menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Mở thủ tục phá sản, Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP) có dễ “chết”?

Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP, sàn HNX) theo yêu cầu của CTCP Sản xuất thương mại Tân Việt Sinh. Dẫu vậy, việc “khai tử” hay để Công ty đi tiếp lại phụ thuộc vào nhóm chủ nợ khác.

Công bố thông tin phá sản chậm 6 tháng

Mới đây, SPP đã công bố thông tin về việc mở thủ tục phá sản. Theo tài liệu công bố, ngày 26/11/2019, Tòa án TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn theo yêu cầu của CTCP Sản xuất thương mại Tân Việt Sinh.

Ngày 29/11/2019, Tòa án ra quyết định chỉ định Công ty hợp danh Quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt làm doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của SPP.

Do SPP là doanh nghiệp niêm yết, đến ngày 25/3/2020, Công ty Sen Việt có văn bản thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc Tòa án mở thủ tục phá sản đối với SPP. Ngày 30/3, HNX công bố thông tin này.

Theo quy định tại Ðiều 9, Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp phải công bố các thông tin bất thường trong vòng 24 giờ.

Một trong các trường hợp thông tin bất thường là khi công ty nhận được thông báo của Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của SPP từ ngày 18/9/2019. Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp mới công bố thông tin!

SPP được thành lập vào năm 2001, chuyên nghiên cứu sản xuất sản phẩm bao bì nhựa mềm màng ghép phức hợp Saplastic.

Năm 2007, SPP chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần. Năm 2008, SPP niêm yết cổ phiếu tại sàn HNX và liên tục tăng vốn điều lệ những năm sau đó, từ 35 tỷ đồng trong năm 2009 lên 251 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện nay.

Không dễ “khai tử”

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét và nếu thấy có căn cứ thì sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Quá trình giải quyết phá sản có thể kéo dài với nhiều công việc như yêu cầu chủ nợ gửi giấy đòi nợ và các tài liệu chứng minh, xem xét các khoản nợ đến hạn, chưa đến hạn, nợ có tài sản đảm bảo, nợ không có tài sản đảm bảo, xem xét các nghĩa vụ tài chính khác, tổ chức hội nghị chủ nợ...

Hội nghị chủ nợ là một phần quan trọng trong quá trình giải quyết phá sản. Nếu các chủ nợ cân nhắc và đồng thuận phục hồi doanh nghiệp thì sẽ có phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được đưa ra.

Tòa án ban hành quyết định công nhận nghị quyết hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Các hạn chế khi doanh nghiệp trong quá trình mở thủ tục phá sản sẽ bị gỡ bỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn chịu sự giám sát của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và các chủ nợ.

Ngược lại, nếu hội nghị chủ nợ nhất trí phá sản doanh nghiệp, thanh lý tài sản để thu hồi nợ, Tòa án sẽ ban hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Ðến đây, tư cách pháp lý của doanh nghiệp mới chấm dứt.

Theo quy định, nghị quyết của hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ.

Trở lại trường hợp SPP, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là Công ty Sen Việt.

Tuy nhiên, một số giao dịch sẽ bị cấm thực hiện như cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, từ bỏ quyền đòi nợ, chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp.

Ðây đều là các giao dịch có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của các chủ nợ.

Ðược biết, sau khi công bố thông tin về việc Tòa án mở thủ tục phá sản, SPP công bố báo cáo tài chính năm 2019, ghi nhận số lỗ 720 tỷ đồng, dù các năm trước đều có lãi.

Công ty cũng có văn bản giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán gửi UBCK. Theo đó, SPP còn nợ BIDV Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa hơn 396,5 tỷ đồng; Agribank Chi nhánh Phú Nhuận hơn 46,1 tỷ đồng; Indovina Chi nhánh Chợ Lớn gần 30 tỷ đồng; NCB Chi nhánh Sài Gòn hơn 129,9 tỷ đồng; PVcomBank Chi nhánh Sài Gòn hơn 69,9 tỷ đồng…

Tổng số nợ vay quá hạn tính đến 31/12/2019 là hơn 707,6 tỷ đồng. SPP chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay hơn 56,4 tỷ đồng phải trả năm 2019 vào kết quả hoạt động năm vì Công ty và các tổ chức tín dụng đang trong quá trình thương lượng và chưa thống nhất về số lãi vay.

Hiện Công ty đang gặp khó khăn về tài chính và đang tái cơ cấu, cộng với dịch bệnh Covid-19, do đó, chưa thu xếp được để trả nợ ngân hàng.

Với mức nợ này, quyết định của nhóm chủ nợ ngân hàng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc để doanh nghiệp này phá sản hay phục hồi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại