menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Mặt trái của việc đồng USD tăng giá mạnh

Việc đồng USD tăng cao đang đẩy kinh tế toàn cầu vào nguy cơ suy thoái đồng bộ sâu rộng hơn, bằng cách đẩy cao chi phí đi vay và tạo ra những biến động trên thị trường tài chính.

Chỉ số đồng USD, chỉ số đánh giá giá trị của đồng USD so với một rổ ngoại tệ, đã tăng lên mức cao nhất của 20 năm vào tuần trước, trước khi giảm nhẹ ngày 16/5.

Diễn biến này xảy ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố một loạt đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giới đầu tư đổ xô đi mua đồng USD làm nơi trú ẩn trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

USD mạnh và hiện tượng chảy máu vốn, suy yếu tiền tệ

Các chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh sẽ giúp Fed phần nào "hạ nhiệt" môi trường giá cả trong nước và hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu của người Mỹ.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng có nguy cơ đẩy giá nhập khẩu của các nền kinh tế nước ngoài lên cao, từ đó tiếp tục thúc đẩy tỷ lệ lạm phát của những nền kinh tế này và làm cạn kiệt nguồn vốn của họ.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các nền kinh tế mới nổi, những nền kinh tế đã buộc phải cho phép đồng nội tệ của họ giảm giá và can thiệp để đồng tiền không trượt giá sâu hơn, hoặc phải tăng lãi suất trong một nỗ lực nhằm cải thiện tỷ giá hối đoái.

Cụ thể, cả Ấn Độ và Malaysia đều đã bất ngờ tăng lãi suất trong tháng này, trong khi Chính phủ Ấn Độ cũng đang can thiệp vào thị trường với mong muốn đẩy mạnh tỷ giá hối đoái đồng rupee.

Tuy nhiên, ngay cả những nền kinh tế tiên tiến cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong tuần trước, giá trị đồng euro đã chạm mức thấp nhất của 5 năm, đồng franc Thụy Sỹ xuống mức ngang bằng với đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2019 trong khi Cơ quan tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã buộc phải can thiệp để bảo vệ đồng đô la Hong Kong (HKD). Đồng yen gần đây cũng đã chạm mức thấp nhất trong hai thập kỷ.

Tuuli McCully, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Scotiabank, cho biết: "Tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Fed đang nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, tạo ra hiện tượng chảy máu vốn và sự suy yếu của đồng tiền tệ (ở những nền kinh tế này)".

Mặc dù sự kết hợp giữa xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Mỹ và sự hạ nhiệt dự kiến trong tỷ lệ lạm phát của nước này cuối cùng sẽ khiến giá trị đồng USD tăng chậm lại – từ đó gỡ bỏ áp lực thắt chặt đối với các ngân hàng trung ương khác – song điểm cân bằng có thể mất nhiều tháng để xác lập.

Theo Clay Lowery, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ đối mặt với "sự mất cân đối về tiền tệ". Điều này xảy ra khi các chính phủ, tập đoàn hoặc tổ chức tài chính đi vay bằng USD nhưng sau đó lại cho vay bằng đồng nội tệ của họ.

Theo một dự báo mới từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tăng trưởng toàn cầu về cơ bản sẽ đi ngang trong năm nay khi châu Âu rơi vào suy thoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các điều kiện tài chính của Mỹ được thắt chặt đáng kể. Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ thấp hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng của năm 2021.

Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh biến động toàn cầu đang diễn ra - từ căng thẳng ở Ukraine đến các đợt đóng cửa vì đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc - đã khiến các nhà đầu tư "bỏ chạy" vì sự an toàn. Trong khi đó, những nền kinh tế ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ có nguy cơ chứng kiến nhiều biến động hơn.

Ông Lowery cho rằng Mỹ luôn là nơi trú ẩn an toàn. Khi lãi suất tăng, thậm chí sẽ có nhiều vốn hơn chảy vào thị trường này. Và điều đó có thể gây tổn hại cho các thị trường mới nổi.

Theo IIF, đã có khoảng 4 tỷ USD đã bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi trong tháng 4/2022. Đồng nội tệ của những thị trường này cũng đã sụt giảm và trái phiếu châu Á mới nổi cũng lỗ đến 7% trong năm nay, nhiều hơn mức thiệt hại từng được ghi nhận trong "cơn thịnh nộ" năm 2013.

Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc., cho biết: "Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ sẽ có tác động lan tỏa lớn đến phần còn lại của thế giới".

Triển vọng yếu

Đối với các doanh nghiệp, nhiều nhà sản xuất cho biết môi trường chi phí cao có nghĩa là họ không được hưởng lợi từ việc đồng nội tệ suy yếu.

Toyota Motor Corp. dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 20% trong năm tài chính hiện tại, mặc dù tập đoàn vẫn ghi nhận doanh số bán xe mạnh mẽ, do chi phí hậu cần và nguyên vật liệu tăng "chưa từng có". Toyota cho biết, họ không hy vọng đồng yen suy yếu sẽ tạo ra một mức lợi nhuận lớn.

Trong khi đó, giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã trượt giảm sau khi nước này chứng kiến dòng vốn kỷ lục rút ra khỏi thị trường tài chính.

Hiện tại, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa cảm nhận được "sức nóng" trực tiếp từ việc đồng USD mạnh lên do tỷ lệ lạm phát thấp trong nước cho phép các nhà chức trách tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, điều này lại gây ra một rủi ro khác đối với các quốc gia đang phát triển đã quen với một môi trường đồng nhân dân tệ mạnh hoạt động như một "mỏ neo".

Alvin Tan, chiến lược gia tại Ngân hàng Hoàng gia Canada ở Singapore, cho biết: "Sự thay đổi đột ngột gần đây trong xu hướng chuyển động của đồng nhân dân tệ có liên quan nhiều đến triển vọng kinh tế xấu đi của Trung Quốc hơn là chính sách của Fed. Tuy nhiên, xu hướng này chắc chắn đã phá vỡ ‘tấm lá chắn’ bảo vệ các đồng tiền châu Á khỏi vòng ảnh hưởng của việc đồng USD tăng giá, dẫn đến sự suy yếu nhanh chóng của các đồng tiền châu Á trong thời gian qua".

Trong khi đó ở các nền kinh tế tiên tiến, việc đồng tiền suy yếu đặt ra "tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách" đối với các ngân hàng trung ương như Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE). Đây là nhận định của Dario Perkins, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại ngân hàng TS Lombard ở London (Anh), trong một ghi chú gần đây.

Thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, Francois Villeroy de Galhau, đã lưu ý trong tháng này rằng "đồng euro quá yếu sẽ đi ngược lại mục tiêu ổn định giá của ngân hàng".

Nhà kinh tế Perkins viết: "Sự tăng trưởng quá nóng của đồng USD là hiện tượng xảy ra trong nước Mỹ, nhưng việc tỷ giá hối đoái yếu hơn (của những đồng tiền khác) sẽ làm tăng áp lực lên giá nhập khẩu, khiến lạm phát cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương".

Theo chuyên gia này, thắt chặt tiền tệ có thể làm giảm bớt vấn đề song đồng thời gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo Bloomberg

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại