menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Đức Phòng

Liệu kịch bản đình lạm có xảy ra với kinh tế Mỹ?

Nền kinh tế số một thế giới đang đối mặt với thực tế: Lạm phát tăng cao trong khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Những lý thuyết về kinh tế đình lạm đang có dấu hiệu diễn ra và nếu tiếp tục được “hiện thực hóa” trên thực tế sẽ là cơn ác mộn

Lạm phát đạt đỉnh 4 thập kỷ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 12/2021 so với tháng liền trước, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11. Đà tăng cao và liên tục đã khiến lạm phát tại Mỹ kết thúc năm 2021 ở mức 7% - mức cao chưa từng có kể từ tháng 6/1982. Hiện thị trường tiền tệ đang đặt cược có tới 85% khả năng Fed sẽ có lần tăng lãi suất 0,25% đầu tiên vào tháng 3 tới, với tổng cộng ít nhất 3 lần tăng ở mức đó trong năm nay. Thậm chí một số định chế tài chính lớn như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Deutsche Bank dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất tới 4 lần trong năm nay để đối phó với áp lực lạm phát hiện đã vượt hơn 3 lần mục tiêu 2% mà Fed đặt ra.

"Fed sẽ buộc phải bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 tới và sẽ phải tăng lãi suất 4 lần trở lên trong năm nay, thậm chí có khả năng tần suất sẽ nhiều hơn thế trong năm tới", Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance nhận định. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hôm thứ Ba vừa qua cũng cho biết, Fed đã sẵn sàng có những hành động cần thiết để lạm phát cao không trở thành vấn đề "cố hữu".

Tuy nhiên, không chỉ lạm phát cao là vấn đề mà kinh tế Mỹ đối mặt hiện nay mà tăng trưởng chậm lại cũng đang là rủi ro lớn. Thực tế tăng trưởng đã chậm lại trong quý III/2021 đã phần nào dấy lên một số hồi chuông cảnh báo. Dù thị trường kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong quý IV vừa qua (hiện chưa có số liệu cuối cùng) và xu hướng đó sẽ tiếp tục trong năm 2022 nhưng những lo lắng kéo dài về chuỗi cung ứng và đại dịch Covid-19 phức tạp trở lại vì biến thể Omicron đang đe dọa kỳ vọng này khó trở thành hiện thực. Trong các dự báo cập nhật mới nhất, nhiều tổ chức đều nhìn nhận tác động tiêu cực hơn của các vấn đề nêu trên và bắt đầu điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế Mỹ nói riêng.

Nếu lạm phát tiếp tục tăng cao trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại gây ra tình trạng đình lạm, đây sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư, Fed và Chính phủ Mỹ. Đình lạm luôn là một bài toán khó có lời giải hoàn hảo, đặc biệt với các NHTW lớn như Fed. Có rất ít công cụ để cùng lúc chống được cả lạm phát cao và suy giảm kinh tế. Ví dụ, cách khắc phục mạnh nhất cho sự suy giảm kinh tế là nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất nhưng thực tế tại Mỹ, lãi suất đã gần như ở mức 0% trong suốt gần hai năm qua. Tức là dư địa cho nới lỏng hơn nữa gần như không còn.

Trong khi đó, cùng lúc lại xảy ra tình trạng lạm phát tăng vượt rất xa mục tiêu và kéo dài thì nhu cầu tất yếu là cần thắt chặt chính sách, tăng lãi suất để chống lạm phát - như hiện thị trường đang kỳ vọng và Fed trong những tuần gần đây đã phát ra các tín hiệu có thể sớm thực hiện. Tuy nhiên, việc thắt chặt nhiều khả năng có thể làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, càng gây áp lực lên khả năng phục hồi vốn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến thể Omicron và căng thẳng chuỗi cung ứng chưa được giải quyết.

Xác suất vẫn có, nhưng khó xảy ra

Tuy nhiên các chuyên gia nhìn nhận, tin tốt là nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở mức ổn định, người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu. Và ngay cả khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, thì điều đó cũng khó có thể xảy ra với tốc độ hoặc quy mô nhanh đến mức có thể gây thiệt hại quá nhiều cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Như theo Jim Reid, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại Deutsche Bank, hệ thống vẫn có đủ kích thích để không phải lo lắng về rủi ro đình trệ trong nhiều quý tới.

Nhưng điều khiến thị trường lo ngại hiện nay là với việc cùng lúc có quá nhiều biến số lớn phải đối phó đang làm tăng khả năng Fed có thể đánh giá sai thời điểm và thắt chặt chính sách quá mạnh. "Luôn có nguy cơ xảy ra sai sót trong đưa ra quyết định chính sách. Fed đang mang trong mình quả bóng hạt nhân về chính sách tiền tệ, vì vậy có khả năng xảy ra sai lầm", Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco nhận định. Tuy nhiên chuyên gia này cũng không quá lo lắng Fed sẽ hành động quá mức.

"Chúng ta luôn muốn cảnh giác về mọi thứ, trong đó có nguy cơ đình lạm, nhưng hiện tỷ lệ thất nghiệp không cao và tăng trưởng kinh tế vẫn đang ở trên xu hướng trước đại dịch. Liệu chúng ta có gặp phải rủi ro đình lạm trong một môi trường lãi suất tăng không? Xác suất vẫn có, nhưng rất khó có thể xảy ra", chuyên gia này nêu quan điểm.

Một lo ngại khác khiến Fed có thể đưa ra các quyết sách sai lầm là vì các lý thuyết, kinh nghiệm và bài học đối phó với lạm phát cao do đại dịch cũng gần như chưa có. Các NHTW đã phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ gần đây, nhưng thực tế không có một cuốn sách hiện đại nào bàn về cách xử lý với mối đe dọa lạm phát gây ra do một đại dịch toàn cầu như Covid hiện nay. "Khung chính sách tiền tệ của Fed về cơ bản đang được thử nghiệm trong thời gian thực. Nhưng đáng tiếc là không có nhiều hướng dẫn từ quá khứ cho bối cảnh hiện nay", John Leer, chuyên gia kinh tế trưởng của Morning Consult cho biết.

Tại thời điểm này, có vẻ như giá cả tăng cao là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng phàn nàn nhưng mới là vấn đề cần báo động chứ chưa phải là một yếu tố đe dọa kinh tế nghiêm trọng. Mối quan tâm lớn hiện nay không phải là liệu lạm phát nghiêm trọng có xảy ra hay không - vì thực tế nó đã xảy ra rồi - mà nó sẽ tiếp tục kéo dài trong bao lâu. Bởi khi nền giá cao được duy trì mà không giảm đi sẽ gây ra một vòng phản hồi tiêu cực hơn khi các doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh việc tăng giá hàng hóa và dịch vụ, trong khi người lao động sẽ đòi hỏi phải được trả lương cao hơn để trang trải chi phí. Khi lạm phát kéo dài làm xói mòn khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, buộc họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn hơn trong quyết định việc mua gì, điều đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.

Đó là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng, cần theo dõi xem liệu người tiêu dùng Mỹ có thực sự chậm chi tiêu đi vì giá cả tăng trong thời gian tới hay không. Nếu điều đó xảy ra, đó là lúc phải lo lắng về tình trạng đình lạm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại