menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Sức ép chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc tăng cao, Việt Nam có hưởng lợi?

Chủ đề rời bỏ Trung Quốc đang dần nóng lại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại đây. Nhiều doanh nghiệp coi Việt Nam là một điểm đến lý tưởng trong khu vực. Tuy nhiên, việc thay đổi vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có vẻ vẫn chưa mang nhiều tính thực tế.

Trung Quốc vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dù chiến lược zero Covid đang làm “nản lòng” nhiều doanh nghiệp tại đây.

Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đã cùng nhau phân tích thiệt-hơn khi di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến theo chiều hướng xấu.

Những cuộc thảo luận như vậy đang dần được hâm nóng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đề cập tới việc nhân sự của mình có thể dễ dàng di chuyển tới các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á, thay vì một Trung Quốc đang “bế quan tỏa cảng”. Một vài doanh nghiệp trong số đó còn chỉ ra đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh của Việt Nam chính là bằng chứng cho thấy nhiều chuỗi cung ứng đang dần dịch chuyển ra khỏi nền kinh tế số 2 thế giới.

“Đa dạng chuỗi cung ứng là một tham vọng không hề dễ dàng. Dù mọi người luôn nói về điều này, các hội đồng quản trị bàn thảo về chủ đề này rất nhiều, nhưng cuối cùng, họ lại thấy nó thật khó để có thể thực hiện”, theo Nick Marro, Trưởng nhóm thương mại toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit.

Khi các doanh nghiệp thảo luận vấn đề này trong năm 2020, lúc đó “Trung Quốc đã sẵn sàng mở cửa trở lại sau đợt bùng dịch tại Vũ Hán, còn Việt Nam và Malaysia lại đóng cửa biên giới của mình nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh”. “Hiện tại, vấn đề được quan tâm nhất đó là Trung Quốc sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh tay như thế nào trong bối cảnh phần còn lại của thế giới đã mở bung cánh cửa”.

Chiến lược zero Covid đã giúp nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng tốt trong năm 2020. Tuy nhiên, những biện pháp đó vẫn được áp dụng cho tới thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng tại Thượng Hải và nhiều địa phương trên toàn quốc.

Sức ép chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc tăng cao, Việt Nam có hưởng lợi?

Trung Quốc vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cúng ứng toàn cầu, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Getty.

Sự quan tâm “đặc biệt” tới Việt Nam

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 3,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, chậm nhất kể từ tháng 6/2020, theo dữ liệu thu thập bởi Wind Information.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam “nhảy vọt” 30,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ 2021. Trong tháng 3, xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này tăng 19,1%, theo dữ liệu từ Wind.

Sự quan tâm tới lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là “rất lớn”, Vishrut Rana, Chuyên gia kinh tế Global Ratings thường trú tại Singapore, chia sẻ. “Việt Nam đang nổi lên như cứ điểm cung ứng hàng điện tử tiêu dùng", ông nói.

Nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 đạt 33,26 tỷ USD, tương đương 1/8 tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong cùng tháng đó.

“Từ quan điểm của Trung Quốc, việc một số doanh nghiệp rời đi là không đủ để thay đổi vai trò của quốc gia này trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Rana chia sẻ. “Trung Quốc vẫn sẽ là trung tâm sản xuất hàng điện tử lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Dòng vốn đầu tư vẫn chảy vào Trung Quốc

Trong 4 tháng đầu năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tăng 26,1% đạt 74,47 tỷ USD, theo thông tin từ Bộ Thương mại. Cũng trong giai đoạn này, vốn đầu tư từ Đức tăng 80,4%, trong khi nguồn vốn từ Mỹ tăng 53,2%.

Ngược lại, FDI vào Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1-4/2022 đạt 3,7 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu của Wind. Vốn đầu tư từ Mỹ giảm 14%.

“Rất khó để một quốc gia nào khác có thể đạt được quy mô chuỗi cung ứng lớn như tại Trung Quốc”, Rana chia sẻ. Chỉ những chuỗi cung ứng đặc thù, như chip bán dẫn và linh kiện điện tử, có thể dễ dàng dịch chuyển sang Việt Nam hoặc một số quốc gia khác, ông bổ sung.

Sự lớn mạnh của hệ thống chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, vốn đã được xây dựng trong nhiều năm, còn có thể hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.

Ví dụ điển hình là Shein. Được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư như Sequoia Capital China, công ty này đã kết hợp phân tích dữ liệu lớn và mạng lưới chuỗi cung ứng của mình tại Trung Quốc để vươn lên trở thành một "ông lớn" thương mại điện tử quốc tế trong lĩnh vực thời trang nhanh chi phí thấp.

“Lợi thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc được tạo dựng không chỉ dựa trên chi phí lao động”, theo James Liang, thành viên Ban quản trị tại Skyline Ventures.

Theo phân tích của ông, chi phí lao động đóng góp ít nhất 20% vào giá thành sản phẩm các doanh nghiệp may mặc và nội thất. Trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, chi phí lao động chỉ chiếm 5%.

Lợi thế của Trung Quốc là một trung tâm chuỗi cung ứng, tại đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao mức độ hiệu quả thông qua việc tích hợp tất cả các nhà cung cấp vào một hệ thống điện tử.

Ông cho biết quỹ của mình đã đầu tư 5 triệu USD vào một doanh nghiệp sản xuất nội thất có tên Povison. Công ty này đang triển khai mô hình kinh doanh tương tự Shein. Kế hoạch đầu tư bổ sung hiện đang tạm dừng vì những quy định phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Do dự

Các quy định phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt gần đây đã làm suy giảm khả năng vận chuyển hàng hóa trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, trong khi đó, nhiều nhà máy tại khu vực Thượng Hải phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Trung Quốc vẫn duy trì chính sách cách ly từ 2-3 tuần đối với người nhập cảnh nếu như họ may mắn đặt được vé trên một trong số rất ít các chuyến bay tới quốc gia này.

Di chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc không phải là điều dễ dàng, nhưng “kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy dòng đầu tư vào Trung Quốc trong tương lai có xu hướng giảm, trong khi nguồn vốn đầu tư vào Đông Nam Á sẽ tăng lên”, theo Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng việc di chuyển tới các quốc gia như Singapore dễ dàng hơn nhiều so với Trung Quốc.

Sức ép chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc tăng cao, Việt Nam có hưởng lợi?

Tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ảnh: Getty.

Liên quan tới những biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh tay, khoảng 23% trong tổng số 372 doanh nghiệp được khảo sát bởi Phòng Thương mại châu Âu cho biết họ đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc trong tương lai sang một số thị trường khác.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 77% trong số đó không hề có ý định này. Một cuộc khảo sát khác đối với các doanh nghiệp Mỹ cũng cho ra kết quả tương tự.

Những kết quả trên cho thấy “nhiều doanh nghiệp không muốn rời khỏi thị trường Trung Quốc, nhưng họ cũng đang do dự không biết phải làm gì”, theo Marro.

“Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy chán nản đối với chiến lược zero Covid, nhưng họ cũng không muốn rời khỏi thị trường mà họ đã gắn bó trong nhiều năm chỉ vì một sự kiện mang tính thời điểm”, ông nói.

Ngay cả những doanh nghiệp như Starbucks, vốn bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch, cũng cho biết họ kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ phát triển mạnh hơn so với Mỹ trong dài hạn.

Nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ bắt đầu nới lỏng chiến lược zero Covid sau khi quá trình cải tổ bộ máy nhà nước hoàn tất trong mùa thu năm nay.

Khi được hỏi về kết quả cuộc khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ nhấn mạnh tác động toàn cầu của đại dịch tới các chuỗi cung ứng. Bộ này cho biết Trung Quốc sẽ cải thiện các dịch vụ đầu tư nước ngoài và gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp tới đây đầu tư.

“Tái định hình lại các chuỗi cung ứng là mục tiêu không hề dễ dàng”, theo Stephen Olson, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tới từ Hinrich Foundation.

“Tất nhiên, điều đó sẽ xảy ra nếu như các lệnh phong tỏa được áp dụng trong một khoảng thời gian dài”, ông nhận định. “Trong trường hợp đó, các công ty sẽ phải đối diện với áp lực thay đổi mạng lưới cung ứng của mình, và những lợi ích kinh tế và thương mại của quá trình này phải lớn hơn so với khi ở lại”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại