menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
My Lăng

Phiên chiều 5/11: Dòng tiền ngập ngừng, VN-Index vẫn chinh phục đỉnh cũ

Sau 2 phiên bùng nổ, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trong phiên giao dịch hôm nay (5/11) khiến thị trường rung lắc. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của một vài mã lớn, VN-Index vẫn duy trì sắc xanh và chinh phục được đỉnh cũ xác lập hồi tháng 10/2018.

Trong phiên giao dịch sáng, sau hơn 30 phút giằng co, VN-Index đã bứt mạnh qua đỉnh cũ 1.024 điểm xác lập hồi tháng 10/2018. Tuy nhiên, đây đang là ngưỡng cản mạnh của thị trường, nên khi VN-Index vượt qua mốc 1.026 điểm, lực cung chốt lời gia tăng, đẩy chỉ số này lao thẳng xuống dưới tham chiếu trước khi kịp trở lại có sắc xanh nhạt khi chốt phiên.

Bước vào phiên chiều, sự thận trọng được cả bên bán và bên mua đề cao. Trong khi bên mua không dám quyết liệt xuống tiền vì sợ lực cung chốt lời, thì bên bán cũng không muốn bán giá thấp, nên VN-Index giằng co nhẹ quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng với giao dịch chậm hơn phiên hôm qua. Số mã giảm vẫn nhiều hơn số mã xanh, trong đó một số mã khởi sắc hôm qua như VCB, FLC đã đảo chiều giảm.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của một số mã lớn như VHM, GAS, TCB, VRE, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và đóng cửa chinh phục được ngưỡng kháng cự mạnh 1.024 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 1,91 điểm (+0,19%), lên 1.024,34 điểm với 161 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 199,4 triệu đơn vị, giá trị 4.565,6 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27 triệu đơn vị, giá trị 902,5 tỷ đồng.

Như đã đề cập, sau phiên khởi sắc hôm qua, VCB đã chịu áp lực chốt lời mạnh hôm nay nên quay đầu giảm 1,3% xuống 90.800 đồng với 0,6 triệu đơn vị được khớp. Bên cạnh đó, VIC tiếp tục giảm nhẹ 0,16% xuống 121.500 đồng và VNM cũng giảm tiếp 1,6% xuống 129.200 đồng, mức thấp nhất ngày với tổng khớp 1,88 triệu đơn vị.

Ngoài ra, MSN, CTG, MBB, NVL, MWG cũng quay đầu giảm giá, trong đó MBB khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, CTG khớp 2,66 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VHM sau phiên hạ nhiệt hôm qua đã lấy lại đà tăng tốt hôm nay với mức tăng 1,98% lên 97.900 đồng, khớp 1,84 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, GAS cũng tăng tốt 1,42% lên 107.000 đồng, khớp 0,62 triệu đơn vị. BID giữ được đà tăng nhẹ 0,71% lên 42.500 đồng, cũng là mức giá cao nhất ngày, khớp gần 0,9 triệu đơn vị. TCB tiếp tục tăng 1,64% lên 24.750 đồng với 2,66 triệu đơn vị. Đặc biệt, VRE đảo chiều tăng mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh hôm qua. Chốt phiên, VRE tăng 2,01% lên 35.600 đồng với 4,24 triệu đơn vị được khớp.

Cũng có mức tăng là nhẹ dưới 1% là VJC, PLX, HPG, VPB, BVH, STB, trong khi EIB tăng mạnh 5,45% lên 17.400 đồng. Trong đó, HPG khớp 5,5 triệu đơn vị, VPB khớp 2,8 triệu đơn vị, STB khớp 4,4 triệu đơn vị.

Trong các cổ phiếu thị trường, sau phiên khởi sắc hôm qua với lượng dư mua trần lên tới cả chục triệu đơn vị, FLC duy trì đà tăng tốt khi mở phiên sáng nay, nhưng sau đó lực cung gia tăng đã đẩy mã này điều chỉnh. Đóng cửa, FLC giảm 2,29% xuống 4.700 đồng với 12 triệu đơn vị được khớp, vẫn đứng sau người anh em ROS.

ROS vẫn duy trì sắc đỏ quen thuộc như các phiên gần đây, nhưng luôn được kéo trở lại trong cuối phiên đã chỉ còn mức giảm nhẹ nhất. Chốt phiên, ROS giảm 0,4% xuống 25.000 đồng, cũng là mức giá cao nhất ngày với tổng khớp 27,9 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu khác cũng có giao dịch sôi động hôm nay là AAA với 5,84 triệu đơn vị được khớp, đứng sau cặp ROS - FLC. Tuy nhiên, AAA có diễn biến giá tích cực khi đóng cửa tăng 1,6% lên 15.900 đồng.

Hôm nay cũng có một số mã có sắc tím khi đóng cửa như GTN, VRC, DRH, NVT, L10…

Trên HNX, chỉ số chính của sàn này giằng co nhẹ quanh tham chiếu và nhờ sự hỗ trợ của nhóm HNX30 cuối phiên, nên vẫn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,1%), lên 106,71 điểm với 53 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,3 triệu đơn vị, giá trị 407,8 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 12,2 tỷ đồng.

ACB không giữ được sắc xanh khi chốt phiên do áp lực chốt lời gia tăng. Chốt phiên, ACB đóng cửa ở mức giá tham chiếu 24.600 đồng với 3,58 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 trên sàn HNX sau PVS.

PVS khớp 5,57 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,21% lên 19.300 đồng. Cũng có mức tăng tốt như PVS là VCS với mức tăng lên tới 5,09% lên 90.900 đồng, mức cao nhất ngày với 0,7 triệu đơn vị được khớp. VCG cũng tăng 0,75% lên 27.000 đồng với gần nửa triệu đơn vị được khớp.

Tương tự ACB, SHB cũng chỉ đóng cửa ở mức tham chiếu 6.700 đồng với 2,86 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, NVB quay đầu điều chỉnh khi giảm 1,08% xuống 9.200 đồng với 0,84 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi họ hàng của FLC là ART và KLF sau phiên khởi sắc hôm qua đã quay đầu giảm sàn hôm nay. Trong đó ART giảm xuống 2.100 đồng với 1,22 triệu đơn vị sau thông tin bị UBCK “tuýt còi”, còn KLF giảm sàn xuống 1.300 đồng với 0,7 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.

Trên UPCoM, dù giao dịch trong sắc đỏ gần như suốt phiên chiều, nhưng chỉ số này lại may mắn kịp chớm xanh khi chốt phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,03%), lên 56,61 điểm với 90 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10 triệu đơn vị, giá trị 252 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 94,8 tỷ đồng.

Cũng giống như phiên hôm qua, BSR tiếp tục là mã duy nhất trên thị trường này có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng về giá không được như hôm qua khi đóng cửa ở mức tham chiếu 10.000 đồng với 2,14 triệu đơn vị được khớp.

UPCoM-Index thoát sắc đỏ hôm nay nhờ sự hỗ trợ cuối phiên của nhóm cổ phiếu họ Viettel, cùng một vài mã lớn khác như SDI, VGT.

Trên thị trường phái sinh, cũng như phiên hôm qua, toàn bộ các hợp đồng tương lai VN30 đều tăng điểm hôm nay, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn nhiều phiên hôm qua. Trong đó, mã VN30F1911 đáo hạn ngày 21/11 tăng 0,11% lên 938 điểm với 48.988 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 21.111 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, phiên hôm nay sắc đỏ chiếm thế chủ đạo với mã 25 giảm, trong khi chỉ có 12 mã tăng và 4 mã đứng giá. Trong đó, CHPG1906 vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 912.420 đơn vị và đóng cửa ở tham chiếu 30 đồng và khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh 786.020 đơn vị.

Tiếp đến là CVNM1901 với 602.060 đơn vị, đóng cửa giảm 17,07% xuống 340 đồng và khối ngoại cũng bán ròng mạnh 196.410 đơn vị.

Các mã khác tăng giá và có thanh khoản cũng tương đối tốt là CTCB1901 tăng 3,6% lên 1.720 đồng, khớp 352.180 đơn vị. CVRE1902 tăng 8,43% lên 1.800 đồng, khớp 245.890 đơn vị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại