menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đậu Thế Vũ

Năm 2021 là năm tăng trưởng cao cuối cùng của Trung Quốc?

 Sau một năm 2020 bị gián đoạn bởi những biện pháp phòng chống dịch ngặt nghèo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã phục hồi với mức  tăng 8,1%, tương đương với thành tích của những năm 2000.

Tuy nhiên, theo đánh giá của báo Le Monde ngày 18/1, có rất nhiều điều để nói về kết quả này và có thể chốt lại, năm 2021 là năm tăng trưởng cao cuối cùng của kinh tế Trung Quốc.

Nhật báo này phân tích cụ thể như sau: Đạt mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, Trung Quốc không chỉ vượt xa dự báo 6% của chính họ mà còn quay trở lại mức chưa từng có trong 10 năm qua. Năm 2011, GDP của Trung Quốc tăng 9,5% nhưng các năm sau đó giảm dần.

Mặc dù Trung Quốc có thể tự hào với thành tích tốt hơn các nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khác, nhưng rõ ràng kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm dần. Hơn nữa, các hiện tượng đều có mối liên hệ với nhau khi tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy chủ yếu bởi xuất khẩu. Bất chấp các yếu tố như cuộc chiến thương mại với Mỹ, giao thông hàng hải và hàng không gián đoạn bởi COVID-19 và tình trạng thiếu chất bán dẫn trầm trọng, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 vẫn tăng 29,9%.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 676,4 tỷ USD, tăng 30%, và hơn một nửa (396,6 tỷ USD) trong số này có được từ Mỹ, đối tác số một của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với đối tác thứ hai là Liên minh châu Âu (EU), thặng dư của Trung Quốc cũng không kém phần ngoạn mục nhờ tăng vọt 57,4%, đạt 208,4 tỷ USD. Máy tính, đồ chơi, thiết bị y tế ... không ai có thể bỏ qua hàng "Made in China".

Tuy nhiên, chiều ngược lại cũng diễn ra theo cách rất đáng chú ý. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng 30,1% trong năm 2021, một phần do giá nguyên liệu thô tăng. Chẳng hạn, nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm 5,4% về lượng nhưng lại tăng 44,2% về giá trị.

Chính phủ Trung Quốc có thể hài lòng với những con số như vậy. Tuy nhiên, kinh tế nước này có thể sẽ phải đương đầu với rất nhiều mối đe dọa trong những tháng tới. Nói cách khác, những con số tốt đẹp nêu trên có thể sẽ là lần cuối cùng được thấy tại Trung Quốc.

Hầu hết các nhà kinh tế và lãnh đạo nước này đều thừa nhận những khó khăn sẽ phải đối mặt trong năm 2022. Theo những thông tin từ một cuộc hội thảo diễn ra vào tháng 12/2021 mà Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, Trung Quốc sẽ phải đối mặt cùng lúc khó khăn gấp ba: “Nhu cầu giảm, các cú sốc về nguồn cung và kỳ vọng thấp”.

Ngoài ra là hàng loạt vấn đề phát sinh trong nước. “Tư tưởng đợi thời đang diễn ra rộng khắp Trung Quốc, một doanh nhân châu Âu có mặt tại Trung Quốc tóm tắt. Mặc dù chính sách 'Không COVID-19' đã phát huy hiệu quả trong năm 2020 và đầu năm 2021, nhưng nó đang đạt đến giới hạn với biến thể Omicron mới, buộc chính quyền phải cách ly hàng chục triệu người chỉ sau một đêm và rồi lại phải đóng cửa các đường biên giới của đất nước".

Nếu Trung Quốc biến đe dọa thành hành động và tiếp tục trừng phạt các hãng hàng không đưa các hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính vào Trung Quốc, thì sẽ không còn bất cứ chuyến bay trực tiếp nào giữa nước này và Mỹ kể từ 19/1 – 2/2, điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. “Làm sao để một doanh nghiệp thực hiện một khoản đầu tư lớn tại một đất nước nếu họ không thể bước chân vào đó”, một giám đốc doanh nghiệp giấu tên phàn nàn.

Ngoài ra, sau khi thâu tóm một số lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế trong năm 2021, đặc biệt là công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt ra câu hỏi: Tiếp theo sẽ là gì? Hơn nữa, vụ vỡ nợ của tập đoàn Evergrande đã làm điêu đứng lĩnh vực phát triển bất động sản, vốn chiếm tới 25% GDP của Trung Quốc. Để chắc chắn tránh được một vụ phá sản có hệ thống, Trung Quốc sẽ cần nhờ đến sự can thiệp của các công ty nhà nước dưới sự quản lý của chính phủ. Các công ty này sẽ tiếp quản các đại công trường mà Evergrande bỏ lại.

Nhu cầu tại Trung Quốc cũng đang có sự thay đổi. Theo một nghiên cứu do trung tâm Mazars France tại Bắc Kinh công bố cuối năm 2021, “người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển nhu cầu từ hàng tiêu dùng sang dịch vụ, quay lưng với hàng hóa vật chất để tăng cường các hoạt động trải nghiệm (du lịch, đi chơi) và sở thích cá nhân”.

Theo đánh giá của trung tâm này, sự hồi phục của tiêu dùng Trung Quốc có thể không phải là chuyện của ngày mai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại