ mới thấy lãi 10-15%, xong cổ phiếu điều chỉnh nhẹ 2-3% cái bán vội. Rồi nó tiếp tục tăng mạnh, lại mua vào lại với giá cao hơn, sau mỗi lần như thế, giá thành của bạn lại tăng cao.

Thừa hoảng loạn

Kiên nhẫn thì thiếu, mà hoảng loạn thì thừa, chỉ thấy cổ phiếu lao đầu tầm 5-10% cộng thêm hàng loạt thông tin chim lợn, đội lái rủ rỉ, môi giới kề tai rót mật là ngay lập tức hoảng loạn như gà mắc thóc, bán vội vã bất chấp giá trị của cổ phiếu. Nếu các bạn mua vào một cổ phiếu đã là tốt và rẻ, thì nếu nó giảm thì các bạn nên xem xét mua thêm chứ không ai hoảng loạn đi bán cả, vì tôi nói cho các bạn biết, nếu một công ty tốt có chỉ số P/E khoảng 10 thì dù giảm nó sẽ quay lại, còn chỉ số P/E 7 thì chắc chắn sẽ quay trở lại và tăng cao, còn nếu chỉ số P/E có 5 thì đảm bảo không giảm sâu nổi và khả năng tăng 50-60% là thừa. Quên đi kiểu suy nghĩ cổ phiếu đang giảm thì không nên mua. Như tôi đã nói, nếu nó tốt và rẻ thật sự thì càng giảm càng mua mạnh, mua đến khi hết tiền thì thôi. Và chỉ bán khi nó tăng thôi. Đó là lý do vì sao 99% NĐT thua lỗ.

Ví dụ điển hình

Để tôi lấy một ví dụ điển hình cho các bạn xem. Ví dụ như cổ phiếu VPB, một cổ phiếu hót trên thị trường gần đây khi tăng gần 100% từ đầu năm. Thực chất khi đợt điều chỉnh trong tháng 1/2021, thì đó là lúc các bạn nên mua, vì lúc đó giá giảm và nguyên tắc giá giảm thì nên mua với những cổ phiếu tốt và định giá thấp.

Tại thời điểm tháng 1/2021, giá VPB chỉ khoảng 30.000 đồng/cp sau khi điều chỉnh, tại mức giá này P/E của một trong những ngân hàng tư nhân số 1 Việt Nam chỉ có 8 (vốn hóa khoảng 80k tỷ so với LNST năm 2020 là hơn 10k tỷ). Rõ ràng đây là cổ phiếu rẻ, cần mạnh tay mua vì xác suất bạn chiến thắng là rất lớn bất chấp nó có thể giảm tiếp thêm 10% hay 15% nữa. Giờ thì sự việc đã xong, giá cổ phiếu tăng hơn 100% từ đáy tháng 1/2021, có lẽ cũng ít nhà đầu tư nào mua vào tháng 1 và nắm tới tận bây giờ.

Nhiều khả năng là bán tại mức lãi 20-40%, gồng lắm thì cũng chỉ là 50-60%. Giờ đây, khi cổ phiếu đã tăng cao lên tận 68-70 thì chúng ta lại mua vào lấy để với đủ các lý do chim lợn, bầy đàn, thì rõ ràng xác suất lỗ cao hơn lãi rồi.

Tôi nói vậy không có nghĩa là VPB không thể tăng thêm, thậm chí tôi cũng không ngạc nhiên nếu nó lên 10x nhưng vấn đề nằm ở xác suất. Bản thân tôi cũng nắm cổ phiếu này và mua từ lúc rất thấp, nhưng cũng không bán và cũng không mua thêm vì nó cũng không rẻ và cũng chẳng mắc. Bán thì sợ lên tiếp xuống cũng không sao vậy tốt nhất là nắm giữ. Hầu hết chúng ta hành động theo cảm xúc chính là vì không có khả năng định giá được cổ phiếu của mình nắm giữ.

Có thể có nhiều bạn F0 thắng lớn nhờ vào lướt sóng, nhờ vào tư vấn đánh cổ, lái sóng của nhiều môi giới thích lướt và đầu cơ nhưng tin tôi đi, bạo phát thì bạo tàn, bạn có thể x4 x5 thậm chí 6-7 lần tài khoản trong 1 năm nhưng có thể mất mọi thứ trong một tháng bởi vì các lần trước bạn may mắn thôi.

Nhưng may mắn thì khó đến hoài, một cơn sóng có thể quét sạch thành quả là chuyện bình thường. Chỉ có xây dựng phương pháp đầu tư bền vững và am hiểu sâu sắc cách thức đầu tư của mình, kỷ luật và kiên định với nó mới giúp bạn thành công lâu dài và bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Vicente Nguyễn (Quân Sư Cá Mập)

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

6 Yêu thích
53 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại