menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoa Thanh

Tại sao nhiều quan chức “mắc kẹt” ở dự án 8.000 tỉ đồng TISCO II

Ngay sau khi Chính phủ “giải cứu” dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II (TISCO giai đoạn II), TBKTSG đã có cảnh báo về việc nâng tổng mức đầu tư gấp đôi và ưu đãi sẽ mang đến nhiều hệ lụy.

Nới lỏng tín dụng đầu tư tại TISCO ra sao?

Ngày 9/12/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về những sai phạm trong chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội), nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và những người có liên quan đến mức phải thi hành kỷ luật. Vụ án TISCO giai đoạn II đã bị khởi tố từ năm 2018.

Tại thời điểm tháng 8/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 64/NQ-CP, thống nhất với kiến nghị của Bộ Công Thương về giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đầu tư của nhà nước đối với dự án, giao Thủ tướng xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh. Nghị quyết này xuất phát từ kết luận cuộc họp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, đánh giá rằng dự án TISCO giai đoạn II có hiệu quả nên giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cấp 1.000 tỉ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương cho TISCO dưới dạng đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp.

Ngoài ra, văn bản kết luận cuộc họp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lúc ấy cũng đồng ý chấp thuận hàng loạt cơ chế điều chỉnh lãi suất tín dụng đầu tư, giao cho Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Vietinbank... cơ cấu lại nợ cho dự án. Đối với khoản tín dụng ODA lãi suất vay 0% mà Chính phủ vay của Trung Quốc về cho vay lại tiếp tục được cơ cấu lại nợ và cho vay tiếp giai đoạn II để giải cứu dự án với thời hạn vay 15 năm.

Tại thời điểm đó, dự án TISCO đã “đắp chiếu” được gần 2 năm và gần 4.000 tỉ đồng giải ngân thực tế đã biến thành nợ xấu từ tháng 7/2012, trước thời điểm dự án đề nghị tăng vốn từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng. Việc giải cứu dự án đã dấy lên những e ngại về sự can thiệp sâu của Chính phủ và nhiều bộ, ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là của công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh của cơ chế thị trường.

Cho dù TISCO được vay vốn ODA với lãi suất 0% từ giai đoạn ban đầu thì cũng không đồng nghĩa với việc Chính phủ phải trực tiếp can thiệp như vậy, vì TISCO chỉ là công ty con của Tổng công ty thép Việt Nam và nhà nước nắm chưa đầy 80% vốn tại TISCO tính đến thời điểm đó.

Sa lầy

Dự án nêu trên được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, với tổng mức đầu tư là 3.843 tỉ đồng, trong đó chủ đầu tư là TISCO có 10% vốn chủ sở hữu, 90% còn lại là đi vay. Mong muốn của dự án là sau 30 tháng đầu tư sẽ có năng lực sản xuất 500 ngàn tấn phôi thép/năm.

Dự án chỉ hoàn thành được gói thầu số 1 là khai thác và tuyển khoáng mỏ sắt Tiến Bộ (nguyên liệu để luyện phôi). Còn gói thầu số 1 (EPC 1) dây chuyền công nghệ luyện kim công suất 500 ngàn tấn năm thì đã dừng thi công từ tháng 12/2012 đến nay. Gói thầu này do Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá trúng gần 170 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên đến năm 2008, tổng thầu đề nghị tăng thêm giá trị gói thầu 134 triệu đô la nữa vì tình hình có nhiều biến động giá cá. Tuy nhiên, quá trình thi công giữa thầu chính - thầu phụ xảy ra nhiều vấn đề không thống nhất, dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và tổng thầu nên dự án đã dừng từ cuối 2012 đến nay. Vấn đề là khi tạm dừng, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu 93% giá trị thiết bị theo hợp đồng và giải ngân tổng số 3.872 tỉ đồng, cao hơn tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Đến tháng 3/2013, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để Hội đồng quản trị Tổng công ty thép Việt Nam tự chịu trách nhiệm về dự án và chủ đầu tư đề nghị tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng vì lý do biến động tỷ giá, lãi vay, chi phí... tăng. TISCO đã làm việc với nhiều ngân hàng nhưng trước sự bế tắc của dự án, nhất là khi tổng thầu đã rút về nước, các ngân hàng từ chối khiến việc huy động vốn khó khăn.

Tháng 9/2014, Chính phủ đồng ý cho SCIC góp 1.000 tỉ đồng vào dự án dưới hình thức mua cổ phần. Tuy nhiên, các bên đều từ chối giải ngân khoản 1.000 tỉ đồng này do vướng mắc giữa chủ đầu tư và MCC chưa được giải quyết.

Đến nay, dự án sau 14 năm ra quyết định đầu tư trở thành bãi phế liệu với khoản 4.000 tỉ đồng (chưa tính lãi vay, khấu hao...) biến thành nợ mất khả năng chi trả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại