menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Vũ

Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU 'dù đã được ký nhưng còn nhiều điều bấp bênh'

Theo các nhà phân tích, vẫn còn nhiều bất ổn lớn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, từ những khả năng đánh giá lại về vấn đề an ninh cho tới sự ra đi của bà Angela Merkel. Ở vế ngược lại, quyền tiếp cận thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty châu Âu cũng chưa được đảm bảo, theo SCMP.

Liu Luxin, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng có những lý do để lo ngại về thỏa thuận toàn diện về đầu tư vừa được Bắc Kinh và khối Liên minh châu Âu (EU) ký kết vào tuần trước.

"Thay vì là một điểm cuối cùng, Hiệp định đầu tư toàn diện giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu là một khởi đầu cho chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Trong khi hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán hiệp định về đầu tư, chúng ta cũng có nhiều lý do để tỉnh táo và bình tĩnh về sự phát triển tương lai của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU", nữ chuyên gia viết trên China Economic Diplomacy Watch, một tạp chí trực tuyến trên nền tảng truyền thông xã hội phổ biến WeChat của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã coi thỏa thuận này là một đột phá chiến lược trong cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Washington , một đối thủ vốn đã gia tăng sự tấn công trên nhiều mặt, từ thương mại, công nghệ, cho đến quân sự và tư tưởng.

Tuy nhiên, bà Liu cho biết nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thể kể đến triển vọng về việc tái lập lại một liên minh xuyên Đại Tây Dương, cũng như việc bà Thủ tướng Đức Angela Merkel nghỉ hưu, sẽ làm tăng thêm khả năng không chắc chắn của hiệp định đầu tư đã ký kết.

Bà Merkel, động lực chính của thỏa thuận, dự kiến sẽ từ chức sau cuộc bầu cử vào cuối năm nay và sự ra đi của bà 'chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái chính trị của EU', bà Liu viết.

Hoa Kỳ, về phần mình cũng đã phát tín hiệu rằng họ có thể cố gắng làm việc với khối liên minh châu Âu để gây áp lực lên Trung Quốc. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden, nói rằng Hoa Kỳ sẽ 'Hoan nghênh các cuộc tham vấn sớm với các đối tác châu Âu về những quan ngại chung trước thực tiễn kinh tế của Trung Quốc'.

Ngoài ra, thỏa thuận này cần được các chính phủ EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn để thay thế cho 26 thỏa thuận đầu tư song phương giữa Trung Quốc và các thành viên EU, một quá trình khó có thể hoàn thành cho đến năm 2022.

Dưới các điều khoản mới của hiệp định vừa ký kết, các công ty châu Âu dự kiến sẽ được trao quyền truy cập chưa từng có vào các ngành sản xuất, vận chuyển, hàng không, máy tính, viễn thông, y tế và tài chính của Trung Quốc.

Bắc Kinh cam kết đảm bảo rằng các công ty EU có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn ở Trung Quốc, với các quy tắc chống ép buộc chuyển giao công nghệ - một trong những điểm mấu chốt nhất trong suốt bảy năm đàm phán giữa hai bên.

Lần đầu tiên, các bên cũng nhất trí về các điều khoản đầy tham vọng về phát triển bền vững, bao gồm các cam kết về lao động cưỡng bức và việc phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Đổi lại, các công ty Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận như các đối tác châu Âu khi đầu tư vào EU, với việc loại bỏ các hạn chế đặc biệt đối với các công ty nhà nước Trung Quốc và các rào cản chính trị do hệ thống rà soát an ninh đối với đầu tư nước ngoài tạo ra.

Nhưng bà Liu cảnh báo rằng đầu tư của Trung Quốc sẽ vẫn gặp phải các rào cản ở châu Âu, phần lớn là do "các ngoại lệ an ninh" trong quá trình thực thi hiệp định.

Bà viết: "Ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận, Trung Quốc vẫn cần chú ý đến những thay đổi trong chế độ rà soát an ninh đầu tư nước ngoài của EU. Do đó, có sự không chắc chắn đáng kể về thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU".

Cũng có những lý do cho sự thận trọng ở châu Âu, theo Mikko Huotari, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin.

Trên tờ báo Đức Handelsblatt hôm thứ Năm, ông Huotari cho biết vẫn còn một dấu hỏi về việc làm thế nào Bắc Kinh đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường đã hứa cho các công ty châu Âu.

"Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc Trung Quốc mở cửa rộng rãi hơn phụ thuộc vào các mục tiêu chính trị khác chứ không chỉ là một trọng tâm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho châu Âu", ông Houtari viết.

"Các cơ chế thực thi không có chế tài thực hiện và kinh nghiệm về việc Trung Quốc tuân thủ các cam kết quốc tế khiến người ta nghi ngờ về khả năng thực thi của toàn bộ thỏa thuận", ông Houtari nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại