menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Nhật

Nhiều người sập bẫy lừa 'đảm bảo được vay tiền, chỉ cần nộp phí'

Gặp khó khăn do dịch COVID-19, cần tiền gấp để xoay xở công việc, nhiều người như 'chết đuối với được cọc' khi có người tự xưng là nhân viên ngân hàng hứa sẽ hỗ trợ làm thủ tục đảm bảo được vay tiền, chỉ cần nộp một khoản phí thủ tục.

Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản phí theo yêu cầu, nhiều người tiếp tục bị vòi thêm tiền mới phát hiện mình đã bị lừa. Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc cho biết các chiêu lừa tinh vi đã khiến không ít người dễ dàng rơi vào bẫy, nhất là những người đang cần tiền gấp và nhẹ dạ.

Muốn vay tiền, chỉ cần nộp phí!

Công việc gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị Kim (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên Ngân hàng Vietcombank gợi ý rằng nếu chị nộp 20 triệu đồng tiền phí sẽ được vay 160 triệu đồng!

Tưởng người này là nhân viên của ngân hàng, chị Kim đã nộp đủ số tiền 20 triệu đồng với hi vọng sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, do người này đề nghị đóng thêm 16 triệu đồng nữa, chị Kim sinh nghi nên liên hệ lại nhưng "nhân viên ngân hàng" này đã khóa máy. "Đến nay tôi vẫn không đòi được số tiền đã chuyển" - chị Kim nói.

Tương tự, anh Tú (Q.12) cho biết bị một người giả danh nhân viên ngân hàng "dụ" anh làm hồ sơ vay vốn và đòi anh chuyển 5 triệu đồng tiền công vào tài khoản. "Sau khi tôi chuyển số tiền này, người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi lại báo hồ sơ đã làm xong và đòi thêm cả chục triệu. Khi tôi từ chối, người này đe dọa là vẫn đem hồ sơ đi duyệt và tôi sẽ là người lãnh nợ ngân hàng" - anh Tú bức xúc.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, nhiều người cho biết đã nhận được cuộc gọi từ những người tự xưng là nhân viên ngân hàng hay nhân viên "quỹ nhân dân" mời gọi vay. Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm chung của những trường hợp lừa đảo này là đều không quan tâm nhiều đến hồ sơ vay, lịch sử tín dụng, thu nhập để xem xét khả năng trả nợ - điều mà các ngân hàng luôn xem xét rất kỹ khi quyết định cho vay.

Giăng bẫy ở các hội, nhóm trên mạng

Ngoài việc thông qua điện thoại, các tay lừa đảo còn tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng để tìm cách lừa đảo. Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Nhật cho hay do cần tiền kinh doanh nên lên nhóm Facebook Hội vay tiền nhanh Hà Nội để hỏi vay và được một người trong nhóm đề nghị chuyển 700.000 đồng phí sẽ cho vay.

Sau khi chuyển đủ, anh Nhật lại được yêu cầu chuyển thêm 2 triệu đồng và anh tiếp tục chuyển tiền nhưng vẫn không được cho vay mà còn bị yêu cầu chuyển thêm 2 triệu nữa. Đến lúc này, anh Nhật mới biết mình bị lừa.

Thấy trên Facebook có người giới thiệu cho vay tiền, chị Thanh (Q.Phú Nhuận) liên hệ thì được cho số Zalo rồi kêu chuyển tiền bảo hiểm khoản vay và phí giải ngân 4 triệu sẽ được vay 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong, chị Thanh không liên hệ được nữa.

Có trường hợp liên hệ một trang web để vay tiền thì được yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản ngân hàng điện tử và cả OTP xác nhận, sau đó bị kẻ lừa đảo đăng nhập và lấy mất 5,5 triệu đồng còn lại trong tài khoản.

Thời gian gần đây còn rộ lên "thu phí trúng thưởng". Chị Liên (Q.3) cho hay đã nhận được cuộc gọi của người tự giới thiệu là "nhân viên Vietcombank", tên Bùi Anh Tuấn, thông báo chị trúng thưởng hơn 300 triệu đồng. Sau đó, nhân viên này đề nghị chị Liên lựa chọn hoặc ra Đà Nẵng nhận thưởng (tự túc chi phí đi lại) hoặc khai thông tin cá nhân để có nhân viên tới nhà tư vấn nhận thưởng.

"Tôi không giao dịch hay gửi tiền tại Vietcombank nên đã chất vấn lại và xin địa chỉ chi nhánh ngân hàng gần nhất để ra hỏi thông tin nhưng người này nói là phải giữ bí mật. Sau đó, chắc thấy khó lừa tôi nên họ cúp máy và không liên lạc lại" - chị Liên kể.

Nhiều người sập bẫy lừa 'đảm bảo được vay tiền, chỉ cần nộp phí'

Các ngân hàng liên tục phát cảnh báo về các chiêu lừa của tội phạm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

"Mượn" fanpage của ngân hàng để lừa đảo

Thời gian gần đây, những kẻ lừa đảo còn lập các fanpage, group Facebook giả mạo của ngân hàng để lừa đảo. Thông qua các trang này, kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của khách hàng để lấy cắp thông tin cá nhân (CMND/CCCD, sổ hộ khẩu), thông tin giao dịch (sao kê, OTP, tên đăng nhập, mật khẩu Internet Banking)... nhằm lừa đảo.

Ngân hàng OCB cũng cho hay đã tiếp nhận thông tin phản ảnh từ khách hàng về việc một số kẻ xấu làm giả hợp đồng vay để lừa đảo, thu phí làm hồ sơ. Những kẻ này tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua các trang mạng xã hội của những ngân hàng, công ty tài chính... rồi tiếp cận, tư vấn, chào mời. Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB.

"Tuy nhiên, các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Sau khi cung cấp các thông tin, khách hàng sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng), bưu điện với chi phí từ 1,5 - 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay" - OCB cho biết.

Techcombank cũng lên tiếng khuyến cáo về một số người tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để mời chào, cung cấp các khoản vay. "Có nơi quảng cáo là có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay. Techcombank khẳng định những trường hợp quảng cáo làm các dịch vụ cho vay, thanh lý hồ sơ cho vay qua mạng là giả mạo" - ngân hàng này thông báo.

Không nhận hồ sơ vay vốn qua mạng

Theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, muốn vay vốn, khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để nộp hồ sơ và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng, được giải ngân. Ngân hàng không nhận hồ sơ cho vay qua các trang mạng, ứng dụng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc qua bất cứ trung gian nào.

Các ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng chuyển bất cứ khoản tiền nào trước khi giải ngân cho vay. "Quy trình vay vốn tại ngân hàng được thực hiện đầy đủ các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ. Do vậy, khách hàng không nên nghe theo các lời chào mời cho vay vốn trên mạng rồi chuyển phí để rơi vào bẫy lừa đảo" - ông Minh cảnh báo.

Thẻ để trong túi cũng bị hack

Chiều 18-3, khi đang chạy xe, anh H. (TP Thủ Đức) nhận được điện thoại từ nhân viên một ngân hàng hỏi có đang giao dịch trên steamgames với trị giá 10.000 yen Nhật (tương đương 2 triệu đồng) không? Theo nhân viên này, trên tài khoản của anh H. vừa thực hiện thành công hai giao dịch, mỗi lần 10.000 yen và đang giao dịch tiếp.

Sau khi khẳng định vẫn đang giữ thẻ, chỉ liên kết với duy nhất một ví điện tử để trả tiền cho ứng dụng gọi xe và con cái không chơi game, anh H. nhờ nhân viên này khóa thẻ rồi tấp xe vào lề đường kiểm tra. Khi xem điện thoại, anh H. phát hiện có 3 tin nhắn giao dịch đã thành công, trong đó giao dịch đầu tiên là 125 yen, 2 giao dịch tiếp theo tổng cộng là 20.000 yen và đang tiếp tục giao dịch nhưng ngân hàng khóa thẻ.

"Nếu lúc ấy tôi không nghe điện thoại, khi về tới nhà chắc tài khoản đã bị rút sạch tiền" - anh H. nói và cho biết rất may mắn khi ngân hàng ngăn chặn kịp thời và hoàn tiền lại cho anh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại