Ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay
Thời điểm trước Tết nguyên đán 2024, lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi dao động khoảng 7-8%/năm, tuy nhiên hiện tại nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay còn 5%/năm. Đồng thời, thủ tục giải ngân hồ sơ cho khách hàng cũng trở nên "thoáng" hơn được cho là cơ hội giúp người dân, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, góp phần “rã băng” thị trường bất động sản (BĐS).
Tiên phong là “ông lớn" ngân hàng nhà nước Agribank vừa điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà giảm còn 6%/năm áp dụng thời gian vay tối đa 6 tháng. Với khoản giải ngân thời hạn trên 6-12 tháng, mức lãi suất cho vay tối thiểu là 6,5%/năm. Đối với khoản vay trung và dài hạn, mức lãi suất cho vay trong 24 tháng đầu tiên là 6,5%/năm. Kể từ năm thứ 3, mức lãi suất cho vay sẽ thả nổi.
Cùng với Agribank, loạt ngân hàng khác cũng đua nhau điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà theo chiều hướng ưu đãi như: Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay mua bất động sản ưu đãi thấp nhất là 6%/năm; VietinBank 5,7%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và 6,45% một năm với khách hàng vay trung, dài hạn; VPBank 5,9%/năm cho 6 tháng đầu năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 3% mỗi năm.
Tiếp đến BIDV cũng triển khai gói vay vốn nhà ở với lãi suất hấp dẫn nhất thị trường chỉ từ 5%/năm, thời gian vay tới 30 năm, hạn mức tối đa 100% nhu cầu vốn. Trong đó, BIDV áp dụng mức lãi vay 5%/năm trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên và 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân.
Tương tự, Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong thời gian ưu đãi 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong thời gian ưu đãi 6 tháng hoặc 6,8%/năm cho thời gian 12 tháng.
Trong khi đó, ngân hàng ACB vừa công bố lãi suất cho khoản vay ngắn hạn là 8,24%/năm và trung hạn là 9,82%/năm; mức lãi suất của hiện chỉ từ 5%/năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 2%/năm,…
Có thể thấy, các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng từ 5% đến 10,5%/năm. Tuy sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng từ 8% đến 13% mỗi năm. Dù mức lãi xuất hiện tại đã giảm so với năm 2023 song người dân vẫn chưa an tâm để vay mua nhà.
Thị trường BĐS cần thêm chất xúc tác
Chị Lê Thị Bích Trâm (ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, dù đã nắm được thông tin các ngân hàng giảm lãi vay mua nhà chỉ từ 5%/ năm, nhưng vẫn đang lưỡng lự trong quyết định mua nhà bởi thu nhập không ổn định: “Lãi xuất giảm chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là mức lãi suất đó phải hợp lý, ổn định” – chị Trâm nói.
Tương tự, anh Nguyễn Lý Thọ (ngụ quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, chỉ dám mua nhà khi lãi suất cho vay 5%/năm duy trì ít nhất trong 5 năm đầu.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group nhận định, lãi suất cho vay đang ở mức thấp là điều kiện thuận lợi cho người dân vay mua nhà. Các ngân hàng không khó về điều kiện cho vay mà chỉ chuẩn chỉnh lại vấn đề cho vay. Ông Thắng ủng hộ vấn đề này nhằm tránh sự nhiễu loạn và gây nợ xấu trên thị trường BĐS.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nếu thật sự có nhu cầu mua để ở thì giai đoạn này người mua nhà đang có lợi thế nhờ lãi suất thấp, thị trường không tăng nóng.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh đánh giá, lãi suất cho vay mua nhà “hạ nhiệt” với nhiều ưu đãi là bước đi rất quan trọng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét kỷ mức lãi suất cho vay ưu đãi được ngân hàng áp dụng trong thời gian bao lâu cũng như các khoản phí đi kèm.
“Về mặt lý thuyết, lãi suất giảm sẽ tạo sức cầu cho thị trường BĐS. Tuy nhiên đi vào thực tế, yếu tố lãi suất cho vay giảm hay ở mức thấp chỉ là một trong những yếu tố tác động vào quyết định mua nhà của người dân, vì họ còn phải tính đến sự ổn định của công việc, biến động của thu nhập” – luật sư Thảo nói và nhấn mạnh, bên cạnh vấn đề lãi suất, hiện thị trường BĐS với cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, khiến người thu nhập thấp càng ngại đi vay mua nhà.
“Thị trường BĐS hiện đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng triển vọng về sự phục hồi sớm vẫn còn là dấu hỏi. Do đó cả doanh nghiệp và người dân đều phải nắm bắt thông tin tài chính một cách cẩn trọng” – luật sư Thảo nói thêm.
Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, lãi suất cho vay BĐS đang dò đáy là cơ hội để thị trường BĐS sôi động trở lại. Tuy nhiên, thiếu nguồn cung nhà ở phù hợp túi tiền là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tín dụng BĐS khó có thể bùng nổ ngay được.
Chia sẻ thông tin hữu ích