menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chi An

Khát vốn đầu tư, TP.HCM huy động từ đâu?

 Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM là 142.557 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ bội chi ngân sách TP.HCM là hơn 14.873 tỷ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách TP.HCM là hơn 127.638 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng hụt thu ngân sách khiến việc cân đối chi đầu tư trở thành bài toán khó. Để giải bài toán này, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có phương án đấu giá công khai quỹ đất công.

Áp lực đè lên ngân sách địa phương

TP.HCM đã thống nhất phân bổ vốn đầu tư công trung hạn gần 122.000 tỷ đồng và dự phòng hơn 20.623 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Danh mục các dự án đầu tư, tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 đều mang tính trọng điểm, cấp thiết như: Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với hơn 6.562 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng); Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) với 500 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng); Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 với 2.000 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư 11.132 tỷ đồng); Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2 với 1.100 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư 11.281 tỷ đồng); Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với hơn 8.882 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 (trong tổng số vốn đầu tư 9.976 tỷ đồng)…

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, chỉ tính riêng việc ưu tiên đầu tư xây dựng 4 cầu mới (Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Qưới - Rạch Chiếc) để giải tỏa áp lực giao thông, TP.HCM đã cần nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, cầu Cần Giờ có chiều dài 3,9 km, mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 (TP. Thủ Đức nối Quận 7) có tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.900 tỷ đồng; hai dự án cầu Bình Quới và cầu Bình Quới - Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức nối quận Bình Thạnh) có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Đây là những dự án đã được hình thành trên dưới 10 năm, cấp thiết đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, không thể lùi, hoãn.

Trong khi đó, Sở Tài chính TP.HCM thông tin, hụt thu ngân sách của Thành phố đang rất lớn khi chỉ đạt một nửa so với trước đây (chỉ 700 - 800 tỷ đồng/ngày). Đồng thời, việc TP.HCM chi khẩn cấp hơn 38.000 tỷ đồng để phòng, chống dịch thời gian qua khiến Thành phố ở thế khó khăn trong sắp xếp vốn cho đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Cần nhiều giải pháp để tăng nguồn thu

Để bù hụt thu ngân sách cũng như cân đối vốn cho các dự án đầu tư, cần có nhiều giải pháp để huy động. “TP.HCM có thể phát hành trái phiếu, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ tăng điều tiết ngân sách cho Thành phố, khai thác các quỹ đất công có giá trị, đặc biệt cần huy động nguồn vốn tư nhân trực tiếp tham gia vào các dự án hạ tầng thông qua phương thức PPP…”, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, để gỡ khó cho bài toán huy động vốn trong thời điểm doanh nghiệp đang cần thời gian và cả sự hỗ trợ của Thành phố nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, TP.HCM trông chờ rất nhiều vào quỹ đất tiềm năng chưa khai thác. Bài toán này chỉ được giải thông qua đấu giá công khai, minh bạch để thu hút các doanh nghiệp có thực lực tham gia.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện TP.HCM có 13 dự án có thể giao đất thu tiền sử dụng đất trong năm 2021. Bên cạnh đó, có 4 khu đất có thể tiến hành bán đấu giá công khai với sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tổng nguồn vốn huy động từ các dự án này sẽ bù đắp cho TP.HCM hơn 21.000 tỷ đồng, phục vụ đầu tư. Hồ sơ mua bán tài sản gắn liền với đất của TP.HCM đang tồn rất lớn (gần 100.000 bộ hồ sơ). Số hồ sơ này cũng đem lại nguồn thuế lớn cho TP.HCM để dồn lực cho các dự án cấp bách. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm có hơn 95.000 hồ sơ mua bán tài sản gắn liền với đất cần giải quyết, số thu thuế khoảng 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hiện có gần 500 địa chỉ nhà đất công đang được TP.HCM quản lý. Trong đó, 70 địa chỉ nhà đất công có khả năng xử lý, sắp xếp để bán đấu giá quyền sử dụng.

Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận định, việc thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án hạ tầng hiện rất khả thi vì khung pháp lý đã hoàn thiện. “Không chỉ dự án cầu mà dự án hạ tầng đô thị như nạo vét kênh mương sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo đô thị, tăng giá trị rất lớn cho khu vực. Do đó, nếu TP.HCM có sự chuẩn bị đồng bộ, huy động nguồn lực cho những dự án này hoàn toàn trong tầm tay của các nhà đầu tư”, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại