menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Hà

Kìm đà tăng giá xăng, dầu bằng cách nào?

Bộ Tài chính đang tính toán đến việc trình phương án giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường để kìm đà tăng giá xăng dầu, góp phần giảm áp lực lạm phát.

Từ 15h ngày 13/6, giá mỗi lít xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng ở mức 800-880 đồng/lít, đẩy giá xăng RON95 lên mức 32.375 đồng/lít, ở mức cao nhất trong lịch sử.

Kìm đà tăng giá xăng, dầu bằng cách nào?

Trong bối cảnh giá xăng, dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát. Trong đó, Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Đồng tình, góp ý về một số giải pháp góp phần kìm đà tăng của giá xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu quan điểm có thể xem xét, trình Quốc hội kéo giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh thì cho rằng: "Loại thuế cần phải bỏ hẳn đi là thuế tiêu thụ đặc biệt trong cơ cấu tính giá bán xăng dầu; thuế cần giảm là thuế nhập khẩu và VAT, thay vì giảm thuế bảo vệ môi trường. Hiện người tiêu dùng đang phải đóng gần 7.000 đồng 3 loại thuế này cho việc tiêu thụ mỗi lít xăng, dầu".

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết sắp tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng thiết yếu này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn cho rằng để giảm giá xăng dầu không chỉ quan tâm đến việc giảm thuế mà còn phải thực hiện đồng bộ những chính sách khác cũng như quan tâm đến quan hệ cung - cầu và đẩy mạnh nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu có 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng (10%); thuế nhập khẩu (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%); thuế bảo vệ môi trường (1.000-4.000 đồng/lít). Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu. Hiện các mặt hàng xăng, dầu không phải chịu bất kỳ khoản phí, lệ phí nào.

Tuy nhiên, sau khi được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4 vừa qua, tỷ trọng thuế đối với mặt hàng xăng là 29-31%, đối với dầu diesel là 13,3%.

Tại Nghị quyết 77/2022 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được ban hành, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng, dầu trong nước, nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân cũng như không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng việc giảm quá nhiều thuế đối với mặt hàng xăng, dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng, lúc này Nhà nước nền trích phần vượt thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu thô để trợ giá xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp như nhiều nước đã thực hiện.

Cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hoá dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định; là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá nhạy cảm với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế. Đồng thời, với nguồn thu tăng lên từ khai thác dầu, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng, dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng.

Ngoài ra, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, lại cho rằng Nhà nước có thể cân nhắc sử dụng công cụ chính sách an sinh hỗ trợ đối tượng yếu thế thay vì thực hiện một cách đại trà vừa là cách để thực hiện chính sách an sinh xã hội vừa đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo tính toàn của các chuyên gia VEPR, khi giá xăng, dầu tăng 10%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng giảm khoảng 0,5%. Tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% và gas khoảng 1,45%. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại