menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Long

Những hiệu ứng từ thương chiến Mỹ - Trung

Lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của nền kinh tế thế giới khiến người ta bắt đầu nói về tình trạng suy thoái, gây thêm lo lắng về việc làm và mức độ tăng trưởng.

Thương chiến Mỹ-Trung đang phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới và những dấu hiệu cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đã xuất hiện trên các thị trường tài chính toàn cầu.

* Nguy cơ suy thoái kinh tế

Suy thoái không gây ra mối đe dọa ngay lập tức với các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á, mặc dù mức độ tăng trưởng ở những nơi này đang chững lại. Tuy nhiên, một số nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực - bao gồm Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore - chắc chắn là đang đứng trước rủi ro.

Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, gọi những nền kinh tế này là những “kẻ ngoài cuộc vô tội” trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Kuijs nói: "Đây là những nền kinh tế nhỏ và cởi mở, nơi mà hoạt động thương mại, trong đó có thương mại với Trung Quốc, giữ vai trò hết sức quan trọng”.

Ông Kuijs cũng chỉ ra rằng những gì đang xảy ra với Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn tới các phần còn lại của châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Dưới đây là đánh giá về những lý do khiến một số nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đang phải đối diện liên quan tới nguy cơ suy thoái:

Hong Kong: Trung tâm tài chính này của châu Á đang chống lại áp lực từ sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, cuộc thương chiến Mỹ-Trung và tình trạng bất ổn chính trị.

Một số nhà kinh tế cho rằng các yếu tố kết hợp này không bao lâu sẽ đẩy Khu Hành chính Đặc biệt này của Trung Quốc vào suy thoái kinh tế. So với quý I vừa qua Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hong Kong giảm 0,4% trong quý II.

Nhưng những con số đó không thể hiện được tác động của các cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong suốt hơn hai tháng qua, khi doanh số bán lẻ và du lịch giảm mạnh.

Các nhà kinh tế ở DBS và Capital Economics nằm trong số những người cho rằng các số liệu của quý III, dự kiến đưa ra vào tháng Mười Một, sẽ cho thấy Hong Kong về mặt kỹ thuật là đã rơi vào tình trạng suy thoái, vốn được định nghĩa là rơi vào tình trạng hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Singapore: Quốc gia vốn phụ thuộc vào thương mại này bị tác động bởi nhu cầu toàn cầu giảm, tăng trưởng kinh tế chậm ở Trung Quốc và cuộc thương chiến giữa Trung Quốc với Mỹ.

Singapore phụ thuộc vào xuất khẩu công nghệ cao, trong khi nhu cầu về các mặt hàng điện tử trên khắp thế giới giảm, qua đó phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của nước này.

Nền kinh tế Singapore trong quý II đã giảm 3,3% so với quý I trước đó và chỉ ghi nhận mức tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó khiến Chính phủ phải cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2019 xuống còn từ 0 đến 1% từ mức dự báo 1,5-2,5% được đưa ra trước đó.

Oxford Economics dự báo số liệu GDP quý III, theo kế hoạch sẽ được công bố vào tháng Mười, sẽ cho thấy tình trạng giảm nhẹ, và điều đó đồng nghĩa với việc Singapore về mặt kỹ thuật sẽ bước vào một cuộc suy thoái.

Ông Kuijs nói rằng tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung tới Hong Kong và Singapore “lớn hơn là lên bản thân Trung Quốc, ngay cả khi không bị các nền kinh tế khác áp đặt bất kỳ biện pháp thuế quan mới nào lên các nền kinh tế này”.

*Thương mại xuống dốc

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng căng thẳng sau khi hai nước thực thi một đợt áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau trị giá nhiều tỷ USD từ ngày 1/9.

Trong khi thống kê vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 29/8 ghi nhận trao đổi thương mại trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã giảm trong quý II/2019 gần 2% tính theo trị giá USD.

Trung Quốc bị đòn nặng trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ khi số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu giảm hơn 5% trong quý II, mức thấp nhất kể từ 2017. Xuất khẩu của Mỹ cũng sụt hơn 1% trong cùng kỳ.

Theo OECD, cho dù giới doanh nghiệp hai bên chạy đua với thời gian, tăng tốc mua bán trước khi các lệnh áp thuế được thực thi, nhưng trong hai quý đầu năm 2019, trao đổi thương mại Mỹ-Trung vẫn rất thấp so với kết quả của 2018.

Nhưng không phải chỉ có Mỹ và Trung Quốc là nạn nhân. Xuất khẩu và nhập khẩu của Liên minh châu Âu cũng bị giảm theo thứ tự 1,7% và 2,3%.

Đức bị thiệt hại nặng nhất theo thứ tự 3,7% và 1,7%. Trong hai nước đầu tầu, Pháp đề kháng tương đối tốt hơn Đức: xuất khẩu lùi 0,3%, nhập khẩu giảm 0,7%.

Trong các nước châu Âu, nước Anh với viễn cảnh Brexit trả giá nặng nhất: xuất khẩu giảm 7,1%, nhập khẩu giảm 12,6%. Trong Nhóm G20, chỉ có Australia, Canada và Nhật Bản tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gia tăng.

Do vậy, tương lai không có gì khích lệ. Các chỉ số khác, từ ngành vận chuyển hàng không, buôn bán linh kiện điện tử, xe hơi, phụ tùng xe hơi đều bật "đèn đỏ"./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại