menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Cúc

Thị trường chứng khoán: 'Đãi cát tìm vàng'

Lo ngại về khủng hoảng Nga - Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ của FED khiến đà đi lên của thị trường gặp khó. Diễn biến này đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự sàng lọc để tìm kiếm cơ hội.

Trong những năm gần đây, chứng khoán đã trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, tiếp cận nhiều lớp nhà đầu tư mới, đặc biệt là lớp nhà đầu tư có tuổi đời trẻ. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tính tới cuối tháng 2/2022, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là hơn 4,7 triệu, chiếm 4,7% dân số. Riêng tháng 2/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 210.883 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 16.000 tài khoản so với tháng đầu năm.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư, thậm chí cả các “tay mơ” đã thắng lớn trong 2 năm qua nhờ chọn đúng “điểm rơi” của thị trường. Đặc biệt sự lên ngôi của cổ phiếu đầu cơ trong năm 2021 khiến không ít nhà đầu tư nhìn thị trường bằng lăng kính màu hồng và cho rằng chứng khoán kiếm lời thật dễ. Tuy nhiên, thị trường gặp khó khăn kể từ đầu năm 2022, và tiếp tục gặp nhiều lực cản trước xung đột Nga - Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Trong phiên giao dịch 24/2, thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển khi Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thị trường trong nước cũng không phải ngoại lệ, chịu áp lực bán mạnh và có lúc giảm đến 40 điểm.

Kể từ đó đến nay, nhìn chung thị trường vẫn chịu áp lực bán rình rập và chưa xuất hiện xu hướng mới rõ ràng trong ngắn hạn. Các phiên giao dịch gần đây không mấy sôi động khi dòng tiền lớn chủ yếu vẫn đang lựa chọn đứng ngoài, trong khi nhà đầu tư cá nhân có xu hướng luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành có câu chuyện riêng.

“Cuộc chiến Nga – Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi mà Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm kim loại, phân bón, nông sản, dầu và khí đốt. Tâm lý quan ngại này đã đẩy giá các hàng hóa nói trên, vốn đang neo ở vùng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt hai năm đại dịch, một lần nữa tăng mạnh, thậm chí vượt đỉnh nhiều năm. Hoạt động đầu cơ theo giá hàng hóa đã đưa giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng nhanh và mạnh”, VDSC phân tích.

“Đãi cát tìm vàng”

Tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân Tích CTCK BIDV (BSC) nhấn mạnh diễn biến sideway hiện tại là đặc thù của thị trường bởi sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, cần có thời gian để dòng tiền trên thị trường tìm kiếm những cơ hội mới.

“Riêng giai đoạn này chúng ta có thể thấy nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới yếu tố nội tại trong nước nữa mà còn cả những yếu tố bên ngoài. Tôi nghĩ dòng tiền rất thông minh, luôn luôn tìm ra những cơ hội mới trên thị trường, nên việc luân chuyển giữa các nhóm ngành trong năm 2022 sẽ nhiều hơn và nhanh hơn so với năm 2021. Dòng tiền đó sẽ ngắn hơn và sẽ liên tục tìm kiếm những dòng cổ phiếu, những doanh nghiệp, những ngành mà trước đây chịu ảnh hưởng rất nhiều của dịch bệnh, sau đó bắt đầu phục hồi và đang đứng trước cơ hội hoạt động trở lại bình thường”, ông Long dự báo.

“Cơ hội luôn có sẵn nếu nhà đầu tư chịu khó sàng lọc và bỏ vốn vào các doanh nghiệp có tiềm năng ở điểm mua hợp lý” là lưu ý mà ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) đưa ra.

Theo ông Khoa, trong giai đoạn hiện nay, chiến lược hợp lý nhất vẫn là đầu tư theo sóng thay vì đầu tư trung-dài hạn, nguyên nhân là do những yếu tố bất định và khó lường như cơn bão lạm phát sắp tới, lo ngại FED tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine.

“Có khá nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến thị trường trong dài hạn, vì vậy năm nay vẫn là câu chuyện của dòng tiền, song cần tránh những cổ phiếu đầu cơ, thiếu yếu tố nội tại. Câu chuyện hiện nay đang đi theo diễn biến hàng hóa thế giới như giá dầu, xăng, nguyên vật liệu. Nhóm triển vọng thứ hai có thể liên quan đến những nhóm ngành mở cửa sau dịch như hàng không, lữ hành, du lịch, bán lẻ. Riêng với nhóm ngân hàng, đây vẫn là nhóm sẽ tăng trưởng trong năm 2022 bởi tỷ trọng lợi nhuận vẫn cao nhất trên sàn, song những ngân hàng quốc doanh sẽ có tiềm năng và tăng trưởng ổn định cao hơn”, ông Khoa cho biết.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam nhận định trong giai đoạn chỉ số đi ngang như hiện nay, cần tìm những nhóm ngành có xu hướng tăng giá, đầu tư những nhóm ngành này sẽ phù hợp cho cả vị thế ngắn, trung và dài hạn.

“Vận tải biển, dầu khí hoàn toàn là những nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể giải ngân và 1.470-1.520 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng cản tâm lý quan trọng”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại