Lạm phát và áp lực từ thị trường tài sản
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và khó vượt mức mục tiêu 4% trong năm nay, song có nhiều yếu tố khiến áp lực lạm phát có thể nhanh chóng bùng phát.
Cẩn trọng rủi ro bong bóng tài sản
Theo các chuyên gia, lạm phát đang chịu nhiều áp lực từ chi phí đẩy. Bên cạnh đó thêm một áp lực đáng quan ngại không kém đến từ thị trường tài sản. Nổi lên là hiện tượng sốt đất (bong bóng thị trường BĐS) và mặt bằng chứng khoán tăng cao một cách khó lý giải, dẫn tới sự “lệch pha” ngày càng lớn với nền kinh tế thực. Điều đó đang đặt ra những hệ lụy lâu dài với ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), đặc biệt là lạm phát.
“Tôi e rằng nếu chứng khoán mà cứ tiếp tục lên theo kiểu hiện nay (chủ yếu tăng do các hoạt động đầu cơ kiếm chênh lệch giá trên thị trường cấp) trong khi nền kinh tế đang bị tác động rất mạnh vì Covid thì TTCK hiện tại không còn là “hàn thử biểu” phản ánh nền kinh tế nữa. Và nếu cứ tiếp tục nóng sốt xình xịch như thế này sẽ tạo ra bong bóng nguy hiểm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, người từ đầu năm nay đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ hình thành bong bóng trên TTCK, nhận định.
Trong khi đó trên thị trường BĐS, dù đã có những dấu hiệu lắng dịu trong thời gian qua sau những động thái quyết liệt của các cơ quan quản lý nhưng rủi ro vẫn hiện hữu. Đặc biệt, sự lưu thông, luân chuyển giữa chứng khoán và BĐS là vấn đề lâu nay đã được khẳng định, và cứ một kênh tăng nóng thường sau đó sẽ thấy dòng tiền đổ vào kênh còn lại. Và một khi các thị trường này rơi vào trầm lắng sẽ gây ra vòng xoáy áp lực đến ổn định vĩ mô, trong đó có lạm phát.
Theo TS. Phạm Sỹ An - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chưa đến mức lo ngại sự tăng giá của các thị trường tài sản như chứng khoán và BĐS có thể khiến bong bóng phình to và vỡ trong thời điểm hiện nay, nhưng có thể coi các bóng bóng này đã bắt đầu manh nha xuất hiện. Đứng ở góc độ nhà đầu tư, trong bối cảnh cơ hội đầu tư vào các hoạt động sản xuất thực ít hơn thì việc họ tìm đến các kênh đầu tư khác có thể sinh lời tốt hơn như BĐS, chứng khoán cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đứng ở khía cạnh tổng thể của nền kinh tế thì điều này có thể gây ra rủi ro, nhất là khi diễn ra tình trạng tăng nóng và hình thành bong bóng trên các thị trường này.
“Khi bong bóng phình dần lên lại càng thấy khả năng sinh lời càng lớn, và như vậy thì người ta càng đổ tiền vào, thậm chí hút tiền từ các hoạt động sản xuất thực và khiến bong bóng càng phình to hơn và rủi ro bong bóng vỡ xuất hiện. Dù hiện nay bong bóng mới bước đầu hình thành nhưng cảnh báo từ sớm để các cơ quan quản lý vào cuộc có các biện pháp hạ nhiệt là cần thiết”, TS. An nói.
Tháo van và không để “hạ cánh cứng”
Trước câu hỏi nhận định các thị trường BĐS và chứng khoán sau tăng nóng liệu sẽ “hạ cánh cứng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chắc chắn các thị trường này phải được “hạ cánh mềm”, bởi nếu để “hạ cánh cứng” - bong bóng vỡ - là rất nguy hiểm đó, tạo ra những hỗn loạn trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến ổn định KTVM và lạm phát. Theo đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp không nên có những biện pháp quá mạnh để điều chỉnh thị trường, nhưng cần có những biện pháp siết lại các “van” nơi các nguồn tiền chảy vào hai thị trường tài sản này để cho các thị trường từ từ hạ nhiệt.
Trong đó, chuyên gia này cho rằng các TCTD có vai trò chốt chặn quan trọng. “Đảm bảo khách hàng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích, tránh tình trạng khách hàng vay sử dụng sai mục đích, đầu tư vào chứng khoán. Để làm được điều này, NHNN cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đưa ra các tiêu chí hết sức chặt chẽ để kiểm soát, xử lý các hiện tượng lách luật”, TS. Hiếu khuyến nghị.
Trong khi đó, TS. An cho rằng, các biện pháp kiểm soát chặt mà NHNN đưa ra trong thời gian gần đây chính là để đóng góp vào việc tháo các ngòi nổ bong bóng của các thị trường này.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, tiền đổ vào các thị trường này không chỉ từ tín dụng ngân hàng mà còn từ nhiều nguồn khác. Đơn cử theo TS. Đặng Ngọc Đức, tiền đổ vào khiến chứng khoán, BĐS tăng mạnh trong thời gian qua đến từ nhiều nguồn nhưng đáng chú ý là nguồn tiền không phải đến mạnh từ phía các TCTD. “Chúng ta thấy thị trường BĐS, TTCK rất sôi động và tăng giá mạnh, nhưng theo các báo cáo của NHNN thì tỷ trọng cho vay đối với các lĩnh vực này không tăng bất thường. Tôi cho rằng nguyên nhân một phần là vì lượng tiền nhàn rỗi khi các doanh nghiệp không đầu tư được vào sản xuất kinh doanh nên đã đưa vào các thị trường này”, TS. Đặng Ngọc Đức nói và cho rằng, như vậy nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, cầu tiêu dùng phục hồi thì các dòng tiền như vậy sẽ được rút ra để trở về với sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng một phần giúp các thị trường tài sản này không còn tăng nóng nữa.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường các cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư mới khi tham gia các thị trường này. Thực tế 5 tháng đầu năm nay, TTCK có thêm trên 480 nghìn tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới, vượt 20% số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Đây là nguồn không nhỏ khiến một lượng tiền khổng lồ chảy vào thị trường thời gian qua và cho thấy nhu cầu “kiếm” lợi nhuận qua kênh chứng khoán là rất lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận