menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Giang

Sau chuỗi ngày lao dốc, giải pháp của UBCK có giúp thị trường hồi phục?

Ở thời điểm hiện tại, không ai dám lý giải vì sao diễn biến của thị trường không tuân theo quy luật nào, các phân tích cơ bản lẫn phân tích kỹ thuật đều không chính xác.

Việc Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước sẽ công bố thông tin giao dịch tự doanh, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30 để ổn định thị trường sau các phiên lao dốc được cho là những giải pháp trước mắt, nhằm ổn định thị trường chứng khoán sau chuỗi phiên giảm dài gần đây.

Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - chuyên gia với gần 20 năm trong ngành chứng khoán.

Ông Phương cho hay, hành động này của UBCK Nhà nước khá kịp thời, hợp tình hợp lý để can thiệp, bảo vệ nhà đầu tư chống lại các hành vi trục lợi trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Sau chuỗi ngày lao dốc, giải pháp của UBCK có giúp thị trường hồi phục?
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam. Ảnh: CTV

-Trong bối cảnh TTCK liên tục lao dốc thời gian qua, ông đánh giá sao về hành động kịp thời của UBCK Nhà nước khi đưa ra các giải pháp trên?

Thứ nhất, về mặt ý nghĩa những giải pháp này đồng nghĩa với sự nhắc nhở, cảnh cáo, cũng như lưu ý đối với những cá nhân, tổ chức có ý đồ lợi dụng kẽ hở của các sản phẩm phái sinh; kẽ hở của các công thức tính toán để mà chuộc lợi.

Tóm lại, về mặt ý nghĩa, cơ quan quản lý chứng khoán đã phát ra thông điệp "chúng tôi biết tất cả, chúng tôi đang hành động".

Thứ 2, về mặt thực tiễn thì cơ quan quản lý nhà nước, UBCK đã họp bàn, tính toán kỹ và dựa trên các số liệu, thông số từ các Sở giao dịch… và đưa ra quy định mới. Quy định mới này đã tính lại giá của hợp đồng đáo hạn và công thức này có vẻ phù hợp trong các vấn đề như: Vừa đảm bảo yêu cầu của việc tính giá đáo hạn của hợp đồng sao cho nó gần với các quy chuẩn quốc tế nhất; đồng thời cũng chống lại việc trục lợi dựa trên công thức cũ và để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

-Với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực chứng khoán, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các giải pháp này?

Tôi nghĩ còn phải xem diễn biến sắp tới sẽ như thế nào. Vì thực sự mà nói với những người sẵn sàng "bày binh bố trận", tìm kẽ hở để trục lợi thì họ sẽ tìm cách này hoặc cách khác, tìm kiếm thêm sơ hở nữa chứ không thể nào khẳng định bất cứ một giải pháp nào là tuyệt đối cả.

Tuy nhiên, theo tôi trong ngắn hạn, cực kỳ ngắn hạn thì đây là một hành động rất quyết liệt và nhanh chóng của UBCK Nhà nước.

Thực tế, không ai ngờ việc lợi dụng kẽ hở của các sản phẩm phái sinh để gây ảnh hưởng đến thị trường cơ sở. Dĩ nhiên, trước đó có các quan điểm thị trường cơ sở chưa hấp dẫn và nhà đầu tư chuyển qua thị trường phái sinh để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn, dùng đòn bẩy tài chính cao với số vốn ít để tìm kiếm lợi nhuận nhanh… Những vấn đề này có thể chấp nhận được, nhưng yếu tố lợi dụng thị trường phái sinh để gây thiệt hại cho thị trường cơ sở thì nói thật, không ai ngờ được có chiêu trò như vậy.

Cho nên, tôi nghĩ cần phải có thời gian để đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp này.

-Còn việc bắt buộc công bố thông tin mảng tự doanh của các công ty chứng khoán, theo ông có tác động tích cực hơn với thị trường hay không?

Theo tôi, việc này cũng khá tích cực về mặt ý nghĩa.

Thứ nhất, khi các công ty chứng khoán mua vào thì rõ ràng cũng tạo một niềm tin cho nhà đầu tư cá nhân. Tại vì công ty chứng khoán mua vào thì cũng là một nhà đầu tư chuyên nghiệp mua, nên nhà đầu tư cá nhân cũng có kênh tham khảo để quyết định mua vào hay không.

Thứ hai, khi công ty chứng khoán bán ra thì nhà đầu tư cá nhân cũng phản ứng theo. Điều này sẽ mang tính ngược lại, nghĩa là hơi có tính tiêu cực.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, không phải công ty chứng khoán nào cũng hành xử như nhau. Tôi ví dụ, trong top 5 công ty chứng khoán đứng đầu thị trường, công ty A bán nhưng công ty B lại mua vào. Nói chung, tùy theo quan điểm của ban thẩm định thị trường, quan điểm đánh giá tình hình thị trường, đánh giá tình hình doanh nghiệp.

Rồi trong các công ty chứng khoán, có thể công ty này mua cổ phiếu A, B, C; công ty khác lại mua cổ phiếu D, E, F… Cho nên, việc công bố thông tin này chỉ là giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Và trong bối cảnh hiện nay, việc này giúp cho nhà đầu tư bình tâm hơn.

Sau chuỗi ngày lao dốc, giải pháp của UBCK có giúp thị trường hồi phục?
Sắp tới các công ty chứng khoán sẽ phải công bố mảng tự doanh, thêm kênh tham khảo cho nhà đầu tư. Ảnh: SSI

Thông thường, mảng tự doanh ở các công ty chứng khoán sẽ không bán tống, bán tháo nhưng họ mua hay bán đều có chiến lược khá nhẹ nhàng. Cho nên, khi mảng tự doanh của các công ty chứng khoán bán ra thì cũng mang hình ảnh nhẹ nhàng. Và nhà đầu tư có quyền lựa chọn bán ra theo công ty A, hay mua vào theo công ty chứng khoán B.

Về mặt ý nghĩa thì việc công bố thông tin tự doanh cũng giúp bổ sung một "kim chỉ nam" để nhà đầu tư "nương theo" chứ bây giờ thực sự nhìn vào thị trường thì nhà đầu tư cũng bối rối.

-Trên các kênh truyền thông, cũng có nhiều chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư theo hướng này hay hướng kia trong bối cảnh thị trường chứng khoán "rối ren" như vừa qua, ông đánh giá thế nào?

Tôi đánh giá không cao các ý kiến này. Nói thật, có chuyên gia thì nhận định thị trường quá tiêu cực, thị trường có thể về 950 điểm luôn mà lý do thì không biết tại sao; có chuyên gia thì lại nói "bâng quơ" rằng thị trường phải chiết khấu thêm 30-40%…

Chính vì vậy, nhà đầu tư không biết nghe ai. Cho nên mảng tự doanh của các công ty chứng khoán có số liệu để cho nhà đầu tư nhìn thấy, và số liệu này là không nói dối được.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay thì việc công bố thông tin tự doanh có ý nghĩa lớn, đặc biệt trong lúc nhà đầu tư không biết phải định hướng thị trường thế nào.

-Theo ông đánh giá, nếu thông tin tự doanh được minh bạch, công khai, thị trường sẽ ra sao?

Với việc công bố thông tin tự doanh, dĩ nhiên có những công ty chứng khoán hoạt động, tự doanh rất bài bản, chuyên nghiệp. Nhưng bên cạnh đó cũng không tránh khỏi một số công ty chứng khoán có những ý đồ gì đó, cách kinh doanh cũng theo một mục đích nào đó.

Ví dụ trong những đợt thị trường bị bán tháo, họ cũng bán tháo theo; hoặc đẩy mạnh mua vào một cổ phiếu nào đó mà không có mục đích chính đáng nào… lúc đó nhà đầu tư sẽ nhận ra, cơ quan chức năng sẽ nhận ra và có biện pháp xử lý. Vì vậy, tôi nghĩ việc minh bạch thông tin tự doanh này là hợp lý.

Tại sao tôi nhấn mạnh việc này, vì sau sự việc của FLC, của nhóm cổ phiếu họ Luis thì các cơ quan chức năng cũng phát hiện ra một vài công ty chứng khoán cũng tham gia vào việc đẩy giá, thổi giá… Chính việc minh bạch thông tin này sẽ khiến cho các công ty "núp lùm", làm bậy sẽ bị phơi bày ra ánh sáng và việc này cũng giúp bảo vệ nhà đầu tư nhiều hơn!.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
19 Yêu thích
39 Bình luận 44 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại