menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thủy Tiên

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc

Nhiều năm nay, lĩnh vực thực phẩm - đồ uống (F&B) luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến ngành F&B sẽ có nhiều thay đổi.

Ngành F&B 2020: Chịu 2 cú sốc liên tiếp

Năm 2020, ngành F&B tại Việt Nam chịu tác động lớn từ 2 “cú sốc” là Nghị định 100/2019 và đại dịch Covid-19.

Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 8/2020, khoảng 50% số doanh nghiệp cho rằng, hoạt động bị tác động ở mức độ nghiêm trọng, trong đó nhóm đồ uống có cồn bị ảnh hưởng lớn còn chịu tác động của Nghị định 100.

Dịch Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu của ngành F&B, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự. Hoạt động bán lẻ của ngành diễn ra qua nhiều kênh như truyền thống (General Trade), hiện đại (Modern Trade), nhà hàng (Key account) và chuỗi bán lẻ riêng của từng hãng (nếu có); trong đó, kênh truyền thống chiếm tỷ trọng đa số.

Tác động từ dịch Covid-19 đối với các nhóm sản phẩm trong ngành cũng có sự khác biệt đáng kể. Báo cáo khảo sát cho thấy, 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh… trong khi đó, 63,7% khách hàng đã cắt giảm chi tiêu cho bia, rượu. Theo đó, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh công suất hoạt động cho phù hợp.

Trong phản hồi phỏng vấn khảo sát, đại diện một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm chia sẻ rằng, họ đã tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trái lại, năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện chỉ hoạt động chủ yếu ở mức dưới 80% so với trước đại dịch.

Ngay như những ông lớn đình đám trong ngành bia rượu cũng đã phải nếm trái đắng trong nửa đầu năm 2020 như Sabeco. Kết thúc quý I năm nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ông lớn này lần lượt giảm 47,4% và 44% so với cùng kỳ, là mức sụt giảm mạnh chưa từng có từ trước tới nay.

Trong khi đó, 85% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn liên quan đến việc phân phối, logistics khi nhu cầu thực phẩm thiết yếu, đóng gói tăng cao nhưng lượng hàng lưu kho không đủ. Doanh nghiệp phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong khi các nhà hàng đóng cửa khiến mức tiêu thụ đồ uống giảm xuống. 94,7% doanh nghiệp đã nhận ra điểm yếu này và đang điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối của mình để có thể thích nghi với khủng hoảng.

Đây cũng là một trong những hành động ưu tiên của ngành ứng phó với tác động của Covid-19. Một số biện pháp mà các doanh nghiệp đã tăng cường áp dụng theo xu hướng mới như nhận đặt hàng/giao hàng tại nhà, tăng cường kênh giao nhận…

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc
Chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng đối với một số nhóm thực phẩm - đồ uống thay đổi sau khi Covid-19 xuất hiện

Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt chính là việc quản trị nhân sự khi số lượng lao động sử dụng khá lớn, vấn đề đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc, phân chia lao động hợp lý. Bên cạnh đó, việc đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu do không chủ động được nguồn cung…

Đánh giá về thực lực sức khỏe các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, lãnh đạo một số doanh nghiệp F&B lớn cho rằng, quy mô doanh nghiệp trong ngành F&B hiện nay còn khá phân mảnh, tiềm lực tài chính yếu nên khi gặp một cú sốc lớn như Covid-19 họ thường sa vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí.

“Dù đang trong quá trình phát triển rực rỡ nhưng ngành F&B tại Việt Nam hiện chẳng khác gì một “ngôi làng” do thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu cơ quan chủ quản, mạnh ai người đó làm…”, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ví von.

Theo ông, tình hình đã khó lại càng chồng thêm khó khi “ngôi làng” này năm nay lại phải cùng lúc trải qua qua 2 cơn bão lớn là Nghị định 100 và đại dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành không khỏi lao đao.

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát này cũng cho thấy con số rất đáng chú ý. Dù chịu tác động khá nặng nề, song có 68,4% doanh nghiệp trong ngành cho rằng Covid-19 ở mặt tích cực đã tạo ra cú huých đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số.

Bằng chứng là những doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý tỏ ra rất vững vàng trong khủng khoảng. Trừ những công nhân trực tiếp sản xuất tại nhà máy buộc phải làm luân phiên theo ca, tất cả các hoạt động khác của doanh nghiệp đều có thể điều khiển và giám sát từ xa thông qua các phần mềm, ứng dụng và hệ thống camera từ xuất, nhập kho, giao nhận, bán hàng, phân phối hay các cuộc họp trực tuyến kết nối các chi nhánh trên khắp cả nước…

Thêm vào đó, 63,2% doanh nghiệp cho rằng, đây là cơ hội để đẩy nhanh đổi mới sáng tạo. Đổi mới từ hệ thống phân phối: điều chỉnh tỷ trọng giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại, phát triển các ứng dụng tăng cường trải nghiệm khách hàng khi mua sắm, đổi mới từ thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường, đổi mới từ phát triển các dòng sản phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch hơn…

Quan trọng hơn cả, Covid-19 chính là điều kiện tạo ra những thay đổi sâu sắc trong chiến lược của ban lãnh đạo. Các chuyên gia cho rằng, với những bài học kinh nghiệm đúc kết từ khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp F&B sẽ buộc phải có những thay đổi trong xu hướng vận hành để thích nghi với bối cảnh hiện này cũng như có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.

Xu hướng ngành F&B trong bối cảnh bình thường mới

Trước Covid-19, ngành F&B đã có một số xu hướng lớn hình thành, điển hình như nhu cầu về thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ, thành phần dinh dưỡng lành mạnh, thực phẩm đóng gói tiện dụng, tăng cường trải nghiệm khách hàng… Những xu hướng này không bị ảnh hưởng do Covid-19 mà ngược lại dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc
Dự báo nhu cầu tiêu dùng một số nhóm Thực phẩm - Đồ uống trong ít nhất 6 tháng tới

Khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra một số xu hướng diễn ra trong hiện tại và trong tương lai khi doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Những xu hướng thay đổi trong ngắn hạn như: Làm việc từ xa; Dịch chuyển thói quen từ ăn uống tại nhà hàng sang tại nhà; Mối lo ngại về thực phẩm nhập khẩu.

Về lâu dài, 55,6% doanh nghiệp cho rằng làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn, 2 xu hướng còn lại sẽ thoái trào do các hiệp định thương mại như EVFTA và nhu cầu giao lưu, gặp mặt, ăn uống tại nhà hàng của giới trẻ rất lớn.

Xét trong dài hạn, các xu hướng chính bao gồm: Áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn; Giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn; Phân bổ lại nguồn đầu vào trong các chuỗi cung ứng; và Tái cấu trúc/ định vị hình ảnh tại các thị trường hiện tại.

Công thức thương hiệu thời kỳ bình thường mới

Các tên tuổi thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất trong thời gian qua được điểm tên trong khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report trong tháng 8/2020 bao gồm: Tường An (dầu ăn), Orion Vina (bánh kẹo), Chinsu (gia vị), Vissan (thực phẩm tươi sống), Acecook (thực phẩm đóng gói), Vinamilk (sữa), Lipton (trà), Heineken (bia, rượu), Trung Nguyên (cà phê), Lavie (nước khoáng) và Coca-cola (nước giải khát)…

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, uy tín thương hiệu là yếu tố hàng đầu họ xem xét khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm - đồ uống bên cạnh chất lượng, giá cả, mức độ đa dạng hay sự tiện lợi trong hệ thống mua sắm.

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc
Các thương hiệu thực phẩm - đồ uống được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất năm 2020 (phân theo nhóm sản phẩm)

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng để xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần phát triển đồng thời đáp ứng 7 tiêu chí về sản phẩm, đổi mới, môi trường làm việc, trách nhiệm xã hội, năng lực quản trị, khả năng lãnh đạo và kết quả kinh doanh, chứ không chỉ riêng lẻ.

Đánh giá uy tín của doanh nghiệp F&B cần quan tâm đến tất cả các bên liên quan như người tiêu dùng, đối tác, đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư, nhà phân phối, nhân viên trong chính doanh nghiệp đó…

Triển vọng lạc quan ngành F&B trong thời kỳ bình thường mới

Mặc dù bị tác động nghiêm trọng do Covid-19, nhưng có đến gần 58% doanh nghiệp trong ngành đánh giá triển vọng ngành trong 6 tháng cuối năm 2020 khá tích cực, trên 50% doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc
Triển vọng toàn ngành F&B trong 6 tháng cuối năm 2020 so với 6 tháng đầu năm.

Thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng được dự báo khá tích cực với 56,3% số doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng, 25% số doanh nghiệp mất khoảng 7-12 tháng và 18,7% mất nhiều hơn 12 tháng. Các doanh nghiệp đồ uống mất nhiều thời gian hơn so với các doanh nghiệp thực phẩm.

Chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng Top 5 chiến lược ưu tiên bao gồm: Tăng trưởng doanh thu; Ưu tiên phát triển thị trường hiện tại; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm; Đa dạng hóa nguồn cung ứng, ưu tiên nguồn cung trong nước; và Mở rộng, phát triển các kênh phân phối online trên nền tảng thương mại điện tử. Tất cả 5 chiến lược này đều được đúc kết từ chính những sai lầm, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với Covid-19 vừa qua.

Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như sự phát triển của công nghệ đã trở thành động lực dẫn dắt thị trường. Tập khách hàng phân mảnh hơn dẫn đến nhu cầu đối với từng nhóm sản phẩm cũng trở nên riêng biệt hơn.

Các hộ gia đình với quy mô nhỏ hơn buộc các doanh nghiệp phải xây dựng các chiến lược khác đi. Xu hướng thị trường và người tiêu dùng hiện nay đang dẫn dắt thị trường, chứ không còn là doanh nghiệp F&B như trước đây.

Ngành thực phẩm - đồ uống có nhiều thay đổi sau 2 cú sốc
Một số xu hướng ngành F&B trong và sau khủng hoảng do COVID-19

Trong bối cảnh thay đổi này, báo cáo nghiên cứu thị trường của Vietnam Report đưa ra dự báo, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định mang lại những cơ hội và cả những thách thức lớn đối với ngành FMCG nói chung và F&B nói riêng.

Đó là các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP mở ra cơ hội xuất khẩu, lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thu hút phát triển và chuyển giao công nghệ; đó là bài toán cải thiện môi trường kinh doanh với hệ thống luật pháp, cơ sở hạ tầng, giao thông hay các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại