menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
SACT Pro

Lối đi nào cho nhà đầu tư tài chính?

Năm 2020-2021, chúng ta được chứng kiến một giai đoạn bùng nổ của thị trường tài chính trong nước và thế giới: thị trường chứng khoán Việt Nam vượt đỉnh 1200 và lần đầu chinh phục mốc 1500 điểm, giá bitcoin lần đầu chạm đến con số 69k$/đồng, bất cứ ai cũng có thể kiếm được tiền (và kiếm được rất nhiều tiền) từ những thị trường tài chính này.

Thế nhưng chỉ sau đó đúng một năm thôi, mọi thứ đã khác đi rất nhiều. Những biến động chính trị lớn trên thế giới đã khiến mọi thứ trở nên đảo lộn: căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra, lạm phát tại Mỹ và toàn châu Âu đạt ngưỡng cao, thị trường tài chính thế giới cũng vì thế mà ảnh hưởng dẫn đến hệ luỵ: thị trường chứng khoán giảm mạnh tới 23%, bước vào giai đoạn giảm giá của thị trường, thị trường tiền điện tử thì bước vào “mùa đông tiền số”, bitcoin có lúc giảm sâu nhất còn 19k$/đồng (giảm hơn 70% giá trị từ vùng đỉnh). Vô số nhà đầu tư đang từ đỉnh cao giờ đây rơi vào cảnh bế tắc vì gặp phải cảnh thua lỗ, người chưa đầu tư vào thì không biết nên để tiền của mình vào đâu khi mà đồng tiền vẫn đang mất giá. Vậy giờ đây, lối đi nào cho nhà đầu tư tại Việt Nam?

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH HIỆN NAY

Tôi có một người bạn, anh này làm bác sĩ. Trước đây khi tôi mới làm tài chính khoảng 5 năm trước, tôi có từng rủ anh tham gia thị trường chứng khoán. Thời điểm đó thì anh luôn từ chối tham gia với lí do: thị trường khác gì nhà cái, không minh bạch, và quan trọng nhất là không phải chuyên ngành của anh nên anh không tham gia. Thế nhưng vào đợt giãn cách xã hội do đại dịch Covid diễn ra, thì anh mới hỏi tôi tham gia thị trường này thế nào vì khi đó mọi hoạt động kinh tế đều bị đình trệ và anh muốn tìm thêm một kênh kiếm thêm thu nhập. Lúc đó tôi cũng không nghĩ nhiều, tôi mở giúp anh một tài khoản chứng khoán để anh tập giao dịch.

Lối đi nào cho nhà đầu tư tài chính?

Anh bạn tôi bắt đầu tìm hiểu chứng khoán (ảnh minh hoạ)

Khoảng giữa năm 2021, khi mà tình hình dịch bệnh dần ổn định, giãn cách được dỡ bỏ, tôi mới gặp lại anh trong một buổi chiều hẹn cafe. Tôi có hỏi anh tình hình đầu tư của anh thế nào, thì anh hớn hở khoe với tôi mình lãi lớn nhờ cổ phiêu bds. Anh mua những mã như FLC, DIG, CEO. Mã lãi ít nhất cx 100%, nhiều thì 2-300% cũng có. Chỉ sau một năm đầu tư, anh không chỉ có thêm nguồn thu, mà anh còn đủ tiền tậu thêm cho một một con xe ô tô để đi cho đỡ mưa nắng. Số tiền lãi còn lại anh tiếp tục tái đầu tư vào cổ bđs, anh cũng rút một phần kha khá trong tài khoản tiết kiệm của mình để mua chứng tiếp. Chung quy là một năm lãi đậm đối với cá nhân anh.

Tôi lại có một cậu em nọ, chuyên ngành công nghệ thông tin. Em là một trong những người đầu tiên làm về lĩnh vực sàn thương mại điện tử ở Việt Nam từ thời còn làm những diễn đàn như raovat, vatgia, … bây giờ đang làm cho tiki. Năm 2017 cũng biết về sự xuất hiện của Bitcoin nhưng đến năm 2020 vừa rồi thì mới thực sự tham gia vào thị trường tiền số. Bởi vì cậu đã bỏ lỡ cơn sóng Bitcoin, nên cậu phải tìm hiểu một đồng tiền số khác có giá “rẻ” hơn nhưng có khả năng tăng giá mạnh mẽ như Bitcoin đã từng. Nên cậu mua đồng coin khác như là LUNA (khi ấy giá 1 coin LUNA là vẫn chỉ đâu đó khoảng 10$/đồng). Chỉ sau đó vài tháng, từ con số 5000$, tài khoảng của cậu đã x12 lần khi mà lần đầu tiên đồng coin này chạm mức giá 120$/ đồng.

Ấy vậy mà cũng chẳng ai ngờ, là chỉ sau đó chưa đến một năm, mọi thứ dường như trở thành một nỗi “ác mộng” đôi với cả hai.

Tình hình căng thẳng Nga – Ukraine diễn ra, chuỗi cung ứng hàng hoá đình trệ, giá năng lượng tăng cao gây ra lạm phát tại Mỹ và châu Âu, dẫn đến tình trạng suy thoái bắt đầu diễn ra. Tuy nhiên đó mới là câu chuyện ở thế giới, còn Việt Nam thì sao? Chịu ảnh hưởng từ những nền kinh tế khác (do chúng ta là nền kinh tế có độ mở gần như là 100%), tuy nhiên chúng ta lại có những vấn đề rất riêng – những Chủ tịch của những doanh nghiệp BĐS lớn bị sa vào vòng lao lý: ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng thị trường ck, ông Đỗ Anh Dũng bị bắt vì phát hành lô trái phiêu sai pháp luật, ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vì làm giá cổ phiếu. Những thông tin này đánh trực tiếp vào ttckvn nói chung và ngành bds nói riêng. Toàn bộ cổ phiêu trên thị trường giảm ít nhất 20-30%, riêng ngành bds, đã có những cổ phiếu giảm tới 70% từ vùng đỉnh. Đang từ một người lãi ra một con xe ô tô mới, thì anh bạn tôi nay vẫn đang gồng lỗ cho những CEO, FLC, DIG mà anh lỡ mua thêm ở vùng đỉnh. Đã hơn 4 tháng thôi qua, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa thể hồi phục được về vùng giá trước đây. Anh bạn tôi giờ đây thì cũng ít nói về chứng khoán hơn, làm thêm được đồng nào thì cũng chỉ gửi tiết kiệm cho dù giờ lãi suất thực cũng chỉ 5-6%, chờ ngày tài khoản chứng khoán “về bờ” để cắt lỗ. Anh cũng nói rằng anh sợ chứng khoán.

Ít nhất là anh vẫn còn khá hơn cậu em tôi khi anh còn biết “chốt lời” một phần để mua ô tô, ít nhất anh vẫn thực hiện hoá lợi nhuận ra thành một thứ vật chất thực tế mà anh có thể sử dụng được. Cậu em tôi, là một người của công nghệ, nên cậu rất tin vào “tương lai”, nên khi LUNA đạt 120$/đồng, cậu quyết nắm giữ vì cậu tin là nó sẽ trở thành “Bitcoin thứ hai”. Thế nhưng mà cậu đâu biết đến cả “Bitcoin thứ nhất” cũng chẳng thể nào giữ được giá khi lạm phát diễn ra, và quan trọng hơn là đồng LUNA mà cậu nắm giữ, bỗng chỉ trong vài ngày, rơi một mạch về giá trị 0. Đang từ có gần 2 tỷ đồng, nay toàn bộ cả vốn lẫn lời của cậu đã biến mất. Công sức đầu tư hơn 1 năm của cậu giờ hoàn toàn vô giá trị. Cậu giờ không thể làm gì hơn ngoài việc ước rằng: giá như cậu đã chốt lời, và đi du lịch một chuyến, có lẽ giờ đã chẳng phải hối tiếc đến thế.

Hai con người, hai câu chuyện khác nhau, nhưng có lẽ nó rất quen thuộc với nhà đầu tư trong năm nay. Bất kể là thị trường tiền ảo hay chứng khoán, câu chuyện “thua lỗ”, “kẹt hàng” hay “ngoài đảo xa” đều được nhắc đến liên tục trên mọi diễn đàn, mọi cuộc hội thoại ở những quán cafe, hay cả trong câu chuyện gia đình mỗi cá nhân đầu tư trên thị trường. Một câu chuyện đối lập hoàn toàn so với chỉ một năm trước đó thôi, vô số người đã giàu lên từ đầu tư tài chính, có người thậm chí đổi đời hoàn toàn nhờ nó. Để giờ đây, khi nhắc về cụm từ “đầu tư tài chính”, thì thứ nhận lại là một sự lắc đầu ngao ngán đến từ nhà đầu tư F0, thậm chí những người còn chưa kịp tham gia vào thị trường này.

LIỆU CÓ MỘT CON ĐƯỜNG KHÁC ĐỂ ĐI?

Anh V.T.T (37 tuổi), sinh sống và kinh doanh cafe tại Đắk Lắk. Hành nghề kinh doanh cafe từ những năm 2010, đến nay, anh đã có cho mình 2 nhà vườn cùng một nhà máy chế biến cafe của riêng mình. Trong năm 2020, hoạt động kinh doanh của anh bị gián đoạn do đại dịch Covid, thế nhưng, anh không đến với những thị trường chứng khoán hay tiền số như nhiều người, mà anh lại tham gia một thị trường mà có lẽ sẽ khá mới với nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam: thị trường hàng hoá phái sinh.

Tuy có thể là mới với phần đông, nhưng đối với những người thương nhân cafe như anh T, thì họ tham gia thị trường này thực tế đã từ rất lâu.

Những người kinh doanh cafe như anh T. sẽ luôn phải quan tâm đến yếu tố mùa vụ. Nếu năm nay được mùa, giá của cafe sẽ bị giảm vì sản lượng cafe quá nhiều, ngược lại thì giá sẽ cao hơn nếu năm nay không được mùa. Chính vì thế nên điều anh T. rất quan tâm đó là làm thế nào để anh vẫn có thể bán được cafe của mình ở mức giá mà anh mong muốn bất kể lí do mùa vụ ra sao, vậy nên anh sử dụng một công cụ có tên gọi là “Hợp đồng tương lai” từ những ngày đầu tiên tham gia vào công việc kinh doanh.

Lối đi nào cho nhà đầu tư tài chính?

Thị trường hàng hoá phái sinh (ảnh minh hoạ)

Để hiểu đơn giản, thì bạn hãy hình dung như này:

Anh T. sản xuất được 100 tấn cafe, anh T. ra ngân hàng và đăng ký BÁN KHỐNG một hợp đồng tương lai có kỳ hạn cụ thể tuỳ theo người đăng ký, được bảo đảm (hay gọi là kí quỹ) bằng 100 tấn cafe mà anh T. có. Hành động này được gọi là “Phòng vệ giá”, tức là bất kể giá của cafe trên thị trường có diễn ra thế nào, cho dù anh T. có bán lỗ ở ngoài đời thực vì giá cafe giảm, thì anh vẫn không phải lo lắng vì phần lỗ đó được bù lại từ phần lợi nhuận đến từ hành động phòng vệ giá của mình. Như vậy, cafe mà anh bán ra vẫn đúng theo giá mà anh mong muốn. Bên cạnh đó, công cụ này cũng có thể sử dụng để mang tính đầu cơ hay đầu tư để kiếm thêm lợi nhuận.

Thực tế thì hàng hoá phái sinh đã xuất hiện từ rất lâu, trước cả khi anh T. mới bước vào nghề. Thị trường này đã có những bước đầu tiên phát triển vào những năm 2006. Lí do mà vì sao xuất hiện từ lâu mà thị trường này vẫn còn mới với nhiều người, chính là bởi để giao dịch phái sinh như vậy, yêu cầu phải có một lượng hàng hoá tương tự ở ngoài thực tế mới có thể giao dịch. Và những giao dịch này hầu như được thực hiện ở các ngân hàng, thì yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất: bạn phải là một “Doanh nghiệp”. Vậy nên nếu bạn không phải người kinh doanh hàng hoá tương ứng, thì có lẽ sẽ khó tiếp cận với những thị trường như vậy mà sẽ biết đến và tham gia thị trường chứng khoán nhiều hơn.

Nhưng kể từ sau năm 2018, thì thị trường hàng hoá phái sinh mới chính thức được đại chúng hoá thông qua việc Bộ Công Thương ký Quyết định cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam niêm yết giao dịch liên thông giữa các sở giao dịch và các cá nhân được tham gia thị trường. Giờ đây thì việc giao dịch hàng hoá phái sinh đã đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây: giao dịch có thể thực hiện ở bất cứ đâu thông qua phần mềm, chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính kết nối internet, thủ tục đơn giản, không còn phải ra ngân hàng và hoàn thiện hàng loạt giấy tờ, mà chỉ cần đăng ký mở tài khoản tại các thành viên kinh doanh được Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam cấp phép và thực hiện lựa chọn loại hàng hoá để giao dịch. Việc ký quỹ cũng đơn giản hơn rất nhiều khi nhà đầu tư không cần phải có sẵn đủ số lượng hàng ngoài thực tế, mà chỉ cần ký quỹ bằng 10-20% là đã có thể thực hiện việc giao dịch các hợp đồng tương lai kỳ hạn.

Những ưu điểm lớn nhất của thị trường này là giao dịch linh hoạt và sự minh bạch của thị trường này. Nếu so sánh với thị trường chứng khoán – thị trường phổ biến nhất hiện nay, cả hai thị trường đều là thị trường tài chính được pháp luật bảo hộ và có những nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, định nghĩa của “tạo lập” ở đây khá là đối lập nhau. Một nhà tạo lập ở thị trường chứng khoán chỉ ở một khu vực, lãnh thổ nhất định, hoàn toàn có thể thao túng giá cổ phiếu theo ý mình nhằm mục đích cá nhân. Còn với thị trường hàng hóa, vì nền kinh tế toàn thế giới đều phải tham gia vào dòng chảy của thị trường này, vậy nên rất khó (hoặc có thể nói là không thể) thao túng được giá của mỗi loại hàng hoá. Điều này giúp cho thị trường hàng hoá có tính minh bạch rất cao, nhà đầu tư có thể yên tâm khi tham gia thị trường.

Đặc điểm thứ hai là giao dịch linh hoạt. Thời gian khớp lệnh của thị trường chứng khoán là T+3 (tức 3 ngày sau khi mua cổ phiếu mới có thể bán và tiền bán cổ phiếu về sau 2 ngày), còn của thị trường hàng hoá là T+0. Nhà đầu tư hoàn toàn mở lệnh ngay lập tức khi thấy có cơ hội và đóng ngay khi thấy có rủi ro xuất hiện. Vì thời gian khớp lệnh của thị trường hàng hoá là T+0, không chỉ có vậy, thị trường hàng hoá còn có thể giao dịch hai chiều, nên những cơ hội đầu tư trên thị trường này xuất hiện hàng ngày. Ngoài ra, nếu bạn gặp phải thua lỗ, bạn có thể mua – bán đối ứng với vị thế hiện tại để giảm phần thua lỗ. Còn thị trường chứng khoán chỉ có thể giao dịch một chiều là mua lên, nên nếu thị trường giảm giá, không có cách nào khác để có thể giảm lỗ ngoài việc chờ giá cổ phiếu tăng trở lại hoặc cắt lỗ.

Vì đã quen với việc sử dụng công cụ phái sinh, cùng với việc cách thức tham gia thị trường giờ đây đã đơn giản hơn trước nhiều, nên anh T. dễ dàng làm quen với thị trường và thực hiện giao dịch những hợp đồng phái sinh để kiếm thêm lợi nhuận. Với những kiến thức và kinh nghiệm của mình trên thị trường cafe, anh T. hoàn toàn có thể kiếm được lợi nhuận 1-2%/tháng, tuỳ theo mức độ biến động của giá cả. Đặc biệt, trong thời gian căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, anh đã đánh giá rằng giá dầu sẽ tăng cao do nguồn cung dầu khí trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn, và đánh giá này của anh đã giúp anh kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá từ thương vụ “đầu cơ” này. Chỉ với số vốn khiêm tốn, khoảng 40 triệu, anh đã kiếm được 75 triệu đồng.

“Trong giai đoạn biến động, có thể những thị trường khác như chứng khoán hay tiền điện tử gặp khó khăn, thế nhưng với thị trường này thì lại là cơ hội, khi mà giá cả hàng hoá trên thế giới đang ở trong giai đoạn biến động bởi những yếu tố về chính trị – địa chính trị đang diễn ra rất nóng hiện nay”, Anh T. cũng nói thêm, “thực chất việc đầu cơ chưa bao giờ là việc an toàn, nhưng trong những cơ hội như hiện nay, nếu bỏ một lượng vốn an toàn để thực hiện việc đầu cơ thì từ con số nhỏ cũng có thể giúp nhà đầu tư đem về một khoản lợi nhuận đáng kể. Miễn đừng bị sa đà quá mức vào con đường đầu cơ để tránh gặp những rủi ro không đáng có”.

TIỀM NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH HÀNG HOÁ PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch hàng hóa của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước trong nửa đầu năm 2022 đã ghi nhận mức tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Những biến động lớn của giá cả hàng hóa nguyên liệu, cùng với sự đa dạng sản phẩm giao dịch trên thị trường hàng hóa phái sinh là các yếu tố đang thúc đẩy khối lượng giao dịch tăng đều đặn hàng tháng. Chỉ số hàng hóa MXV-Index – chỉ số thể hiện sự biến động của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, đã tăng 15% so với cuối năm 2021. Có thời điểm, chỉ số này đã vượt mức 3.000 điểm, là mốc chưa từng có kể từ khi bộ chỉ số hàng hóa được MXV ban hành. Trong đó, dầu thô vẫn là mặt hàng dẫn dắt xu hướng chung của thị trường, với mức tăng 35%.

So với thời điểm kết thúc quý 2/2021, giá dầu thô hiện đã tăng khoảng 66%. Trong khi giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng tăng từ 30 – 50%.

Lối đi nào cho nhà đầu tư tài chính?

Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam

Các thành viên trên thị trường giao dịch hàng hóa cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến số khó lường, thị trường vẫn sẽ đứng trước những biến động mạnh trong những tháng cuối năm.

“Thông thường, khi bước vào quý 3 hàng năm, thị trường hàng hóa sẽ bắt đầu hình thành chu kỳ mới. Chu kỳ này sẽ tăng dần lên và giá hàng hóa thường có những biến động vào cuối năm. Theo tôi, năm nay cũng không ngoại lệ và biến động giá có thể sẽ còn mạnh hơn so với năm trước” – Ông Trần Sơn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á chia sẻ.

Ông Đặng Đức Giang, Giám đốc phân tích Công ty CP Giao dịch hàng hoá Đông Nam Á cũng nhận định: “Thị trường hàng hoá từ quý 3 trở đi theo tôi sẽ vô cùng khó lường khi bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu cũng như những rủi ro tiềm ẩn về xung đột địa chính trị giữa nhiều quốc gia vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, khi thị trường biến động mạnh cũng là lúc chúng ta sẽ “đánh bắt” được những con cá lớn, những khoản lợi nhuận khổng lồ nhanh chóng.” ông nhấn mạnh, “vì vậy, các nhà đầu tư khi tham gia thị trường trong thời gian này cần tìm hiểu, phân tích thông tin, lên kế hoạch, chiến lược cụ thể cho các trường hợp có thể xảy ra để có phương án dự phòng cho những quyết định đầu tư của mình”.

Không còn chỉ là “sân chơi” của những nhà đầu tư lớn, những quỹ giao dịch lớn vì những mức ký quỹ cao (có mặt hàng yêu cầu mức ký quỹ tối thiểu là 30 triệu đồng). Nhưng kể từ sau tháng 11/2021, khi những hợp đồng năng lượng mini và micro được triển khai, giờ đây, những nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường.

Tính chung 6 tháng đầu năm, gần 70.000 hợp đồng Dầu thô WTI micro đã được giao dịch, chiếm 17% tỉ trọng giao dịch hàng hóa trên cả nước. Sản phẩm Dầu thô WTI tiêu chuẩn đứng thứ 2, chiếm 12,2%. Các vị trí tiếp theo đều là các hợp đồng tiêu chuẩn thuộc nhóm nông sản đang liên thông với sở Chicago bao gồm: Lúa mì Chicago (chiếm 7,5%), Ngô (chiếm 7,4%), Khô đậu tương (chiếm 6,8%) và Dầu đậu tương (chiếm 6,5%).

Tính đại chúng của thị trường cũng được nâng cao hơn. Nếu nhìn sang một thị trường được pháp luật bảo hộ khác tại Việt Nam là chứng khoán, có thể thấy tác động tích cực thế nào khi thị trường chứng khoán đến được với đại chúng nhiều hơn chỉ trong giai đoạn 2020 – 2021 vừa qua. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng thị trường hàng hoá trong tương lai phát triển mạnh mẽ như vậy. Đặc biệt là trong những thời gian gần đây khi mà thị trường hàng hoá có nhiều biến động.

Trong năm 2021, “siêu chu kỳ hàng hóa” có lẽ là cụm từ nổi bật nhất trên các phương tiện truyền thông, khi giá của các loại hàng hóa nguyên liệu đều tăng chóng mặt trong nhiều tháng liên tiếp và lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giao dịch hàng hóa đã nổi lên như một kênh đầu tư chính thống và đầy tiềm năng.

So với quãng thời gian hơn 10 năm hình thành, thị trường giao dịch hàng hóa mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018 tới nay. tính từ ngày 1/1/2021 đến 30/11/2021, tổng khối lượng giao dịch qua MXV là 759.236 lots với giá trị khoảng 739.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng giao dịch 69.021 lots, với giá trị khoảng 67.000 tỷ đồng/tháng. Khối lượng giao dịch trung bình phiên là 3.204 lots với giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với năm trước. Số lượng tài khoản mở mới trong năm qua đạt gần 7.000 tài khoản, nâng số tài khoản giao dịch hàng hóa tại thị trường Việt Nam lên gần mốc 20.000 tài khoản. Con số này mới chỉ chiếm khoảng 0.02% dân số Việt Nam (so với thị trường chứng khoán là 8%), với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như vậy cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này trong tương lai.

Kể từ năm 2018 cho đến nay, Bộ Công thương luôn có những chuyến thăm và làm việc với Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam – MXV nhằm lắng nghe những khó khăn cũng như thách thức của thị trường, liên tục tạo điều kiện nhằm mở các nút thắt, giải đáp các vấn đề về hành lang pháp lý giúp cho thị trường hàng hoá Việt Nam phát triển và liên thông hơn nữa với những thị trường trên thế giới.

Tính đến nay, MXV đã liên thông giao dịch với hầu hết các Sở giao dịch lớn nhất trên thế giới. Tầm vóc của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã được khẳng định và ghi nhận. Các hội thảo, sự kiện do MXV và các Sở giao dịch quốc tế phối hợp tổ chức đã gây được tiếng vang lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, mà còn gây ấn tượng mạnh đối với thị trường hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.

LỜI KẾT

Năm 2022 có thể là một năm ảm đạm với hầu hết nhà đầu tư khi mà tiền vẫn mất giá nhưng lại thiếu nơi an toàn để trú ẩn. Việc thay đổi thị trường có lẽ là một điều quan trọng mà nhà đầu tư nên tính đến trong thời điểm hiện tại. Không nên quá “bảo thủ” khi nhìn nhận thực tế thị trường hiện tại, vì có thể sẽ khiến bản thân bị bỏ lỡ những cơ hội khác, những cơ hội như thị trường hàng hoá phái sinh hiện tại sẽ là một cánh cửa khác dành cho dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư.

Biên tập

Chế Linh - Phòng phân tích và tin tức

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
SACT Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
2 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại