menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Long

Kết quả kinh doanh quý I trái chiều của các doanh nghiệp ngành hàng không

Với những sự phục hồi tích cực của ngành hàng không, nhiều doanh nghiệp đã đón nhận tin vui về kết quả kinh doanh trong quý I.

Ngành hàng không trải qua năm 2021 khó khăn vì sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Nhiều tháng phong tỏa cùng các hạn chế đi lại đã khiến cho nhiều công ty trong ngành rơi vào tình trạng lao đao với kết quả kinh doanh giảm sút. Tuy nhiên, năm nay ngành hàng không được dự báo là sẽ phục hồi trở lại vì Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố đầu tháng 3 dự báo, thị trường hàng không sẽ phục hồi vược mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt khách. Thị trường nội địa sẽ phục hồi sớm hơn, ngay trong năm 2022 với mức phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường nội địa Việt Nam phục hồi ở mức 96%.

Còn theo SSI Research sản lượng hành khách nội địa của Việt Nam ước đạt 70% mức trước dịch Covid (từ 40% trong năm 2021), trong khi sản lượng hành khách quốc tế ước đạt 20% mức trước Covid (từ 0% trong năm 2021).

Theo Cục hàng không Việt Nam, việc vận chuyển hành khách nội địa thông qua các cảng hàng không trong quý I dự kiến đạt 13 triệu khách, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2021, vận chuyển hàng hóa nội địa khoảng 98.000 tấn, giảm 5%. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển khoảng 6,5 triệu hành khách nội địa, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 48.400 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ 2021.

Lượng hành khách quốc tế thông qua các sân bay trong nước quý này đạt 321.000 khách, tăng 176,2%, hàng hóa quốc tế khoảng 292.000 tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2021. Các hãng hàng không nội trong quý I đã vận chuyển 141.600 khách quốc tế, tăng 441%, vận chuyển 38.000 tấn hàng hóa quốc tế, tăng 113,9%.

SSI Research cũng cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành hồi phục gần như là điều chắc chắn nhưng có thể không đạt kết quả quá khả quan trong nửa đầu năm vì việc mở cửa trở lại biên giới vẫn cần được quan sát sau khi thử nghiệm trong vài tháng. Tuy nhiên đến nửa cuối năm sẽ chứng kiến sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ hơn.

Kết quả kinh doanh quý I trái chiều của các doanh nghiệp ngành hàng không
Đơn vị: Tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của ACV tăng trưởng nhẹ trong quý này.

Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV, UPCoM: ACV) ghi nhận doanh thu 2.108 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2021. Giá vốn hàng bán giảm 6,2% còn 1.453 tỷ đồng kéo theo biên lãi gộp tăng từ 18,6% lên 31,1%.

Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 26,5% còn 662,8 tỷ đồng do lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá giảm cuối kỳ. Dù vậy, lãi sau thuế của công ty vẫn tăng 1.5% đạt 874,9 tỷ đồng. Việc lượng khách nội địa qua các cảng hàng không giảm là một trong những nguyên nhân làm kết quả kinh doanh quý này của ACV tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước dù Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn.

SSI Research cũng kỳ vọng lợi nhuận của ACV sẽ tăng mạnh bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 vì hành khách quốc tế quay trở lại sẽ chiếm phần lớn lợi nhuận cao như những năm trước dịch Covid-19 gần đây.

Vietjet ghi nhận lợi nhuận quý I gấp đôi so với cùng kỳ năm trước

Trong quý I, hãng hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đạt doanh thu 4.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 99% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ kinh doanh vận chuyển hành khách phục hồi nhanh và mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa tiếp tục mở rộng, với mức tăng trưởng doanh số lần lượt là 76% và 94%.

Về mảng vận tải hàng không, Vietjet ghi nhận doanh thu 3.340 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng số chuyến bay và lượt khách bằng 50% và 55% so với tổng số của cả năm trước, đánh dấu cột mốc phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trong 3 tháng đầu năm, hãng hàng không này đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ; thực hiện 20.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế được khai khác.

Các doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng trưởng

Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) có kết quả khởi sắc với doanh thu đạt 245,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 187,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 25,4% và 36,% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lý giải ban Tổng giám đốc, nguyên nhân dẫn đến việc công ty đạt kế quả tốt là do sản lượng quý I tăng 18,5%, dòng tiền cũng được quản lý tốt nên thu nhập tài chính tăng 75,3%. Ngoài ra, SCSC cũng đã cắt giảm một số chi phí không cần thiết.

Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HoSE: NCT) ghi nhận doanh thu thuần 190,9 tỷ đồng và lãi sau thuế 60 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 17,2%. Theo lý giải của Ban Tổng giám đốc, kết quả kinh doanh của công ty tăng do dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, sản lượng hàng hóa qua sân bay Nội Bài và sản lượng các hãng hàng không do công ty phục vụ đã tăng trở lại.

Bên cạnh đó, việc ký thêm hợp đồng với các khách hàng mới trong thời gian gần đây như Starlux Airlines (JX), Tianjin Air cargo (HT), Oman Air (WY) và Aero Mongolia (M0) cũng góp phần giúp sản lượng phục vụ của công ty tăng 15,6% so với cùng kỳ 2021.

Nửa đầu năm, SSI Research ước tính sản lượng hàng hóa hàng không vẫn được hưởng lợi từ nhu cầu cao do các nhà bán lẻ tích trữ hàng tồn kho, hiện đang ở mức thấp trong lịch sử. Tăng trưởng trong quý III cũng có thể vẫn tốt do hiệu ứng cơ bản thấp và trở về mức bình thường trong quý cuối của năm.

Kết quả trái chiều đến từ các công ty dịch vụ sân bay

Các doanh nghiệp dịch vụ sân bay bao gồm Dịch vụ hàng không Taseco (HoSE: AST) Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh (HNX: CIA), Dịch hàng không Đà Nẵng (HNX: MAS) ghi nhận sự tăng trưởng trong quý này khi doanh thu tăng và các khoản lỗ đã giảm lần lượt 25,5%, 48,3% và 47,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý này là Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco, UPCoM: SAS) và Dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN).

Cụ thể, doanh thu của Sasco trong quý I vẫn tăng 20,7% lên 131,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 86,5% còn 3,8 tỷ đồng do các khoản lợi nhuận được chia từ cổ tức giảm 24 tỷ đồng còn 1 tỷ đồng, kéo theo lãi sau thuế giảm 86,1% còn 1,7 tỷ đồng.

Còn với SAGS, cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm lần lượt 4,3% và 13,7%. Theo thuyết minh của công ty, doanh thu từ phục vụ mặt đất tại các sân bay giảm 3% khiến cho kết quả kinh doanh giảm.

Suất ăn hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) ghi nhận doanh thu quý này tăng 37,4% lên 60,4 tỷ đồng, khoản lỗ đã giảm 69,7% còn 5,9 tỷ đồng.

Cũng giống như ACV, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm này phụ thuộc lớn vào hành khách đi qua các sân bay. Việc khách nội địa thông qua các cảng hàng không trong quý này giảm đã làm cho kết quả kinh doanh của các công ty trên vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại