menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Nguy cơ xuất hiện thế hệ 'bánh mì kẹp'

Già hóa dân số nhanh trong khi bao phủ BHXH chậm có thể khiến một thế hệ người Việt thành "bánh mì kẹp", vừa nuôi con, vừa chăm bố mẹ không có lương hưu.

Tại hội thảo về vấn đề an sinh xã hội ngày 29/6 ở Hà Nội, ông Andre Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đánh giá dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, số người cao tuổi sẽ tăng trong những thập kỷ tới, chiếm tỷ lệ lớn. Thống kê năm 2021 Việt Nam có hơn 8 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 8,3% dân số và dự kiến năm 2036 sẽ lên 15,5 triệu người, chiếm 14,1%.

Già hóa nhanh đặt áp lực lớn lên thế hệ lao động trẻ hơn mà chuyên gia gọi là "bánh mì kẹp". Thuật ngữ chỉ những lao động tuổi trung niên, vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già vừa nuôi con nhỏ và lo cho chính mình.

Thống kê cho thấy khoảng 70% các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ở Việt Nam được chi trả cho phụ nữ dưới 35 tuổi. Khoản tiền này đang được người lao động sử dụng để đảm bảo an ninh thu nhập trong giai đoạn đang làm việc chứ không phải hết tuổi lao động.

"Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về an sinh xã hội, nâng diện bao phủ BHXH thì tương lai có tỷ lệ lớn người cao tuổi không được hưởng bất cứ chế độ hưu trí nào, đặt gánh nặng lên vai con cái họ", ông Andre Gama khuyến cáo.

Trong thiết kế chính sách hưu trí của Việt Nam, theo ông Andre Gama có một nhóm bị bỏ sót là người 60-79 tuổi không thuộc diện nghèo, không có lương hưu lẫn trợ cấp xã hội. Phần lớn họ sẽ tiếp tục làm việc hoặc dựa vào chu cấp từ con cái. Họ nằm giữa nhóm người được hưởng lương hưu và nhóm trên 80 tuổi có trợ cấp xã hội. Việt Nam cần nhanh chóng thu hẹp khoảng trống cực lớn này.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi đã được điều chỉnh, song chỉ nhỉnh hơn một chút so với chuẩn nghèo và chưa thể đảm bảo cho người già có mức sống ổn. Chuyên gia ILO đánh giá tỷ lệ chi 0,15% GDP dành cho trợ cấp xã hội năm 2020 của Việt Nam là rất thấp so với các nước phát triển tương đồng trong khu vực.

Ông khuyến nghị nhà nước cần tính tới phương án giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội so với 80 tuổi hiện hành, địa phương tùy vào điều kiện mà nâng trợ cấp xã hội so với quy định chung để tăng bao phủ an sinh.

Chung quanh điểm, ông Nuno Cunha, chuyên gia an sinh xã hội ILO, đánh giá diện bao phủ an sinh lẫn mức hưởng của Việt Nam còn thấp, có thể dẫn tới tương lai hàng chục triệu người già không có hưu trí. Không hẳn người lao động không muốn tham gia BHXH mà do không có quan hệ lao động, làm việc tự do, trong khi điều kiện đóng BHXH là phải có hợp đồng hoặc quan hệ lao động. Ngoài ra, mức chi cho an sinh của Việt Nam thấp, chỉ khoảng 4% GDP trong khi mức trung bình khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương là 8%, thế giới là 13%.

Vì vậy, ông Nuno Cunha cho rằng cơ quan chuyên môn cần thiết kế chính sách khoa học để thu hút lao động tham gia, hệ thống càng minh bạch thông tin càng tốt; đặc biệt là khâu quản lý dữ liệu, có mã số định danh của một người để biết họ đóng thuế, tham gia BHXH thế nào...

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra BHXH tự nguyện không thể đảm bảo bao phủ an sinh xã hội nên BHXH bắt buộc vẫn là chìa khóa để "không ai bị bỏ lại phía sau". Ông dẫn kinh nghiệm tại Bồ Đào Nha, trẻ em sinh ra đều có mã số định danh cá nhân, thông tin về an sinh xã hội, thuế... sẽ theo người đó cả cuộc đời, lao động tự do bắt buộc đăng ký vào hệ thống BHXH.

Hay với Brazil, chính phủ hình thành một nhóm có lao động tự do, doanh nhân siêu nhỏ... trong chế độ BHXH chung. Để "giữ chân" họ với hệ thống, nhóm này được hưởng nhiều chính sách có lợi như đơn giản thủ tục đăng ký và tích hợp thuế (6 loại) với đóng BHXH trong một lần chi trả, được đóng thấp hơn so với mức đóng BHXH chung (mức đóng không đổi), được tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi và cấp giấy phép kinh doanh tạm thời nếu có đăng ký BHXH...

Chuyên gia cho rằng ngoài bao phủ BHXH, Việt Nam cần giải bài toán nâng cao năng suất lao động khi dân số chuyển sang già hóa; đầu tư cho lao động trẻ để cạnh tranh với nền kinh tế khác.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và Xã hội, cũng cho rằng cần bao phủ an sinh bằng cơ chế khuyến khích mọi người dân có thu nhập tham gia BHXH chứ không chỉ là người có hợp đồng hoặc quan hệ lao động. Trên thực tế chỉ khoảng 60% lao động có ký kết hợp đồng. Việc đặt ra tiêu chí này khiến cho diện bao phủ BHXH càng khó khăn khi tới 2/3 lực lượng là lao động phi chính thức, không có hợp đồng.

Việt Nam hiện còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng hưu trí hay trợ cấp xã hội. Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn vẫn từ hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
2 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại