menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hà My

‘Sếp’ Tổng cục Quản lý thị trường: Việt Nam còn 4 cam kết về sở hữu trí tuệ chưa tuân thủ EVFTA

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho hay pháp luật Việt Nam đã khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về sở hữu trí tuệ nhưng vẫn còn 4 vấn đề chưa tuân thủ.

Theo ông Linh, chế định về sở hữu trí tuệ là một trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ tác động trực tiếp và lớn tới thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam.

Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.

Ông cho biết EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, vì thế cũng có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.

Về phía mình, Việt Nam cũng muốn có không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Do đó không phải ngẫu nhiên mà vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, trở thành một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA; chương Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn hiệp định.

Ông Linh cho hay pháp luật Việt Nam hiện nay đã khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về sở hữu trí tuệ, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tới các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới.

Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức thực hiện bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trong tác phẩm.

“Những quy định trong EVFTA không chỉ đòi hỏi thay đổi pháp luật mà còn có thể mang đến những thách thức thực thi cho Việt Nam (đặc biệt là về mặt năng lực thực thi của các bên liên quan) ít nhất là trong ngắn hạn”, ông Linh nhận định.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự. Tuy nhiên trên thực tế, ông Linh cho rằng việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự hiệu quả, hầu như chỉ có các biện pháp hành chính được thực hiện mà hiệu quả của biện pháp hành chính còn tương đối hạn chế.

Nguyên do là có nhiều lực lượng tham gia như hải quan, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, công an kinh tế nhưng lại không xác định rõ ràng cơ quan nào làm đầu mối, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan với nhau.

Trong khi đó, biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của ngành tòa án, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục ngàn vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Số lượng các vụ xâm phạm quyền bị xử lý về hình sự cũng không nhiều (thụ lý 21 vụ với 33 bị cáo).

Thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều dược xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp.

Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh hoặc tiêu hủy hàng hóa, phương tiện kinh doanh vi phạm…

“Một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của nước ta hiện nay chính là hiệu quả hoạt động thực thi còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp tư pháp”, ông Linh nói.

Ông Linh cho rằng để cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, trong thời gian tới cần thực hiện 5 biện pháp.

Một là xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chương trình hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Mối gắn kết lỏng lẻo giữa cơ quan thực thi thuộc các bộ, ngành, địa phương khác nhau là một trong các nguyên nhân cản trở quá trình xây dựng pháp luật cũng như thi hành pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

“Chính phủ cần đưa ra chương trình hành động quốc gia cụ thể trong từng năm cho hoạt động và thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, ông Linh đề xuất.

Biện pháp thứ hai là nâng cao năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ và năng lực thực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng. Bên cạnh đó là xây dựng chương trình trợ giúp các chủ thể quyền, các hiệp hội ngành nghề về chiến lược, kỹ năng phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi quyền trong phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm.

Ba là tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động.

Bốn là đổi mới, nâng cao việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ; vận động người tiêu dùng chủ động tham gia phòng chống gian lận thương mại, hàng giả…

Năm là tận dụng một cách có hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện tại và tương lai cho cơ quan thực thi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại