menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

‘Tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga-Ukraine đến lạm phát Việt Nam là trọng yếu nhất’

Cuộc xung đột tại Ukraine có thể khiến các dự án năng lượng của Nga tại Việt Nam tiếp tục bị đình trệ nhưng rủi ro gián tiếp mới là thách thức lớn, theo VNDirect.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) cho rằng, xung đột Nga-Ukraine ít có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa cú sốc hàng hoá và nguy cơ chiến sự leo thang gây ra rủi ro “suy yếu tăng trưởng” ngày càng rõ nét, đặc biệt là ở Châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó, sự gia tăng lạm phát có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển vốn đang chưa phục hồi hoàn toàn do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí hậu cần sẽ gây tổn hại cho lĩnh vực sản xuất toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu.

Do đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, một mặt là kiềm chế lạm phát cao hiện nay, mặt khác, phải hỗ trợ nền kinh tế chống lại những tác động tiêu cực của xung đột Nga-Ukraine.

Đối với Việt Nam, nhóm phân tích của VND đánh giá tác động trực tiếp của cuộc xung đột Nga – Ukraine đối với nền kinh tế là không lớn.

Theo đó, Nga và Ukraine không phải là thị trường xuất khẩu chính cho bất kỳ sản phẩm nào của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài, tác động gián tiếp đến thương mại và nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn do nhu cầu từ EU và Mỹ chậm lại.

Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, VND cho biết, Mỹ và các nước thành viên EU chiếm khoảng 40% thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi các nước châu Á chiếm khoảng 48% thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine ít có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành sản xuất Việt Nam do nhập khẩu của Việt Nam từ các nước này chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (trong đó nhập khẩu chính là thép và than).

‘Tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga-Ukraine đến lạm phát Việt Nam là trọng yếu nhất’ ảnh 1

Các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam có thể tiếp tục đình trệ

Theo thống kê của VND, các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng và có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cụ thể, dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) của Power Machines (Nga) chậm tiến độ 2 năm do bị cấm vận, trong khi dự án nhiệt điện khí Quảng Trị (340MW) mà Gazprom (Nga) tham gia cũng chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu. Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) do liên danh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ) ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 4 năm 2021.

Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, hai dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong, đều đã được đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện 8. Trong khi Vĩnh Phong chưa được khởi công xây dựng thì dự án Long Phú 1 đang rơi vào cảnh “bế tắc” vì chưa lắp đặt được thiết bị.

Song, các dự án này thực tế đã bị trì hoãn từ những năm trước nên các biện pháp trừng phạt có tác động không đáng kể đến nền kinh tế.

Ngoài ra, các đối tác Gazprom và Zarubezhneft cũng đang tham gia các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), Dự án phát triển tổng hợp mỏ Báo Vàng tại Lô 111/04, 112, 113. Tuy nhiên, VND đánh giá, các dự án này đều có quy mô nhỏ, đang ở giai đoạn thăm dò, chưa triển khai. Do đó, việc ngừng khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của ngành.

Ẩn số lạm phát

‘Tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga-Ukraine đến lạm phát Việt Nam là trọng yếu nhất’ ảnh 2

Nhóm phân tích của VND nhận định, tác động lan toả của cuộc xung đột Nga – Ukraine đến lạm phát Việt Nam là trọng yếu nhất.

Cụ thể, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam trong khi giá phân bón và nông sản (lúa mì, ngô) tăng cũng gây áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của VND cho rằng, Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay thông qua việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Ngoài ra, Chính phủ có thể giảm giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như điện, học phí, hoặc phí dịch vụ y tế để giảm áp lực lạm phát.

Do đó, VND duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2022 của Việt Nam ở mức 3,45% so với cùng kỳ.

Mặc dù rủi ro lạm phát gia tăng là hiện hữu, VND giữ nguyên nhận định là NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt đến ít nhất là cuối quý 2/22 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại