menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Đức

Hàng hóa phập phồng lo dịch

Các tiểu thương, doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng doanh số tăng vào tháng cuối năm sau thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng biến chủng mới Omicron của SARS-CoV-2 lại đang khiến họ phập phồng lo ngại.

Gần 10 giờ ngày 3.12, chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM) vẫn vắng hoe. Từ khu hàng tươi sống, rau củ quả đến các quầy sạp phía trong nhà lồng đều thưa thớt khách vào chợ. Chị Nhung, bán hàng gia vị, đồ gia dụng tại chợ, chia sẻ chợ mở cửa trở lại từ giữa tháng 11 và chỉ bán buổi sáng. Tiểu thương vẫn test nhanh kiểm tra Covid-19 thường xuyên hoặc kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sau gần 3 tuần, lượng khách vào chợ mua chỉ khoảng 30% so với trước đây.

Chợ sỉ, chợ lẻ đều… dè dặt

Thông thường vào dịp cuối năm như thời điểm này, chợ Thái Bình luôn tấp nập người mua kẻ bán từ sáng đến tối. Nay thì ngược lại, ngay giờ cao điểm, cũng chỉ có vài người vào mua và nhanh chóng rời đi.

“Chợ thế này nên mình không dám đặt hàng dự trữ cho tết, dù giá nay cao hơn nhiều. Vừa bán vừa lo vì thấy dịch còn phức tạp quá. Nghe có chủng mới, lỡ có gì chợ lại đóng cửa hay nghỉ bán thì hàng hết đát mất. Nửa năm nghỉ bán, khi mở lại phải bỏ hết mấy thùng hàng gia vị vì hết hạn, cụt hết cả vốn”, chị Nhung tâm sự. Bên trong chợ, nhiều quầy hàng vẫn còn đóng cửa.

Cũng tại chợ Bình Tây, các dãy hàng mứt bánh kẹo tuy đã được bày biện bắt mắt, lượng hàng theo quan sát chưa bằng một nửa dịp này cuối năm ngoái. Bà Hà (sạp T.H) thở dài đánh sượt, mọi năm giờ này đóng hàng bỏ bữa, nay ngồi xem phim từ sáng đến trưa không ai hỏi thăm, hơn 20 sạp hàng bánh kẹo, chỉ có 2 sạp với 4 người khách ghé hỏi mua nho khô và táo đỏ Hàn Quốc. “Năm nay chợ chưa khởi động tết nên các loại hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ… từ Trung Quốc chưa thấy về. Hàng khô cũng toàn bán hàng trong nước là chủ yếu, hoặc hàng cũ cũng nhiều”, bà Hà chép miệng, giải thích.Chợ lẻ ế ẩm và chợ sỉ cũng chung hoàn cảnh. Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) vốn cung cấp hàng hóa phong phú cho thị trường các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, thậm chí vươn ra miền Trung và Bắc và sang tận Campuchia cũng thưa thớt bóng người. Ngày 3.12, sau hơn 1 tháng chợ chính thức hoạt động trở lại, chị Phương - tiểu thương kinh doanh thủy sản khô tại chợ Bình Tây - than ế, bán chưa bằng 1/3 lần năm ngoái.

Giảm giá sâu, giải phóng hàng tồn

Một số tiểu thương cho biết do thời gian nghỉ bán tại chợ lâu, trong thời gian giãn cách, họ đã kịp tiếp thị và bán hàng qua mạng, nên có thể “đắp đổi” qua ngày.

Theo chủ sạp đồ khô gia vị tạp phẩm Yến Hoa (chợ Bình Tây), có thể ra chợ ngồi cả ngày không có người mua, nhưng vẫn phải bày biện hàng hóa thật bắt mắt để khách quen, khách lạ có dịp ghé xem hàng. Để bán được hàng nhiều hơn, sạp trả phí vận chuyển cho khách, tặng kèm biếu một số mặt hàng khác. Hàng cận hạn sử dụng có thể mua 1 tặng 1.

Chị Nguyễn Thái Trang thì quyết định đóng sạp quần áo ở An Đông 2 (An Đông Plaza, Q.5, TP.HCM), tập trung nguồn lực kinh doanh tại chợ An Đông 1 (chợ truyền thống) bởi khó có thể “gồng” các chi phí từ tiền thuê sạp, nhân viên, điện nước… cả 2 bên trong khi khách mua hàng giảm hơn một nửa. Chị nói: “Khách hàng của An Đông 1 và An Đông 2 đều như nhau, nguồn hàng giống nhau, trong khi chênh lệch về chi phí tại An Đông 2 cao hơn An Đông 1 rất nhiều. Trong bối cảnh hậu dịch còn nhiều khó khăn, nhiều tiểu thương chọn giải pháp tạm ngưng kinh doanh tại 1 chợ, sau năm 2022 tính tiếp”.

Từ sau khi hoạt động trở lại vào giữa tháng 10, chị Trang chủ yếu tập trung đẩy hàng thời trang đã chuẩn bị trước để bán dịp lễ 30.4, hè… cho khách nhưng do đóng chợ giãn cách xã hội nên hàng đã lỗi mốt. Đáng nói, dù đã giảm 50%, chỉ lấy tiền vải, chấp nhận lỗ tiền kim chỉ và công cán nhưng mãi lực cũng rất yếu.

“Không thể ngồi yên chờ dịch hết được. Chúng tôi vẫn phải đặt hàng chuẩn bị cho tết và kinh doanh qua nhiều kênh từ trực tiếp đến online, bán buôn và sỉ…”, chị Trang chia sẻ và than các loại nguyên phụ liệu để làm hàng mới đều tăng 10 - 15%, trong khi tinh thần là hàng phải giảm giá bán. Thế nên, hoạt động lúc này để cầm cự, nuôi công nhân, chứ có lãi thì rất khó. Riêng mặt hàng thực phẩm, thịt bò, gà, heo, thủy sản… đông lạnh, theo phản ánh của các nhà nhập khẩu là đang tồn lượng lớn.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH TM-SX-DV Thiên Bút, cho hay chưa bao giờ lượng hàng nhập tồn kho của công ty lớn đến vậy. Chỉ riêng Công ty Thiên Bút, ngày thường, kho lạnh của công ty cho tồn khoảng 1.000 tấn, nay tồn lên 3.000 - 4.000 tấn do… không có người mua. Ông nói: “Các bếp ăn tập thể, trường học, quán xá hoạt động cầm chừng nên lượng hàng tồn vẫn cao ngất ngưỡng”.

Ông Trần Thanh Phong đang kỳ vọng vào dịp Tết Nguyên đán tới, thông thường sức mua của người dân sẽ tăng lên do đa số các gia đình hạn chế đi ăn hàng quán, tăng đặt mang về, nguồn hàng đông lạnh trong kho của công ty sẽ được giải phóng. “Hiện tại, chúng tôi đang bán lỗ so với giá nhập khẩu về. Mục đích sớm giải phóng kho hàng, còn phải nhập đón bán dịp cuối năm”, ông Phong khẳng định.

Nhận định về thị trường và xu hướng tiêu dùng trong tết năm nay, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty CP dầu thực vật Tường An, cho rằng đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế. Giá cả thế giới biến động dẫn tới VN cũng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng gây khó khăn trong chi tiêu. Với những khó khăn đó, quà Tết 2022 sẽ không còn nhiều những món quà hào nhoáng mà sẽ là những món quà ý nghĩa đem lại sự bình an, mang tính thiết thực, thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và tấm lòng của người tặng. Dự kiến sản lượng dầu ăn được tung ra thị trường tết năm nay sẽ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) dự báo động thái tổng lực kích cầu và tổ chức tháng khuyến mại sâu của ngành công thương hy vọng đẩy tiêu thụ của thị trường tăng tối đa trong tháng “nước rút này”. Ông nói: “Một vài tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng trong thời gian khuyến mại. Chẳng hạn, doanh thu bán lẻ của TP.HCM trong tháng 11 (có 15 ngày tổ chức khuyến mại tập trung toàn TP - PV) đã vọt lên 55.000 tỉ đồng, trong khi trong tháng 10 là 43.000 tỉ đồng. Đó là một số tín hiệu khởi sắc. Nếu chương trình khuyến mại giảm giá trên toàn quốc được các doanh nghiệp tham gia phối hợp tốt, mãi lực tăng không chỉ tập trung mạnh tại các TP lớn mà nó lan tỏa tại nhiều tỉnh thành”.

Theo Bộ Công thương, những tháng cuối năm, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm Black Friday đã được tổ chức tại nhiều địa phương. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước (đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây). Thế nên, cơ quan này nhận định dưới tác động của dịch Covid-19, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại