menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tiến Sỹ Huỳnh Thế Du

Gói cứu trợ toàn dân

Hơn hai tháng qua, phần vì công việc tư vấn cho một số nơi, phần vì lý do cá nhân, tôi đã đi xuyên tâm vùng dịch phía Nam.

Có lúc, chúng tôi phải dùng đến xe công vụ để tiện cho việc đi lại và khảo sát thực tế. Thời gian phải chờ ở các trạm kiểm soát thường lên tới hàng chục phút vì thủ tục "thông quan" và phương tiện rất đông. Đi qua và ở lại TP HCM, Bình Phước, Đắk Nông và Bình Định khi mức độ dịch khác nhau với tôi là trải nghiệm đặc biệt. Điều tôi nhớ nhất là những lời năn nỉ của bà con với đủ lý do để được qua các trạm gác.

Trở về TP HCM và tiếp tục những ngày ở nhà, tôi chuyển sang trạng thái tâm lý khác. Sáng ngày 29/7, tôi đã phải đến hai siêu thị ở quận 7, xếp hàng hàng giờ mới có thể mua đủ một số mặt hàng cần thiết cho sinh hoạt. Hàng hóa trên các quầy rất ít, đặc biệt là đồ tươi. Cả hai siêu thị đều không có trứng, một siêu thị khá lớn không còn thịt mà chỉ có một ít cá.

Dù đã có những tuyên bố đảm bảo hàng thiết yếu cho dân, nhưng có những khu như nhà tôi, hàng hóa tới tuần này vẫn thiếu và giá bị đẩy lên cao hơn ngày thường. Quan sát hơn ba tuần qua, tôi thấy dấu hiệu các chuỗi cung ứng bị gãy đổ. Thách thức trong việc có đủ nhu yếu phẩm cho các đô thị và sự ùn ứ ở nơi sản xuất vẫn tiếp diễn.

Tôi hiểu cái khó của chính quyền trong việc thực thi các yêu cầu giãn cách và đảm bảo an sinh. Tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến cảnh tương tự hơn một năm trước khi ở Mỹ.

An dân - tôi tạm gọi cảm giác người dân thấy rằng cả sinh mạng và sinh kế của mình đều được chăm lo - là điều quan trọng nhất lúc này. Tôi cho rằng nhà nước có thể xem xét ngay hai việc dưới đây.

Thứ nhất, khởi động gói hỗ trợ tương đương với 10% GDP gồm hơn 5% cho dân chúng và phần còn lại cho các doanh nghiệp cần tiếp sức.

Gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho toàn dân tương đương với nhu cầu lương thực và tiêu thụ điện trong 6 tháng của nhóm 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất. Dựa vào mức tiêu thụ bình quân các mặt hàng thiết yếu năm 2020, theo điều tra của Tổng cục Thống kê với giá cả bình thường và 68% số hộ tiêu thụ điện dưới 200 kwh mỗi tháng, tôi tính ra nhu cầu chi tiêu tối thiểu của một người Việt Nam là 567.000 đồng mỗi tháng, hay 3,4 triệu đồng trong 6 tháng. Tổng gói hỗ trợ cho khoảng 98 triệu dân sẽ là 334.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GDP ước tính cho năm 2021.

Nhà nước có thể phát tiền mặt trên diện rộng thay vì phải sàng lọc theo đối tượng bởi hai lý do. Thứ nhất, để đơn giản thủ tục cứu trợ trong việc triển khai bằng nhận diện qua chứng minh thư và giấy khai sinh cho trẻ vị thành niên. Ai đủ thông tin sẽ được nhận thay vì chờ cán bộ sàng lọc theo danh sách. Và thông tin được tập trung vào một cổng để không bị trùng lắp, điều này rất nhiều nước đã làm được.

Thứ hai, khác với gói cứu trợ người nghèo, phủ gói cứu trợ trên quy mô đại trà để không ai có thể đưa ra lý do phải đi lại vì sinh kế. Như vậy mới có thể thực hiện 5K nghiêm ngặt, những người thực thi công vụ không áy náy khi nghiêm khắc với người ra đường. Những ai muốn nhường phần cứu trợ cho người khác có thể phân phối lại bằng các thiết chế cộng đồng như phân tích ở sau.

Đối với các gia đình đang phải thuê nhà, nhà nước hỗ trợ để họ có thể trả tiền thuê nhà trong 6 tháng nếu chấp nhận "ai ở đâu ở đấy", ước tính ba triệu đồng mỗi người. Với 11,7% số hộ đang phải thuê nhà trên cả nước, số tiền cần hỗ trợ sẽ là 34 nghìn tỷ đồng hay 0,5% GDP.

Sau khi thực thi các chính sách trên, vẫn còn một nhóm người lang thang, cơ nhỡ cần cái ăn hàng ngày do không có đủ thông tin để chứng minh cho việc nhận tiền mặt hoặc các lý do khác. Chính quyền có thể dùng một khoản tương đương 0,1% GDP để tổ chức các nơi ở tạm và cung cấp bữa ăn miễn phí cho họ thông qua các tổ chức nhà nước và cộng đồng.

Như vậy, tổng gói cứu trợ cho người dân là 5,6% GDP. Gói cứu trợ cho các doanh nghiệp từ 4% đến 5% GDP bao gồm trợ cấp cho việc sản xuất các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, cả y tế và các khoản giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp.

10% GDP là một con số lớn nên có thể là thách thức đối với ngân sách và nguồn lực quốc gia. Do vậy, để giảm gánh nặng ngân sách, gói cứu trợ sẽ trừ ra bộ phận đang có thu nhập ổn định, không bị ảnh hưởng gồm: Toàn bộ những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước; những người thuộc các doanh nghiệp và tổ chức vẫn đang đóng bảo hiểm xã hội ở mức như ba tháng trước đó hoặc cao hơn. Thêm vào đó, trước mắt chính phủ có thể phát một nửa khoản cứu trợ cho ba tháng thay vì phát một lần cho 6 tháng (mỗi người 3,4 triệu đồng). Như vậy, đợt đầu, ngân sách chỉ phải chi xấp xỉ 2% GDP cho an sinh và khoản tương tự cho các doanh nghiệp.

Gói hỗ trợ trên là hành động an dân hết sức quan trọng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với nhà nước bằng thông điệp: chính phủ không để ai chết vì bệnh tật và tổn thương vì đói.

Trên thế giới, thống kê đến tháng 5/2021, so với GDP, tổng các gói giải cứu của các nước đang phát triển bị Covid nghiêm trọng vào khoảng 10% và có thể lên đến 25% cho cả giai đoạn dài, có thể đến khi phủ xong vaccine. Ở các nước phát triển, cứu trợ thường trên 20%, trường hợp đặc biệt như Nhật Bản đã lên đến 56% GDP. Một số nước đã giải ngân xong gói cứu trợ toàn dân tương đương 10% GDP, ở châu Á có Malaysia vào tháng sáu vừa qua. Trong các gói này đều có phần phát tiền trực tiếp cho hầu hết dân chúng.

Song, tôi muốn nhấn mạnh, gói hỗ trợ trên chỉ hiệu quả nếu giá cả các mặt hàng thiết yếu được giữ ổn định. Điều này phụ thuộc vào đề nghị thứ hai dưới đây. Đó là phát huy được vai trò của ba trụ cột: thị trường - nhà nước - cộng đồng ở mức bình thường cao nhất có thể.

Cho dù giãn cách nghiêm ngặt đến mức nào chăng nữa, dân chúng vẫn cần nhu yếu phẩm. Thị trường duy trì được hơi thở mới có thể cung ứng hàng hóa và giá cả ổn định. Ta mới có bài học kinh nghiệm từ TP HCM - cái nôi của kinh tế thị trường ở Việt Nam. Thị trường gồm mạng lưới chợ và vô số điểm bán lẻ dân doanh cung ứng khoảng 70% thực phẩm cho trên dưới 10 triệu dân. Hậu quả có thể thấy ngay khi các chợ chính bị dừng hoạt động. Dù chính quyền đã cho một số chợ hoạt động cầm chừng trở lại hai tuần qua, nhưng người dân khu nhà tôi vẫn khó tiếp cận thực phẩm dù đã chấp nhận mua giá cao hơn. Thị trường luôn có quy luật riêng nên mệnh lệnh hành chính "không được tăng giá" rất ít tác dụng.

Hơn thế, cạnh tranh - tạo ra càng nhiều người bán và mua càng tốt - là yếu tố then chốt cho thị trường hiệu quả và cả xã hội sẽ có lợi. Do vậy, cần hạn chế tối đa các văn bản như công văn 5944 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 kèm theo danh mục 12 loại thuốc. Văn bản này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cạnh tranh và tạo sân chơi bình đẳng vì chỉ đích danh sản phẩm cụ thể và gián tiếp loại toàn bộ những sản phẩm tương tự, chưa kể khiến người dân đổ xô đi mua, vừa mất tiền vừa mất niềm tin. Cách tiếp cận hợp lý hơn là Bộ chỉ đưa ra quy định hay khuyến nghị dược phẩm có các chất cần thiết để người dân có thể dùng tất cả sản phẩm tương tự, doanh nghiệp được tự do sản xuất.

Trụ cột thứ hai là cộng đồng. Vai trò của các thiết chế cộng đồng có thể thấy rất rõ ở TP HCM, và chính họ sẽ làm cho nguồn lực được phân bổ hiệu quả và nhân văn hơn. Ví dụ, với gói hỗ trợ 3,4 triệu đồng mỗi người nêu trên, những ai khá giả sẽ san sẻ cho người cần hơn. Khi đó, gói "An dân" sẽ có tác dụng kép và vai trò của nhà nước càng rõ nét.

Phát tiền cứu trợ cho toàn dân không phải điều gì bất thường, chỉ là hành động gửi lại dân chúng một chút tiền thuế họ đã đóng góp để cùng nhà nước đi trong cuộc chiến dài.

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", như Hồ Chí Minh đúc kết, an dân là việc tối quan trọng của nhà nước lành mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Tiến Sỹ Huỳnh Thế Du

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
4 Yêu thích
6 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại