menu
24hmoney

Bài của Hồ Anh Tài

Việt Nam hiện là đối tác thương mại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có độ mở kinh tế cao. 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đang đàm phán và đã triển khai, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA,… là cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường này.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của cả nước, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga- Ukraine và giá dầu thế giới tăng, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao càng làm cho chi phí xuất nhập khẩu gia tăng. Chi phí xuất nhập khẩu tăng cao làm nhiều doanh nghiệp không đủ lực để cạnh tranh.
Theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, ngoài nguyên nhân giá xăng dầu tăng, dịch Covid-19... còn do cơ quan nhà nước chồng chéo trong quản lý, văn bản ban hành chưa sát thực tế; nhiều doanh nghiệp chưa am hiểu, chưa thay đổi phương thức ký kết hợp đồng; không tận dụng hết lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do.
Theo ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cần áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, Hải quan và các cơ quan liên quan (trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm Hải quan miễn phí); cũng như đề nghị Tổng cục Hải quan cần tăng cường đại chúng hóa đào tạo đại lý khai thuế Hải quan; tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ của đại lý Hải quan vì đây là xu hướng đã được thế giới chứng minh…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG nêu kiến nghị các giải pháp nhằm tạo thuận lợi, kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Trong đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn thông tin về hãng vận tải hàng không chuyên dụng IPP Air Cargo do IPPG sáng lập, theo đó, hãng đang được các cơ quan chức năng xem xét trình Chính phủ cấp phép, ông cũng nêu kỳ vọng về việc góp phần kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhờ việc ra đời của IPP Air Cargo…
Đáng chú ý, bên lề tọa đàm, Chủ tịch IPPG thông tin vừa nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Bellazio Logistic ngày 5/4.
Công ty cổ phần Bellazio Logistic hoạt động chính trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế bằng đường hàng không và tàu biển, đầu tư kho bãi. Vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng với sự góp vốn của 6 nhóm cổ đông lớn: IPPG, Sasco, Viettel Post, Vietnam Post, Bellazio Trading Online và IPP Air Cargo.
Công ty này ra đời nhằm chuẩn bị hạ tầng, giúp hàng hóa đến sân bay có thể rời cảng sau 15 phút và tỏa đến các tỉnh thành nhanh nhất, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Người đại diện pháp luật hiện nay của Bellazio Logistic là ông Diệp Bảo Hóa, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistic.
Cũng theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, tập đoàn của ông đã ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing trị giá 3,5 tỷ USD để chuẩn bị cho kế hoạch bay của hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa đầu tiên của Việt Nam. Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty CP IPP Air Cargo (ông Jonathan Hạnh Nguyễn là cổ đông sáng lập) đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và trình Thủ tướng vào ngày 29/3.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn dẫn số liệu từ Cục Hàng không cho thấy trong thời gian qua, số lượng các chuyến bay vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng lên khiến giá cước tăng vọt từ 3-4 lần, thậm chí là gấp 10 lần.
Nhà đầu tư lưu ý
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ