menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Hòa

Kịch bản nào cho tăng trưởng GDP 2021?

Tăng trưởng quý 3/2021 giảm 6,17% - con số vượt mọi dự báo của các viện nghiên cứu kinh tế trong nước. Theo đó, nhận định về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đã thay đổi, cùng với đó là những khuyến cáo liên quan tới phương thức chống dịch, mở cửa trở lại nền kinh tế và những rủi ro tài chính.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ giảm sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%, cũng là nguyên nhân chính dẫn tới GDP giảm "shock". Tính chung 9 tháng tăng trưởng GDP đạt 1,42%.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, trong đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn tại các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp của cả nước như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ...

Cho đến thời điểm trước công bố của Tổng cục Thống kê, đa số các dự báo, nhận định của các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu trong nước còn khá lạc quan về mục tiêu tăng trưởng Việt Nam năm 2021, và mức giảm 6,17% của quý 3 có phần bất ngờ.

Mới đây nhất, 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn đưa dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 4,8% và đạt 6,5-7% từ năm 2022 trở đi.

Trước đó, các viện nghiên cứu trong nước và nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt trung bình từ 4,5-5,1% không quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu dựa vào con số Tổng cục Thống kê vừa công bố, để GDP cả năm đạt mức tăng từ 3-3,5% thôi thì quý 4 tăng trưởng GDP phải đạt từ 5,3-7% - con số không dễ đạt được trong bối cảnh hiện tại.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt trên dưới 3% trong điều kiện kiểm soát được dịch bệnh trong quý 4 và nền kinh tế dần hồi phục trở lại.

Trong khi đó, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định việc giảm sâu của lĩnh vực dịch vụ cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine và giãn cách xã hội phù hợp.

“Đã đến lúc Việt Nam cần thống nhất thay đổi mô hình phòng chống dịch bệnh phù hợp hơn, hiệu quả hơn, cũng như mô hình sản xuất – kinh doanh linh hoạt, an toàn trong điều kiện mới”, ông Lực nói.

Để tạo sức bật cho nền kinh tế trong quý 4, TS. Cấn Văn Lực cho rằng ngoài dựa vào nông nghiệp, cần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ sẽ phục hồi cùng với đà mở cửa của nền kinh tế.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo tăng trưởng GDP 2021 có thể chỉ đạt 1,2-1,8% do tác động của dịch bệnh.

"Quý 4/2021 có thể tiếp tục tăng trưởng thiếu tích cực. Theo thông lệ quốc tế, 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm thì coi bị là suy thoái. Những nhân tố nền tảng để phục hồi hiện rất yếu như nguồn lực hiện hữu của doanh nghiệp, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế", ông Nghĩa nói.

Để phục hồi tăng trưởng trong ít nhất quý 4/2021, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào một số lĩnh vực như vận tải, thương mại, dịch vụ, bản lẻ, công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu, những ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da, gỗ… và nông nghiệp.

Vị này đề xuất, cần có những gói cứu trợ lớn hơn nữa từ Chính phủ với sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khoá và tiền tệ. "Chính phủ các nước đã đưa ra những gói kích thích kinh tế lên tới hàng ngàn tỷ USD. Ngay cả Thái Lan cũng đã có những gói kích thích kinh tế hàng chục tỷ USD. Trong khi chúng ta gần như không có gói hỗ trợ nào lớn nào", ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo, hệ thống ngân hàng đang chịu những rủi ro rất lớn khi 5 năm trở lại đây tổng tài sản đã tăng rất nhanh, tiềm ẩn rủi ro khi chứa đựng trong đó là nợ xấu và vấn đề thanh khoản trong trung hạn. Theo đó, việc quan trọng cần làm ngay là củng cố ổn định hệ thống ngân hàng để làm nền tảng cho phát triển dài hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại