menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Intracom - Công ty của Shark Nguyễn Thanh Việt từng thua lỗ ra sao?

Từng lọt top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất (Profit 500) nhưng theo nguồn tin của Lao động, tại ngày 31/12/2019, Intracom lỗ lũy kế 93,67 tỉ đồng. Công ty của shark Việt cũng phải đối diện với áp lực nợ vay lớn khi tại thời điểm cuối năm 2019 - nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Hồ sơ năng lực "khủng" nhưng lỗ triền miên

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) được thành lập năm 2002 với 100% vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng bất động sản, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng, thi công xây lắp. Năm 2006, Công ty tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đến năm 2019, công chúng biết nhiều tới Intracom vì công ty này gắn với tên tuổi của Shark Việt (ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Intracom).

Theo hồ sơ năng lực mà Intracom công bố trên website của doanh nghiệp, Intracom đang là chủ đầu tư của nhiều tổ hợp nhà cao tầng và văn phòng gồm: Intracom 1, Intracom 2, Intracom Riverside.

Trong lĩnh vực năng lượng sạch, Intracom cũng là chủ đầu tư, vận hành của nhiều dự án lớn như: Nhà máy thủy điện Tà Lơi 1, Tà Lơi 2, Tà Lơi 3, Pờ Hồ, Nậm Pung (tại Lào Cai), thủy điện Cẩm Thủy 1 (tại Thanh Hóa).

Những năm gần đây, Intracom còn mở rộng vốn đầu tư sang lĩnh vực y tế với việc thành lập Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

CEO Intracom - ông Nguyễn Thanh Việt liên tục xuất hiện trong mùa 2 và 3 của chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỉ).

Theo giới thiệu của Intracom, ông Nguyễn Thanh Việt là nhà đầu tư dẫn đầu dàn "Cá mập" (shark) đã đầu tư cho hàng loạt startup với tổng số tiền lên đến 235 tỉ 450 triệu đồng (47 tỉ 150 triệu đồng mùa 2 và 188 tỉ 300 triệu đồng mùa 3).

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2019 của Intracom mà Lao Động có được, lỗ lũy kế của Intracom lên tới 93,67 tỉ đồng - tăng 39% so với con số (-67,352) tỉ đồng của năm 2018.

Đáng nói, 2018 là năm mà Intracom lọt top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất (Profit 500). Đây là bảng xếp hạng được thực hiện bởi Công ty Vietnam Report.

Cũng chính trong năm mà Intracom được vinh danh trong top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất (2018), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là âm 668,5 triệu đồng. Nhờ “cứu tinh” "lợi nhuận khác" đạt hơn 1,1 tỉ đồng nên Intracom thoát lỗ trong năm 2018.

Tuy nhiên, lãi ròng của doanh nghiệp trong năm 2018 chỉ ở mức tượng trưng 435,9 triệu đồng, trong khi doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Intracom lên tới 592,8 tỉ đồng.

Slogan của Intracom là “Tỏa sáng cùng đất nước” nhưng nhìn trên báo cáo tài chính, đóng góp của Intracom vào ngân sách nhà nước bằng 0.

Bởi ít nhất trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, chi phí thuế Thu nhập doanh nghiệp của Intracom là 0 đồng.

Năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Intracom đạt 768,95 tỉ đồng nhưng công ty báo lỗ 26,31 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại ngày 31.12.2019 lên 93,67 tỉ đồng.

Áp lực thanh khoản, nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu

Tại ngày 31.12.2019, tổng tài sản của Intracom đạt 5.109 tỉ đồng, được hình thành từ 3.839 tỉ đồng nợ phải trả và 1.269 tỉ đồng vốn chủ sở hữu. Như vậy, nợ phải trả của Intracom đã cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Trong cơ cấu tài sản của Intracom (5.109 tỉ đồng), chiếm phần lớn là tài sản cố định (2.054 tỉ đồng), tiếp đến là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (1.648 tỉ đồng), đầu tư tài chính dài hạn vào công ty con hơn 539 tỉ đồng.

Trong 3.839 tỉ đồng nợ phải trả của Intracom tại ngày 31.12.2019 có 2.474 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính. Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 635 tỉ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.833 tỉ đồng.

Năm 2019, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Intracom bị âm 366,4 tỉ đồng trong khi năm 2018 dương 792,62 tỉ đồng. Nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của Intracom âm hơn 366 tỉ là do tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh của Intracom giảm từ 1.433 tỉ đồng năm 2018 xuống hơn 194,5 tỉ đồng năm 2019.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bao gồm tiền thu, chi từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, chi trả cho người lao động, chi trả lãi vay, các loại thu khác chi khác liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên, chuyên viên tài chính tại hãng kiểm toán thuộc nhóm Big4 cho biết dòng tiền trong hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong một kỳ nào đó không nhất thiết phải dương. Nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương thì mới đảm bảo duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp, khi đó sẽ kéo theo các hoạt động khác như đầu tư, tài trợ…

“Dòng tiền kinh doanh là phản ánh thật nhất doanh nghiệp có thực làm ăn được hay không”, chuyên viên này chia sẻ kinh nghiệm với Lao Động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại