Từ hôm qua, 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm một loạt lãi suất điều hành. Cụ thể: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Cùng với quyết định trên, NHNN cũng ban hành các quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số lĩnh vực ưu tiên.
Đây là lần giảm lãi suất điều hành thứ 2 trong năm nay của NHNN. Trước đó, hồi giữa tháng 3, cơ quan này cũng giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi VND. Năm 2019, NHNN có một lần điều chỉnh lãi suất vào tháng 9.
Lãnh đạo NHNN cho biết, quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt việc hạn chế sự lây lan Covid-19 khi đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế. Đến nay, khi cơ bản hoàn thành việc chống dịch, để thúc đẩy các hoạt động kinh tế quay lại guồng quay cũ, giảm lãi suất và tăng cung tiền được xem là 2 biện pháp hỗ trợ nhanh nhất.
Đánh giá tác động tổng hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như gói đầu tư công (ước tính khoảng 20% GDP), nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng việc thực hiện hai chính sách trên được kỳ vọng mang lại sự phục hồi kinh tế sau dịch.
Trong đó, cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn, đồng thời tăng khả năng trả nợ của người đi vay và tăng nhu cầu vay vốn, từ đó gián tiếp giảm nợ xấu.
“Việc giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, ước tính 10% năm nay”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam viết.
Lịch sử điều chỉnh lãi suất của NHNN. Nguồn: Báo cáo MASVN
Cùng quan điểm với công ty chứng khoán của Hàn Quốc, Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, bối cảnh vĩ mô cũng hoàn toàn thuận lợi khi lạm phát đang duy trì ở mức thấp và tỷ giá vẫn đang ổn định trong thời gian gần đây giúp hạn chế rủi ro của việc cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, việc hạ lãi suất điều hành lần này của NHNN có tác động tích cực nhiều hơn lên hệ thống ngân hàng và có thể sẽ tác động tới nền kinh tế mạnh hơn đợt giảm lãi suất của NHNN vào tháng 3 vừa qua.
Một loạt các loại lãi suất đầu vào cho ngân hàng đặc biệt lãi suất huy động tối đa kỳ hạn ngắn giảm mạnh hơn kỳ trước sẽ giúp các ngân hàng giảm được chi phí huy động đáng kể. Việc này sẽ giúp các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp gia hạn nợ và cơ cấu lại các khoản vay. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào nay lại càng dồi dào hơn.
Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc được gia hạn nợ và cơ cấu lại các khoản vay thì việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,5% có thể sẽ không thực sự thúc đẩy nhu cầu tín dụng gia tăng từ phía doanh nghiệp.
Việc tăng trưởng tín dụng thấp không hẳn do thiếu thanh khoản mà mấu chốt vẫn nằm ở vấn đề liệu tình hình dịch trong nước, trên thế giới có được kiểm soát và không quay trở lại hay không, đặc biệt ở các quốc gia giao thương lớn với Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Bởi nếu nhu cầu đầu tư còn yếu thì dù lãi suất có thấp doanh nghiệp cũng không vay và các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng trong việc giải ngân vì lo ngại nợ xấu.
Điểm tích cực là hiện nay dịch bệnh Việt Nam đã được kiểm soát và chính phủ đang cố gắng để dịch bệnh tái phát lần 2, thêm vào đó việc đẩy mạnh đầu tư công trong 2 quý cuối năm sẽ giúp tăng trưởng cải thiện hơn.
Báo cáo của Yuanta Securities Việt Nam dự báo, nếu như 2 năm gần đây, tín dụng mảng hoạt động khác (bao gồm dịch vụ) chiếm tỷ trọng ngày càng cao (khoảng 36,9%) thì năm nay lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ có tỷ trọng tăng lên so với 2 năm trước.
Dù đánh giá tích cực, các nhóm phân tích cũng đưa ra một số lưu ý. Cụ thể Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất hiện không còn nhiều. Hoạt động tăng chi tiêu công để thúc đẩy nền kinh tế cũng đã đạt giới hạn và thâm hụt ngân sách có thể lên đến 3,44% GDP trong năm nay. Vì vậy, ngoài giảm lãi suất, cần phối hợp đồng thời cả nới lỏng tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.
Chia sẻ thông tin hữu ích